Bóng dáng Tasco ở SMA

Năng lượng sẽ là mảnh ghép đáng chú ý trong hệ sinh thái Tasco Holdings của doanh nhân Vũ Đình Độ

HĐQT CTCP Thiết bị Phụ tùng Sài Gòn (HoSE: SMA) ngày 25/3/2022 vừa có Nghị quyết về việc thay đổi ngày tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 từ ngày 29/4 sang ngày 28/4/2022. 

SMA tiền thân là Công ty Thiết bị Phụ tùng Tp.HCM - một doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong ngành vật tư, thiết bị phụ tùng trong hơn 40 năm và chuyển đổi sở hữu thành CTCP từ 1/3/2005. Năm 2010, công ty đã niêm yết cổ phiếu tại sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE) với mã SMA.

Hồi giữa năm 2019, dấu hiệu đổi chủ ở SMA xuất hiện với loạt giao dịch mua bán đáng chú ý. Cụ thể, CTCP Thương mại và Đầu tư Vinataba vào ngày 13/6/2019 đã thoái hết hơn 2,85 triệu cổ phiếu SMA chỉ sau 2 tháng nắm giữ. Đến phiên 29/7/2019, ông Nguyễn Đình Hiền, cựu Tổng Giám đốc - Thành viên HĐQT bán 1,7 triệu cổ phiếu, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu xuống 0,25%.

Ở chiều ngược lại, CTCP Đầu tư VSD (VSD Holdings) cũng trong phiên 13/6/2019 đã mua vào thành công 4,6 triệu cổ phiếu SMA (tỷ lệ 24,43%). Cùng ngày, một nhà đầu tư khác là bà Đào Thị Hải Yến cũng mua 2,1 triệu cổ phần (11,27%) và trở thành cổ đông lớn của công ty.  

VSD Holdings thuộc sở hữu của doanh nhân Vũ Ngọc Tú. Ông Tú sinh năm 1989, là em họ của ông Vũ Đình Độ - Chủ tịch HĐQT CTCP Nhựa Đồng Nai. Ông Tú tốt nghiệp cử nhân tài chính kế toán tại Newcastle University Australia, và có thời gian ngắn làm chuyên viên tại Công ty chứng khoán Maritime Bank - nơi ông Độ có 2 năm đảm trách vai trò Phó TGĐ.

Ông Vũ Ngọc Tú sau đó tham gia vào nhiều thương vụ với người anh họ của mình. Tháng 6/2017, VSD Holdings sang tay 1,57 triệu cổ phần CTCP Cấp thoát nước Long An (UpCom: LAW) cho CTCP Đầu tư Ngành nước DNP (DNP Water) - công ty con của Nhựa Đồng Nai. Trong thương vụ đấu giá CTCP Cấp thoát nước Ninh Bình (UpCom: NNB) vào đầu năm 2019, ông Vũ Ngọc Tú và DNP Water là 2 trong số 7 nhà đầu tư vượt qua vòng thẩm định năng lực tham gia đấu giá.

Đáng chú ý hơn cả, tại chính Nhựa Đồng Nai, tính đến tháng 4/2020, nhóm nhà đầu tư liên quan tới ông Vũ Ngọc Tú gồm VSD Holdings, CTCP Đầu tư Châu Á Thống Nhất và trực tiếp ông Tú sở hữu gần 21% cổ phần DNP.    

Thuỷ điện là mảng đầu tư nhận được nhiều quan tâm của VSD Holdings. Song song với việc thâu tóm SMA, nhóm nhà đầu tư họ Vũ đã hoàn tất mua lại CTCP Xây dựng và Năng lượng VCP (VCP Holdings) từ Vinaconex. 

Đây không phải thương vụ hiếm hoi giữa nhóm Nhựa Đồng Nai và Vinaconex. Vào cuối năm ngoái, Vinaconex cũng đã bán lại Công ty Cổ phần Xây dựng số 9 (HNX: VC9) cho nhóm này. 

Trở lại với SMA, ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 đã thông qua cho phép VCP Holdings mua trên 25% vốn mà không cần chào mua công khai. Tới ĐHĐCĐ bất thường vào tháng 10/2021, người mua lúc này được chuyển thành CTCP Thuỷ điện Nậm La - công ty con của VCP Holdings. 

Theo đó, Thuỷ điện Nậm La được chấp thuận mua 10,5 triệu cổ phần, tương đương 51,55% cổ phần SMA từ 5 cá nhân với giá 20.000 đồng/CP. Vào cuối năm ngoái, Thuỷ điện Nậm La đã hoàn tất thương vụ này. 

Nhóm chủ Nhựa Đồng Nai hiện đang bung ra mạnh mẽ với việc M&A hàng loạt doanh nghiệp chất lượng trên sàn chứng khoán, trong đó tập trung tái cấu trúc CTCP Tasco (HNX: HUT) thành một công ty holdings, ngoài ra còn có bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp (mã NVT), y tế (JVC), phân phối ô tô (SVC), xây dựng (VC9). 

SMA với lĩnh vực năng lượng, theo đó, hứa hẹn sẽ là một mảnh ghép đáng chú ý trong tham vọng đa ngành của nhóm doanh nhân họ Vũ. 

SMA có gì?

SMA hiện sở hữu Nhà máy thủy điện Đăkglun (Bình Phước) với công suất 18 MW, gồm 2 tổ máy, sản lượng điện theo thiết kế đạt mức 75,81 triệu KWh/năm. Ngoài ra, doanh nghiệp đang đặt kế hoạch tìm đối tác để đầu tư thêm dự án điện năng lượng mặt trời tại Đăkglun với công suất 49 MW, sản lượng điện là 86 triệu KWh/năm.

Đáng chú ý, cũng tại Bình Phước, SMA còn sở hữu 3 khu đất công trình năng lượng với tổng diện tích hơn 1 triệu m2, thời hạn thuê đến năm 2059, bao gồm: 570.675 m2 đất tại xã Bù Gia Mập; 325.064 m2 đất xã Đăk Nhau và 180.686 m2 đất tại xã Bom Bo, huyện Bù Đăng. 

Về hiệu quả kinh doanh, doanh thu năm 2021 của SMA đạt 81,7 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2020, chủ yếu đến từ nhà máy thủy điện Đăkglun.

Lãi sau thuế trong năm đạt 21,9 tỷ đồng, so với khoản lỗ 37,8 tỷ đồng năm 2020. Kết quả thua lỗ trong năm 2020 chủ yếu đến từ khoản 50 tỷ đồng phải nộp lại trong vụ án liên quan dự án 8-12 Lê Duẩn, Quận 1, TP.HCM. Trước đó, kết quả kinh doanh của SMA khá ổn đỉnh trong nhiều năm, trong đó cá biệt năm 2017 lãi sau thuế lên tới 38,7 tỷ đồng.

Tại ngày 31/12/2021, tổng tài sản của SMA là 417,5 tỷ đồng, phần lớn là tài sản cố định (396 tỷ đồng). Bên kia bảng cân đối kế toán, vốn chủ sở hữu là 201,7 tỷ đồng, vay nợ tài chính ngắn và dài hạn là 155,6 tỷ đồng, ở mức khá lành mạnh. 

Trên thị trường chứng khoán, SMA chốt phiên 28/3 ở mức 10.300 đồng/CP, tương đương vốn hoá 209 tỷ đồng. 

Lượt xem: 185
Tác giả: Trần Thu Thảo
Nguồn:nguoiduatin.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.