Nhóm chuyển giao quyền lực của Tổng thống đắc cử đã đề xuất một kế hoạch gồm hàng loạt các mệnh lệnh hành pháp dự kiến sẽ được công bố trong 10 ngày đầu tiên, nhằm thúc đẩy việc Mỹ quay trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, cũng như bãi bỏ các chính sách gây tranh cãi của ông Trump, mà điển hình là lệnh cấm nhập cảnh vào Mỹ đối với công dân từ 7 quốc gia có người Hồi giáo chiếm đa số. Ngoài ra, một ưu tiên khác trong chính sách của ông Biden là tái thiết mối quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh truyền thống phương Tây, đồng thời gây dựng lại tầm ảnh hưởng trong một thế giới ngày càng phân cực.
Những bước đi đó sẽ cần song hành với các nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng y tế và kinh tế trong nội tại nước Mỹ. Đến nay, số người tử vong do Covid-19 tại Mỹ đã vượt mốc 400.000 người, trong khi số lao động có việc làm giảm mạnh gần 10 triệu người so với thời điểm tháng 2/2020.
Trước thời điểm nhậm chức, ông Biden đã công bố gói cứu trợ kinh tế giá trị 1.900 tỷ USD, bao gồm các khoản hỗ trợ tiền mặt cho người dân và bổ sung kinh phí cho các tiểu bang. Việc thuyết phục Quốc hội thông qua đề xuất này sẽ là bài kiểm tra đầu tiên đối với chính quyền của ông Biden. Điều này càng trở nên khó khăn khi Đảng Dân chủ chỉ giành được lợi thế sít sao về số ghế so với Đảng Cộng hoà tại cả Hạ viện và Thượng viện, trong khi sự chia rẽ giữa hai đảng vốn đã bị khoét sâu sau vụ bạo động tại Quốc hội ngày 6/1.
“Chính phủ mới đang đứng trước áp lực buộc phải sớm hoàn thành các mục tiêu đề ra, nhưng tình hình chính trị phức tạp hiện tại với sự không hợp tác từ chính quyền cũ, sự chia rẽ đảng phái và dịch bệnh, đang khiến mọi thứ trở nên khó khăn” - ông John Lawrence, nguyên Trợ lý của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi nói.