“3 đột phá” ở Công ty Bình Dương

Trước năm 2020, Công ty Bình Dương (Binh đoàn 15) phải đối mặt với những khó khăn chồng chất, tài chính mất cân đối, chất lượng sản phẩm, năng suất thấp, nhiều người lao động (NLĐ) chưa yên tâm công tác... Nhưng 3 năm gần đây (2020-2022), Công ty Bình Dương liên tục về trước sản lượng mủ cao su, năng suất đứng tốp đầu của Binh đoàn 15 và ngành cao su Việt Nam, đời sống của cán bộ, nhân viên, NLĐ được cải thiện rõ rệt.

Chăm lo người lao động bằng nhiều chính sách

Theo Trung tá Nguyễn Cảnh Quang, Giám đốc Công ty Bình Dương, những khó khăn của Công ty ở thời điểm trước năm 2020 có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng điểm nghẽn lớn nhất là cán bộ, nhân viên, NLĐ không có động lực làm việc; vườn cây không được đầu tư, chăm bón thỏa đáng; công tác quản lý, kỹ thuật thiếu đồng bộ và chưa chặt chẽ. Sau khi nhìn ra vấn đề của Công ty, Đảng ủy, Ban giám đốc Công ty Bình Dương đã thảo luận, bàn bạc và quyết nghị “3 đột  và đột phá vào công tác quản lý, kỹ thuật.

Lãnh đạo Binh đoàn 15 trao bằng khen tặng Công ty Bình Dương vì đã xuất sắc về trước kế hoạch năm 2022.

Để xây dựng con người, Đảng ủy, Ban giám đốc Công ty Bình Dương xác định phải thay đổi tư duy, nhận thức, phong cách làm việc và xây dựng niềm tin vào cấp ủy, chỉ huy đơn vị. Đồng thời thực hiện các chính sách thu hút lao động, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ tay nghề và tạo ra những động lực mới để họ phấn đấu, cống hiến.

Bên cạnh đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, Công ty Bình Dương triển khai nhiều giải pháp hay như: Đánh giá, phân chia lại vườn cây, giao khoán hợp lý, có hợp đồng giao nhận khoán vườn cây chặt chẽ, đúng pháp luật; thực hiện hỗ trợ đơn giá vào những tháng đầu mùa cạo, khi lượng mủ còn ít (thời điểm tháng 5 hỗ trợ 10%, tháng 6 hỗ trợ 5%); thực hiện chế độ ăn ca, chi trả tiền độc hại cho NLĐ; thanh toán đầy đủ, kịp thời tiền lương, tiền vượt sản lượng và các chế độ, chính sách đối với NLĐ; triển khai nhiều chương trình an sinh xã hội, hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm thời điểm giáp hạt và tặng quà cho công nhân, NLĐ gặp khó khăn... Nhờ đó, 100% công nhân, NLĐ yên tâm tư tưởng, hăng say lao động, tích cực rèn luyện tay nghề, hơn 92% thợ đạt trình độ khá, giỏi; hiện tượng bỏ cạo như trước đây chấm dứt.

Chị Rơ Châm Huyền ở làng Blu, xã Ia Tôr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai, công nhân Đội 4 (Công ty Bình Dương) phấn khởi nói: “Trước đây, Công ty Bình Dương khó khăn lắm, người dân trong làng không ai muốn đi làm công nhân cả. Nhưng 3 năm gần đây thì khác rồi, công nhân được lãnh đạo quan tâm bằng nhiều chế độ và có thu nhập ổn định hơn 8 triệu đồng/người/tháng. Giờ thì hầu hết người dân làng Blu xin vào làm công nhân cho Công ty Bình Dương”. 

Thay đổi về chất hoạt động sản xuất, kinh doanh

Thực hiện đột phá chăm sóc vườn cây và công tác quản lý, kỹ thuật, Đảng ủy, Ban giám đốc Công ty Bình Dương triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, tập trung giáo dục cho mọi cán bộ, nhân viên, NLĐ xem vườn cây là tài sản của mình và ra sức chăm sóc để vườn cây phát triển tốt, có năng suất, thu nhập cao. Trung tá Phan Đức Hùng, Phó giám đốc Công ty Bình Dương chia sẻ, thành công lớn nhất của Công ty là tuyên truyền, vận động được 100% cán bộ, nhân viên, NLĐ đầu tư phân bón tăng thêm cho vườn cây với kinh phí hàng tỷ đồng mỗi năm, riêng năm 2022 là hơn 3 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, công tác trang bị vật tư, củng cố máng, mái, nhỏ keo chống rò rỉ được đầu tư và tiến hành bài bản từ đầu mùa cạo mủ, bảo đảm khi trời mưa to gió lớn vẫn tổ chức cạo mủ bình thường, trong 3 năm qua, không có vườn cây nào nghỉ cạo. “Công tác tận thu và quản lý, bảo vệ sản phẩm được tiến hành chặt chẽ. Công ty Bình Dương là đơn vị thực hiện giờ cạo, thu mủ đồng loạt, từ 3 giờ sáng đã mở kho cân mủ tạp cho công nhân”, anh Hùng nhấn mạnh.

Khảo sát tại Đội 7 (Công ty Bình Dương)-đơn vị 3 năm liên tiếp (2020-2022) đạt năng suất bình quân hơn 3 tấn/ha, trong đó, năm 2022 lên đến 3,26 tấn/ha, cao nhất công ty-chúng tôi nhận thấy, vẫn vườn cây, con người đó nhưng mọi chuyện đã khác xa so với trước. Thiếu tá Nguyễn Văn Hảo, Đội trưởng Đội 7 đúc kết: “Những đột phá và thay đổi trong công tác quản lý, kỹ thuật của Đảng ủy, Ban giám đốc Công ty đã làm thay đổi về chất hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị. NLĐ ở Đội 7 hơn 80% là đồng bào dân tộc thiểu số nhưng nhận thức, tư tưởng, hành động đều thống nhất như một. Họ ý thức được rằng, chỉ có đầu tư, chăm sóc tốt vườn cây, rèn luyện nâng cao tay nghề, chấp hành nghiêm quy trình kỹ thuật thì mới có năng suất, thu nhập cao".

Thượng tá Lê Đức Toàn, Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Công ty Bình Dương cho biết, không chỉ có Đội 7 mà nhiều đội sản xuất của Công ty có năng suất hơn 3 tấn/ha. Đặc biệt, khu vực chuyển đổi từ trồng cà phê sang trồng cao su đạt hơn 2 tấn/ha và cao su rừng khộp cũng đạt năng suất cao 1,8 tấn/ha. Đây là kết quả ấn tượng, được Đảng ủy, Bộ tư lệnh Binh đoàn 15 và các thế hệ cán bộ Công ty Bình Dương, đơn vị bạn ghi nhận, đánh giá cao.

Bài và ảnh: NGUYỄN ANH SƠN

Lượt xem: 2
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết