Các địa phương, doanh nghiệp du lịch chuyển mình trước làn sóng chuyển đổi số

Từ nhiều năm trước, một số địa phương cũng như doanh nghiệp du lịch Việt đã bắt đầu chuyển mình với số hóa và chạy đua công nghệ cao. Vậy trước làn sóng công nghiệp 4.0, các địa phương, doanh nghiệp du lịch đã chuyển mình như thế nào?

Article thumbnail
Chuyển đổi số giúp chăm sóc du khách thuận tiện, nhanh chóng hơn. Ảnh: Internet

Tích cực ứng dụng công nghệ 4.0 trong quảng bá du lịch

TP Hồ Chí Minh là một trong những địa phương tích cực tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong du lịch, tiến tới hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh. Theo đó, Đề án du lịch thông minh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến 2030 được TP xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XI. Vì vậy, UBND TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo ngành du lịch TP triển khai nhiều hoạt động ứng dụng công nghệ số trong công tác truyền thông, quảng bá du lịch.

Bên cạnh đó, một trong những thành công nổi bật trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của TP Hồ Chí Minh có thể kể đến là việc thực hiện “ứng dụng công nghệ 3D trong thông tin, quảng bá du lịch”.

Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho biết, việc “ứng dụng công nghệ cao quét 3D tái hiện không gian một phần TP Hồ Chí Minh từ trên cao” và “bản đồ tương tác thông minh 3D/360 TP Hồ Chí Minh” đã đem lại hiệu quả cao, gia tăng trải nghiệm cho khách du lịch khi thăm quan các khu, điểm du lịch, di tích lịch sử... Thông qua công nghệ thực tế ảo Virtual Reality (VR), ứng dụng cho phép du khách trải nghiệm cảm giác bay trong không gian ảo trên bầu trời và tham quan TP với tầm nhìn trên cao.

Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cũng đã làm mới và tăng cường các tính năng cho ứng dụng du lịch bằng việc cung cấp thông tin các điểm đến, cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng, điểm thăm quan, mua sắm, các sự kiện du lịch, chương trình du lịch… kết hợp với cá nhân hóa hành trình du lịch, tích hợp bản đồ du lịch giúp du khách dễ dàng tiếp cận, tìm kiếm thông tin.

Đặc biệt, “hệ thống lắng nghe mạng xã hội” được Sở Du lịch triển khai nhằm tổng hợp các thông tin, phản ánh, ý kiến của người dùng trên các kênh mạng xã hội nhằm kịp thời nắm bắt dư luận, chấn chỉnh các cơ sở hoạt động, các hành vi làm ảnh hưởng đến môi trường cạnh tranh lành mạnh du lịch, ảnh hưởng đến khách du lịch, đồng thời nắm bắt xu hướng, hành vi của du khách để đưa ra các chính sách, giải pháp phù hợp cho phát triển du lịch TP.

Tại Đà Nẵng, TP đã xây dựng hệ thống trang web, cổng thông tin du lịch 5 ngôn ngữ, triển khai ứng dụng Danang FantasticCity, triển khai chatbot - trợ lý ảo tương tác với du khách cùng với tận dụng lợi thế của mạng xã hội Facebook, Instagram, YouTube… để quảng bá du lịch.

Sở Du lịch Đà Nẵng vừa cho ra mắt ứng dụng VR360 mang thông điệp “một chạm đến Đà Nẵng” tại địa chỉ vr360.danangfantasticity.com với nhiều tính năng ưu việt. Đây là công nghệ thực tế ảo giúp dẫn đường cho du khách trải nghiệm tour khám phá Đà Nẵng kèm thuyết minh tự động, hình ảnh mãn nhãn, âm thanh sống động, cùng trợ giúp từ trợ lý ảo của Trung tâm Hỗ trợ du khách.

Hà Nội cũng là một trong những địa phương năng động trong chuyển đổi số để thu hút khách giữa thời điểm đại dịch bùng phát. Trước đó, năm 2021, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long đã tổ chức các triển lãm, trưng bày trực tuyến để hút khách; Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò ra mắt kênh phát thanh HoaLoPrisonRelic trên nền tảng Spotify…

Đặc biệt, cuối tháng 8/2021, sau thời gian thử nghiệm, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã chính thức ra mắt công nghệ thăm quan trực tuyến 3D tour (tiếng Việt và tiếng Anh), được tích hợp trên website của bảo tàng (vnfam.vn).

Hay cuối năm 2020, lần đầu tiên tại Tây Bắc, một tour du lịch ảo đã được thực hiện tại Mộc Châu, Sơn La. Các bộ ảnh và video 360 (VR 360) về điểm thăm quan du lịch Mộc Châu, các cơ sở dịch vụ tại khu du lịch quốc gia Mộc Châu đã cho du khách cái nhìn toàn cảnh, không giới hạn không gian. Người xem sẽ dễ dàng di chuyển khắp nơi, thậm chí được nghe âm thanh tiếng thác chảy, suối reo, chim kêu và tiếng của hướng dẫn viên thuyết minh đầy sống động...

Tại Quảng Bình, từ năm 2015, Sơn Đoòng đã thực hiện dự án nhằm quảng bá hình ảnh ra thế giới thông qua ảnh 360 độ của National Geographic. Khi đại dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu, Sơn Đoòng 360 độ đã trở thành tour du lịch thực tế ảo hấp dẫn nhất, do không ai có thể đi du lịch. Năm 2020, Báo The Guardian (Anh) đã đưa cảnh quan hùng vĩ của Sơn Đoòng vào top 10 tour du lịch thực tế ảo đáng thăm quan nhất thế giới.

Chuyển đổi số không ngừng diễn ra tại các doanh nghiệp

Nhiều chuyên gia du lịch cho biết, các hoạt động chuyển đổi số đang diễn ra không ngừng tại doanh nghiệp, với mong muốn mang tới cho khách hàng những trải nghiệm tốt nhất.

Vietjet là một trong những hãng hàng không tiên phong chuyển đổi vé giấy thành vé điện tử, triển khai các quầy làm thủ tục check-in, xây dựng website, ứng dụng điện thoại… để khách hàng có thể dễ dàng đặt vé, làm thủ tục trực tuyến, mua sắm các sản phẩm, tiện ích từ bảo hiểm, tour, đặt phòng khách sạn…

Website và ứng dụng điện thoại của Vietjet cũng không ngừng đổi mới, đáp ứng mọi nhu cầu mua sắm trực tuyến của khách hàng, không chỉ là đặt mua vé máy bay mà còn nhiều sản phẩm, dịch vụ khác như bảo hiểm, du lịch, khách sạn, đồ dùng tiện ích, hàng hoá miễn thuế…

Từ đầu tháng 8/2023, 5 sân bay là Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất và Phú Quốc đã chính thức khai thác, vận hành và đưa vào sử dụng hệ thống cổng kiểm soát tự động (Auto-gate) xuất, nhập cảnh tại sân bay để phục vụ hành khách. Quá trình làm thủ tục xuất, nhập cảnh qua Auto-gate chỉ mất khoảng 30 giây với 5 bước.

Từ ngày 15/8, Việt Nam cũng đã triển khai cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ qua 42 cửa khẩu hàng không, đường bộ và đường biển... Những sự chuyển mình đó góp phần mang tới trải nghiệm tốt hơn cho người dân, du khách trong nước và quốc tế.

Công ty Lữ hành Saigontourist cũng đã xây dựng được nguồn dữ liệu khách hàng có độ chính xác cao, thông tin dữ liệu đầy đủ và đáp ứng được yêu cầu phân tích thị trường và chiến lược tiếp thị; định hướng khách hàng sử dụng các kênh tư vấn, mua tour có kết nối tập trung, nhận diện và chăm sóc khách hàng trên một nền tảng số duy nhất… Kết quả thu được từ việc chọn ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số là giải pháp then chốt đã góp phần không nhỏ vào doanh thu kinh doanh lữ hành hơn 5.050 tỷ đồng vào năm 2019 và nhanh chóng phục hồi sau giai đoạn Covid-19, với doanh thu hơn 2.600 tỷ đồng năm 2022 và hơn 2.200 tỷ đồng trong 7 tháng năm 2023.

Có thể nói, với những nỗ lực chuyển đổi số, các địa phương và doanh nghiệp du lịch Việt đã góp phần mang đến một diện mạo mới, hiện đại, văn minh và xanh hóa ngành công nghiệp không khói, phù hợp với xu hướng phát triển mới hậu đại dịch.