Quảng Nam: Dân thấp thỏm nỗi lo sông lở

Bờ sông Thu Bồn, đoạn qua xã Điện Phước, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam thường xuyên bị sạt lở làm mất đất sản xuất, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân.

Tình trạng xói lở đã tiến gần vào khu dân cư. Trước thực trạng trên, chính quyền tỉnh Quảng Nam đã có nhiều biện pháp để khắc phục tình trạng sạt lở, ứng phó thiên tai trong mùa mưa bão.

Sông "nuốt" làng

Thời gian qua, hàng trăm hộ dân thôn Nhị Dinh 3, xã Điện Phước luôn phải sống trong tâm thế bất an với mối lo thường trực vì tình trạng sạt lở bờ sông Thu Bồn chưa có dấu hiệu dừng lại. Một số đoạn sông bị biến dạng, nhiều diện tích đất nông nghiệp bị trôi sông hoặc bồi lấp. Người dân nơi đây lại càng thấp thỏm, lo âu khi miền Trung-Tây Nguyên vào mùa mưa lũ.

Người dân lo lắng khi tình trạng sạt lở bờ sông Thu Bồn ngày càng nhanh với diễn biến bất thường. 

Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Quang Thường (64 tuổi, khu dân cư Bình Trị, thôn Nhị Dinh 3) giãi bày: “Gần 500m2 đất canh tác ven sông của gia đình tôi đã ngưng sản xuất suốt hai năm qua vì lo ngại sạt lở. Cách đây độ chục năm, khu đất của gia đình rộng tới 1.200m2, song tình trạng sạt lở ăn sâu vào bờ khiến phần lớn diện đất canh tác trôi sông”.

Chung tình trạng như hộ gia đình ông Thường, thửa đất rộng hàng trăm mét vuông ven sông Thu Bồn của gia đình ông Lê Đức (trú tại thôn Nhị Dinh 3) đã bị bỏ hoang cũng vì tình trạng sạt lở nghiêm trọng. Tại địa phương, chỉ trong vòng vài năm trở lại đây, trung bình mỗi năm có khoảng 2-3ha đất sản xuất và đất vườn bị trôi sông. 

Dẫn chúng tôi đi dọc bờ sông nham nhở vì sạt lở, ông Trương Phú Hòa, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Nhị Dinh 3 tỏ rõ sự lo lắng: “Hiện vị trí sạt lở nặng nhất chỉ còn cách nhà người dân khoảng 100m. Cứ tình trạng sạt lở như thế này thì 40ha đất nông nghiệp đang có nguy cơ bị xóa sổ. Do hình thái ở nhiều đoạn sông bị thay đổi nên một số gia đình phải bỏ làng đi nơi khác sinh sống. Trong những lần tiếp xúc cử tri, người dân đều kiến nghị sớm có phương án xây kè khi tình trạng sạt lở đang đe dọa cuộc sống của khoảng 240 hộ dân với 1.200 nhân khẩu sống trong khu dân cư Bình Trị”.

Qua trao đổi với lãnh đạo địa phương và người dân, chúng tôi được biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở và bồi bờ ở sông Thu Bồn, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp, thiên tai, bão lũ liên miên cùng với tình trạng khai thác cát bừa bãi trên sông đã khiến dòng chảy thay đổi, khó lường.

Chính quyền quyết tâm vào cuộc

Trước thực trạng nêu trên, cấp ủy, chính quyền địa phương đã có sự vào cuộc khá quyết liệt. Từ ngày 9-5-2024, UBND thị xã Điện Bàn gửi Tờ trình số 146/TTr-UBND lên UBND tỉnh Quảng Nam đề xuất các giải pháp khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông Thu Bồn đoạn qua thôn Nhị Dinh 3. Qua phân tích, tính toán về dòng chảy và lòng sông, UBND thị xã Điện Bàn đưa ra giải pháp nạo vét chỉnh dòng chảy, xây dựng công trình kè bảo vệ, trồng cây dọc hai bờ sông nhằm ổn định đường bờ, giảm vận tốc dòng chảy tác động vào khu dân cư. Kinh phí dự kiến cho phương án xây dựng kè kết hợp nạo vét chỉnh dòng chảy là 29,8 tỷ đồng; xây dựng kè, không nạo vét chỉnh dòng là 20 tỷ đồng và nạo vét tận thu vật liệu xây dựng thông thường là 15,6 tỷ đồng.

Sau khi tiếp nhận tờ trình của UBND thị xã Điện Bàn, mới đây, đồng chí Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam có công văn về việc xử lý sạt lở bờ sông Thu Bồn, đoạn qua thôn Nhị Dinh 3. Theo đó, tỉnh Quảng Nam giao thị xã Điện Bàn tổ chức xử lý trước mắt tình trạng sạt lở bờ sông như: Thông báo, cắm biển cảnh báo khu vực sạt lở; khoanh vùng phân rõ phạm vi ranh giới, ngăn cấm người và phương tiện vào những khu vực sạt lở. Giao cho UBND thị xã Điện Bàn trực tiếp theo dõi diễn biến sạt lở; chỉ đạo UBND xã Điện Phước triển khai các bước xử lý ban đầu để hạn chế tình trạng sạt lở; đồng thời tổ chức khảo sát, đánh giá, lập dự án đầu tư xử lý sạt lở trong trường hợp cần thiết.

UBND tỉnh Quảng Nam giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các ngành, đơn vị liên quan rà soát, hướng dẫn UBND thị xã Điện Bàn nạo vét chỉnh dòng chảy đoạn bãi bồi thuộc xã Điện Trung theo đúng quy định pháp luật về khoáng sản, quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông. Về đề nghị đầu tư dự án kè chống sạt lở, trước mắt, tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị, địa phương liên quan rà soát, đề xuất phương án cụ thể, để UBND thị xã Điện Bàn tham mưu, đề xuất cho UBND tỉnh xem xét và đề nghị các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách Trung ương để triển khai thực hiện dự án một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Trao đổi với ông Võ Như Toàn, Phó giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam, chúng tôi được biết, những năm gần đây, Quảng Nam là một trong những địa phương chịu tác động nặng nề do biến đổi khí hậu. Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, do tác động của biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan thường xuyên xảy ra với nhiều trận mưa lớn gây ngập lụt, sạt lở đất tại các huyện miền núi, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản của nhân dân. Chỉ tính riêng trong năm 2022, các địa phương trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng bởi 4 đợt thiên tai cùng 16 trận dông lốc, sét, mưa lớn cục bộ tập trung trên địa bàn các huyện: Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My, Tây Giang, Đại Lộc... làm thiệt hại nặng nề về nhà ở, chăn nuôi, hạ tầng của Nhà nước và nhân dân, với tổng ước tính thiệt hại gần 4.900 tỷ đồng.

Theo ông Võ Như Toàn, trong chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu, Quảng Nam sẽ tập trung ưu tiên đầu tư cho các công trình trọng điểm nhằm tăng sức chống chịu trước diễn biến thời tiết phức tạp; tập trung phân bổ nguồn vốn nhiều hơn cho các hạng mục đầu tư ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó có nhiều công trình vừa ứng phó với biến đổi khí hậu, vừa giúp người dân phát triển kinh tế-xã hội như: Công trình nạo vét, thoát lũ khẩn cấp và chống xâm nhập mặn sông Cổ Cò; kè bảo vệ khu đô thị cổ Hội An và nhiều công trình, dự án khác cũng mang lại hiệu quả tối ưu...

Bài và ảnh: KIM NGÂN

Tags: Quảng Nam
Lượt xem: 8
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.