Điện gió ngoài khơi vẫn cứ "xa bờ"

Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu đến năm 2030, công suất điện gió ngoài khơi phải đạt 6.000 MW. Nhưng đến nay các dự án vẫn "giậm chân tại chỗ".

Loạt khó khăn phát triển dự án điện gió ngoài khơi

Cách đây hơn 5 năm, Bộ Công Thương có quyết định chấp thuận cho việc thực hiện khảo sát, nghiên cứu và đầu tư xây dựng đối với dự án điện gió ngoài khơi mũi Kê Gà (Bình Thuận). Quyết định này đặt nền móng cho phát triển ngành điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam may mắn sở hữu điều kiện tự nhiên tuyệt vời để phát triển điện gió ngoài khơi, đặc biệt là tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận. Nơi đây có vận tốc gió lớn hơn các khu vực khác và do đó tạo ra nguồn điện lớn hơn, đồng thời có thể cung cấp giá điện sạch tốt hơn cho người tiêu dùng nhờ nguồn gió ổn định.

Một dự án điện gió ngoài khơi tại Anh. Ảnh: GWEC

Một dự án điện gió ngoài khơi tại Anh. Ảnh: GWEC

Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, việc triển khai các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam vẫn chưa có nhiều bước tiến. Hồi tháng 7.2024, Bộ Công Thương cũng chỉ đưa ra được Đề án nghiên cứu thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi, phục vụ nhu cầu điện trong nước đến năm 2030 theo Quy hoạch điện VIII.

Bộ này nêu loạt khó khăn từ vướng mắc quy hoạch, chủ trương đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư, điều kiện tiếp cận thị trường với nhà đầu tư nước ngoài, đầu tư theo hình thức hợp tác công-tư (PPP), triển khai đầu tư xây dựng và cấp phép xây dựng, quy định pháp luật về biển, xác định tài nguyên gió là tài sản công...

Từ đó, Bộ đề xuất giao cho tập đoàn kinh tế nhà nước triển khai thí điểm, là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Điều đáng nói, một số nhà đầu tư điện gió lớn nước ngoài đã vào Việt Nam từ sớm nhưng rồi lại rời đi. Năm 2023, nhà đầu tư điện gió đến từ Đan Mạch Orsted rời Việt Nam. Mới đây, Equinor từ Na Uy cũng xác nhận hủy kế hoạch đầu tư điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.

Các chuyên gia năng lượng thuộc Hội đồng Khoa học - Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nhận xét, điều này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài không còn kiên nhẫn, không nhìn thấy cơ hội rõ rệt tại Việt Nam so với các thị trường điện gió ngoài khơi khác trên thế giới.

Cần cơ chế cho điện gió ngoài khơi

Trao đổi với Lao Động ngày 27.9.2024, ông Stuart Livesey - Đại diện Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) tại Việt Nam, Giám đốc điều hành Dự án Điện gió ngoài khơi La Gàn cho biết, nhờ việc sử dụng năng lượng tái tạo, Việt Nam có thể giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, bảo vệ môi trường và hiện thực hóa cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Đối với các doanh nghiệp FDI, sử dụng năng lượng sạch là một trong những mục tiêu quan trọng trong chiến lược hoạt động tại Việt Nam, một số doanh nghiệp thậm chí còn đưa ra cam kết rõ ràng chỉ sử dụng năng lượng tái tạo.

Theo ông Stuart Livesey, đối với các dự án năng lượng tái tạo quy mô đầu tư lớn, thời gian xây dựng và phát triển kéo dài như các dự án điện gió ngoài khơi, cần có những chính sách rõ ràng, minh bạch, khuyến khích nhà đầu tư.

Trong đó cần trao cho doanh nghiệp Nhà nước cùng các nhà đầu tư quốc tế có năng lực, kinh nghiệm được triển khai các dự án điện gió ngoài khơi thí điểm thông qua cơ chế phát triển nhanh.

Nói với Lao Động trong cuộc phỏng vấn riêng vào đầu tháng 8.2024, ông Mark Hutchinson - Chủ tịch Nhóm công tác Đông Nam Á của Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) cho hay, mỗi quốc gia sẽ có khung pháp lý khác nhau trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi, không quốc gia nào giống quốc gia nào.

Những nhà đầu tư trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi rất cần một khung pháp lý hiệu quả, trong đó phân bổ rủi ro một cách hợp lý, các hợp đồng mua bán điện cần được thiết kế phù hợp để dự án có thể tiếp cận nguồn tín dụng quốc tế, và cần có những cơ chế rõ ràng hơn về việc khu vực biển nào được phân bổ cho nhà phát triển nào.

"Tôi lấy ví dụ, ở Philipines, một "hợp đồng dịch vụ" cho một khu vực biển nhất định sẽ được trao cho một nhà phát triển dự án, cho phép nhà phát triển sử dụng độc quyền khu vực biển đó trong một khoảng thời gian nhất định để phát triển dự án điện gió ngoài khơi. Nếu đơn vị đó không phát triển dự án và thực hiện các hoạt động như đã đề xuất, họ bắt buộc phải trả lại vùng biển đó cho Chính phủ.

Hàn Quốc cũng có một quy trình tương tự, "giấy phép kinh doanh điện" được trao độc quyền cho các nhà phát triển. Tương tự, các nhà phát triển có một khoảng thời gian cụ thể để phát triển dự án, và sẽ phải trả lại cho Chính phủ nếu dự án không đạt được tiến độ như đã cam kết", ông cho hay.

Lượt xem: 9
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.