Phát triển thương mại điện tử: Đừng quên thượng tôn pháp luật

Lợi ích từ thương mại điện tử đã rõ nhưng phát triển điện tử rất cần việc xây dựng những thiết chế để các đối tượng tham gia có điều kiện chấp hành pháp luật.

Không giống như các loại hình kinh doanh truyền thống khác, xu hướng thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt sau giai đoạn dịch Covid-19. Thế giới đang đưa các hoạt động bán buôn, bán lẻ, lên nền tảng thương mại số, thương mại điện tử trở thành xu hướng lớn, chiếm 19,6% tổng doanh thu bán lẻ toàn cầu. Còn tại Việt Nam, mục tiêu đặt ra là doanh thu thương mại điện tử chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ vào năm 2025 và chúng ta có thể đạt được mục tiêu này.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến hết năm 2023, lĩnh vực thương mại điện tử đóng góp khoảng 15 - 17% trong tổng giá trị của kinh tế số quốc gia, dự kiến cán mốc 45 tỷ USD vào năm 2025. Ngoài ra, chiến lược phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số đã xác định mỗi hộ nông dân, mỗi hộ kinh doanh đều có thể trở thành những cửa hàng trực tuyến trên thương mại điện tử để tăng cường khả năng tiếp thị, quảng bá các dịch vụ của mình.

Phát triển thương mại điện tử: Đừng quên thượng tôn pháp luật
Quản lý thuế trong livestream bán hàng cần tạo điều kiện cho người bán hàng về phương thức nộp thuế. Ảnh minh họa

Có chuyên gia nhận xét, thương mại điện tử không chỉ là “anh hào” mới của nền kinh tế mà còn là nơi, là lĩnh vực gắn liền, gắn kết tốt nhất thế giới "ảo" với "thực".

Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại bởi không thể có thứ gì mang tuyền màu hồng cả. Ngay cả ở thế giới “thực” đi nữa mọi sự gắn kết vẫn phải cần đến sự thượng tôn pháp luật (mà cũng không phải luôn được xuôi chèo) thì việc gắn giữa “ảo” và “thực” lại càng cần nhiều hơn sự thượng tôn pháp luật.

Một trong những vấn đề nóng của phát triển thương mại điện tử thời gian gần đây là vấn đề chấp hành nghĩa vụ thuế khi mà nhà nhà, người người đêm ngày lên mạng bán hàng. Thực tế thì việc quản lý các rủi ro về thuế, việc truy thu thuế liên quan đến các đối tượng này gần đây đã được quan tâm hơn và việc truy thu thuế cũng bước đầu có chuyển biến.

Nhưng vẫn có ý kiến nhìn nhận những cá nhân lên mạng livestream hàng hoá như là những đối tượng sẵn sàng trốn thuế cho bằng được, cốt sao để bán được hàng.

Liệu có oan mang màu sắc “Thị Mầu” cho họ hay không?

Chia sẻ tại một tọa đàm mới đây về quản lý rủi ro trong kinh doanh trên môi trường mạng, nhiều chuyên gia mong rằng, cần sớm để đi đến việc trốn thuế cũng như chấp hành nghĩa vụ thuế không còn là chuyện nóng của thương mại điện tử.

Muốn vậy thì cần có hai điều. Một là cần có những giải pháp công nghệ để quản lý thuế, mà những giải pháp này càng dễ thực hiện càng tốt. Hai là cần có những phương cách giúp người bán hàng điện tử biết được phải nộp thuế thế nào, nộp ở đâu vì như nhiều người bán hàng điện tử tâm sự “chúng tôi không muốn bị xã hội xem như những kẻ trốn thuế”.

Việc hoàn thiện các thiết chế này không chỉ bảo vệ hình ảnh cho thương mại điện tử, cho những người livestream mà rộng hơn còn là bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng khi mà làn sóng của hàng hoá, dịch vụ đã tràn đến bàn làm việc lẫn giường ngủ. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được sửa đổi mới đây lần đầu tiên đã có những chương điều bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong môi trường kinh doanh điện tử bên cạnh môi trường truyền thống.

Bởi vậy có lý do để tin rằng, phát triển thương mại điện tử, có thể tự hào về tốc độ, quy mô phát triển nhưng đừng để lạc trôi tinh thần thượng tôn pháp luật. Đừng để kinh doanh điện tử mãi ở trạng thái phát triển “hoang dã” mà cần đến kỹ năng, tư duy hiện đại. Để thương mại điện tử thực sự là “mình vì mọi người, mọi người vì mình” mà cái đích cao nhất là cả nền kinh tế phát triển lành mạnh.

 
Lượt xem: 13
Tác giả: Quang Lộc
Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.