Bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng 8 tháng vượt xa mức trước dịch
Số liệu từ Tổng cục Thống kê mới công bố cho thấy tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 ước đạt 481,2 nghìn tỷ đồng, tăng mạnh 50,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là quy mô và tốc độ tăng cao nổi bật của chỉ số này nếu so với cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch COVID-19.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng tăng cao nhất trong nhiều năm
Trong tháng 8, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 481,2 nghìn tỷ đồng, tăng 0,6% so với tháng trước và tăng 50,2% so với cùng kỳ năm trước trong bối cảnh hoạt động thương mại và dịch vụ phục hồi ở tất cả các ngành. Mức tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái một phần do tháng 8/2021 là thời điểm dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở các tỉnh phía Nam, dẫn đến nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội và các hoạt động kinh tế chững lại một phần.
Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng 8 ước đạt 376,6 nghìn tỷ đồng, tăng 31,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 53,5 nghìn tỷ đồng, gấp 2,9 lần cùng kỳ và dịch vụ du lịch lữ hành đạt 3,3 nghìn tỷ đồng, gấp 65,4 lần so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu các dịch vụ khác đạt 47,8 nghìn tỷ.
Tính chung 8 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 3.679,2 nghìn tỷ đồng, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 giảm 3,5%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 15,1% (cùng kỳ năm 2021 giảm 5,1%).
Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa lũy kế 8 tháng ước đạt 2.925 nghìn tỷ đồng, tăng 15,4% cùng kỳ năm 2021, chủ yếu do doanh thu cùng kỳ năm trước đạt thấp do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trong đó, một số nhóm vật phẩm có mức tăng hai chữ số là nhóm văn hoá, giáo dục tăng 26,7%; may mặc tăng 14,4%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 14,1%; lương thực, thực phẩm tăng 12%.
Một số địa phương ghi nhận doanh thu bán lẻ hàng hóa 8 tháng tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái là Khánh Hòa tăng 27,8%; TP Hồ Chí Minh tăng 18,2%, Bình Dương tăng 16,6%; Hải Phòng tăng 12,8%; Quảng Ninh tăng 12,2%; Hà Nội tăng 10,7%; Cần Thơ tăng 8,8%; Đà Nẵng tăng 6,7%.
Doanh thu từ dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 377,8 nghìn tỷ đồng, tăng 48,1% so với cùng kỳ do nhu cầu vui chơi, du lịch vào dịp hè tăng cao sau hơn 2 năm trầm lắng vì dịch bệnh.
Một số địa phương ghi nhận doanh thu từ dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2021 bao gồm: Cần Thơ tăng 95,5%; Đà Nẵng tăng 84%; TP Hồ Chí Minh tăng 76,3%; Quảng Ninh tăng 72%; Hà Nội tăng 65,2%; Đồng Nai tăng 37,2%; Bình Dương tăng 36,4%.
Doanh thu từ dịch vụ lữ hành đạt 15,4 nghìn tỷ đồng, tăng 240,1% so với cùng kỳ năm ngoái do hoạt động du lịch phục hồi mạnh mẽ. Đóng góp vào mức phục hồi chung của cả nước về dịch vụ lữ hành là mức tăng trưởng nổi bật ở nhiều địa phương như: Cần Thơ tăng 621,5%; Đà Nẵng tăng 471,3%; Hà Nội tăng 335,8%; Hải Phòng tăng 177,9%; TP Hồ Chí Minh tăng 127,6%. Tuy nhiên, theo Tổng cục Thống kê, doanh thu du lịch lữ hành 8 tháng năm nay mới chỉ bằng 47,7% so với cùng kỳ năm 2019.
Doanh thu dịch vụ khác 8 tháng năm 2022 ước đạt 361 nghìn tỷ đồng, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng cục Thống kê nhận định tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng năm 2022 có quy mô cũng như tốc độ tăng cao hơn so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây.
Tiêu dùng phục hồi là điểm sáng của nền kinh tế
Theo báo cáo "Vietnam at a glance – Quay về sách lược cũ" mà nhóm nghiên cứu HSBC vừa công bố, nhóm này nhận định bất chấp bức tranh bên ngoài kém tươi sáng và những tác động của nó, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục gặt hái thành công nhất định. Trong đó, tăng trưởng doanh thu bán lẻ là điểm sáng, mặc dù một phần nguyên nhân là do hiệu ứng cơ sở thuận lợi trên nền so sánh với mức thấp của năm 2021.
Tương tự, Chứng khoán BIDV (BSC) cũng nhận định lũy kế bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng duy trì đà hồi phục cho thấy cầu tiêu dùng của người dân đã phục hồi và ngày càng cao, mức tăng trưởng đã tương đương với thời điểm trước đại dịch COVID-19.
Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MAS) thậm chí còn đưa ra dự báo lạc quan cho rằng tăng trưởng bán lẻ - đã loại trừ yếu tố giá - trong năm 2022 có thể đạt 6,5% so với mức -3,0% năm 2020 và -6,2% năm 2021. Sự phục hồi và tăng trưởng của lĩnh vực bán lẻ hàng hóa và dịch vụ được MAS kỳ vọng sẽ là một trong bốn động lực chủ chốt cho đà phục hồi kinh tế của Việt Nam trong năm nay.
“Chúng tôi giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP 2022 đạt 5,9% trong kịch bản cơ sở và 6,3% trong kịch bản lạc quan. Các động lực chính hỗ trợ sự hồi phục nền kinh tế, bao gồm: môt là tiêu dùng tiếp tục đà hồi phục; hai là tăng trưởng xuất khẩu được củng cố nhờ các doanh nghiệp gia tăng công suất, phục hồi sản xuất và nhu cầu bên ngoài cải thiện; ba là vốn FDI đăng ký kỳ vọng hồi phục nhờ chính sách đi lại giữa các nước dần trở lại bình thường, tạo điều kiện thuận lợi cho việc khảo sát và làm các thủ tục đầu tư; bốn là đầu tư công được chú trọng”, báo cáo triển vọng vĩ mô quý II của MAS cho hay.