“Đại gia dầu mỏ” trồng lúa mì trên sa mạc

Được biết đến là một trong 10 quốc gia có trữ lượng và sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới nhưng 90% lượng thực phẩm tiêu thụ của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) lại nhờ vào nguồn nhập khẩu. Cũng chính vì vậy, Chính phủ UAE đang triển khai một dự án trồng lúa mì trên sa mạc nhằm bảo đảm an ninh lương thực ở nước này.

Năm 2022, Chính phủ UAE đã xây dựng một trang trại với diện tích 400ha ở Sharjah phục vụ cho việc trồng lúa mì. Hãng tin Reuters dẫn lời ông Khalifa Alteneiji, người đứng đầu cơ quan nông nghiệp và chăn nuôi của Sharjah chia sẻ rằng, động lực khiến UAE buộc phải thúc đẩy ngành trồng lúa mì là do tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng trong vài năm trở lại đây, bắt nguồn từ đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột Nga-Ukraine.

 Nông dân làm việc trên một cánh đồng thuộc trang trại mới xây dựng ở Sharjah. Ảnh: Reuters

Năm ngoái, UAE đã nhập khẩu 1,7 triệu tấn lúa mì, trong đó riêng Sharjah nhập 330.000 tấn. Sự ra đời của trang trại nói trên được kỳ vọng sẽ giúp UAE bổ sung vào kho lương thực của mình thêm khoảng 1.600 tấn mỗi năm. Quan trọng hơn, dự án này sẽ tạo nền tảng để nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu ở vùng Vịnh hướng tới mục tiêu lớn hơn, đó là phát triển ngành trồng trọt trong tương lai.

Dự kiến đến năm 2025, trang trại ở Sharjah sẽ được mở rộng quy mô lên tới 1.400ha và sau đó có thể lên tới 1.900ha. Do được xây dựng trên khu vực sa mạc cằn cỗi nên trang trại trồng lúa mì này phải sử dụng nước khử muối để tưới tiêu, nhưng lại không sử dụng thuốc trừ sâu, hóa chất. Tuy nhiên, theo ông Alteneiji, khi quy mô của dự án được mở rộng thì chi phí năng lượng để sản xuất nước khử muối dùng cho hoạt động tưới tiêu mỗi ngày dự kiến sẽ tăng ít hơn.

Đáng chú ý, trong trang trại cũng có các cánh đồng để thử nghiệm 35 loại lúa mì khác nhau có nguồn gốc từ khắp nơi trên thế giới. Quá trình thử nghiệm sẽ giúp xác định các loại lúa mì này có phù hợp với đất đai và thời tiết ở UAE hay không. Ngoài ra, trang trại còn sử dụng trí tuệ nhân tạo và hình ảnh nhiệt để thu thập dữ liệu về thời tiết, thổ nhưỡng, từ đó giúp các chuyên gia và nhân viên trồng trọt có thể điều chỉnh tốc độ tưới tiêu cũng như theo dõi quá trình tăng trưởng của cây trồng.

Đến nay, UAE đã lên kế hoạch sản xuất thực phẩm theo định hướng tái chế nước và giảm chất thải.

Tags: lúa mì
Lượt xem: 16
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.