Các tập đoàn công nghệ hạn chế tuyển dụng do thách thức từ môi trường vĩ mô
Các “người khổng lồ” công nghệ Mỹ như tập đoàn thương mại điện tử Amazon hay nền tảng mạng xã hội Facebook đều đang hạn chế tuyển dụng để duy trì hoạt động kinh doanh trong môi trường vĩ mô hỗn loạn.
Các tập đoàn Internet lớn (Big Tech) này đã chứng kiến lợi nhuận tăng mạnh trong thời kỳ đại dịch, nhưng giờ đây những “cơn gió ngược” đang liên tục xuất hiện như lạm phát, xung đột quân sự, gián đoạn chuỗi cung và lối sống trước COVID-19 dần quay trở lại.
Xu hướng tuyển dụng chậm lại
“Thắt lưng buộc bụng” dường như là chủ đề phổ biến trong báo cáo thu nhập quý I/2022 của các công ty công nghệ lớn. Meta, công ty mẹ của Facebook, cho biết các mục tiêu tuyển dụng đang được điều chỉnh trong khi công ty tiếp tục hướng tới một tương lai tươi sáng.
Người phát ngôn của Meta nói với AFP rằng, Meta thường xuyên đánh giá lại nguồn nhân lực của mình dựa trên nhu cầu kinh doanh, và theo định hướng chi ngân sách của giai đoạn này, tốc độ tuyển dụng đang chậm lại. Tuy nhiên, công ty sẽ tiếp tục mở rộng lực lượng lao động về lâu dài.
Trong khi đó, “người khổng lồ” thương mại điện tử Amazon, nhà tuyển dụng lớn thứ hai ở Mỹ, tiết lộ rằng, đến cuối năm 2021, số lượng nhân viên đã nhiều gấp đôi so với năm 2019. Giám đốc tài chính của Amazon, ông Brian Olsavsky, chia sẻ, khi sự lây lan của biến thể Omicron chậm lại trong quý I/2022 và người lao động trở lại sau thời gian nghỉ việc, Amazon nhanh chóng rơi vào tình trạng “thừa người thiếu việc”.
Công ty quản lý nền tảng mạng xã hội Twitter cũng xác nhận việc tạm ngừng tuyển dụng các vị trí mới và thậm chí một số giám đốc điều hành cấp cao đã nghỉ việc sau khi tỷ phú Elon Musk đã đạt được thỏa thuận mua lại Twitter với giá 44 tỷ USD. Tuy vậy, vẫn còn nhiều dấu hỏi đặt ra với thương vụ này. Sáng ngày 13/5, ông Musk viết trên mạng Twitter rằng ông quyết định tạm dừng thỏa thuận này sau khi nhận được thông tin rằng các tài khoản giả mạo trên Twitter chiếm dưới 5% tỷ lệ người dùng mạng xã hội này. Hai giờ sau, vị giám đốc điều hành hãng xe điện Tesla lại viết rằng ông "vẫn cam kết sẽ mua lại (Twitter)".
Giám đốc điều hành Twitter, Parag Agrawal ngày 13/5 cho biết Twitter đang ở trong một môi trường vĩ mô rất thách thức. Ông nhấn mạnh: "Tôi sẽ không sử dụng thỏa thuận này như một cái cớ để tránh đưa ra các quyết định quan trọng đối với ‘sức khỏe’ của công ty."
Hầu hết các Big Tech cố gắng tránh sa thải nhân viên, các công ty công nghệ nhỏ hơn như nền tảng giao dịch chứng khoán Robinhood hoặc ứng dụng tin nhắn video Cameo thì không làm được như vậy. Robinhood cho biết vào tháng Tư công ty buộc phải cắt giảm gần 350 vị trí, chiếm khoảng 9% số lượng nhân viên. Cameo thì chấm dứt hợp đồng của 80 nhân viên gần đây, theo trang tin The Information.
Các nguyên nhân đan xen
Có rất nhiều lý do khiến các công ty quyết định giảm hoặc thậm chí tạm dừng hoạt động tuyển dụng nhân viên mới. Ví dụ, Meta đổ lỗi cho các tính năng để tăng cường bảo vệ dữ liệu người dùng trong bản cập nhật được tung ra vào cuối tháng 4/2021 của Apple làm ảnh hưởng đến doanh thu quảng cáo.
Trong khi đó, Uber thông báo công ty lỗ lớn trong ba tháng đầu năm, mặc dù hoạt động kinh doanh đi chung xe đã phục hồi trở lại. Khoản lỗ này chủ yếu là do việc định giá lại cổ phần của Uber trong các công ty gọi xe công nghệ là Grab của (Singapore) và Didi (Trung Quốc), và công ty lái xe tự hành có trụ sở tại Mỹ là Aurora.
Tuy nhiên, vấn đề chung đối với nhiều công ty Internet là việc thúc đẩy tuyển dụng nhanh chóng vào giai đoạn nhu cầu tăng đột biến trong thời kỳ đại dịch đã dẫn đến tình trạng thừa nhân sự trong thời điểm hoạt động kinh doanh hạ nhiệt.
Theo Terry Kramer, trợ lý giáo sư tại trường kinh doanh UCLA, các công ty công nghệ đang cố gắng đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng lên của dịch vụ kỹ thuật số, và do đó, họ đã tuyển dụng và mở rộng quy mô đáng kể trong suốt hai năm qua. Tình hình hiện tại chỉ đang thể hiện rằng các công ty không thể hoặc không cần tiếp tục phát triển với tốc độ tương tự.
Một yếu tố khác đặt ra thách thức với các công ty công nghệ là lạm phát, khiến chi phí nói chung tăng lên và do đó công ty phải thắt chặt ngân sách. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED, ngân hàng trung ương) đã liên tục tăng lãi suất trong năm nay, khiến chi phí đi vay của các công ty tăng lên.
Tại thị trường chứng khoán Phố Wall, chỉ số S&P 500 bao gồm các cổ phiếu thuộc lĩnh vực công nghệ đã giảm hơn 22% kể từ đầu năm 2022.
TTXVN