CASA 50,5% chưa phải là đỉnh, Techcombank đặt tham vọng lớn hơn
“Mức CASA 50,5% mà Techcombank vừa đạt được chưa phải là đỉnh. Chúng tôi đặt mục tiêu CASA lên tới 55% và sẽ tiếp tục tăng trong các năm tới", đại diện NH nhấn mạnh.
Đây là nhận định của ông Ngô Hoàng Hà, Giám đốc cao cấp Tài chính Doanh nghiệp tại buổi livestream gặp gỡ các nhà đầu tư cá nhân chiều ngày 26/1/2022 do ngân hàng Techcombank tổ chức.
Trước đó, ngân hàng này đã công bố kết quả kinh doanh với nguồn lãi 1 tỷ USD và tỉ lệ CASA dẫn đầu ngành.
Theo đó, cuối năm 2021, tổng tài sản đạt 568.800 tỷ đồng, tăng 29,4% so với cuối năm 2020. Tăng trưởng dư nợ tín dụng được dẫn dắt bởi sự gia tăng của dư nợ cho vay khách hàng cá nhân, tăng 45,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 161.700 tỷ đồng.
Tổng tiền gửi tại ngày 31/12/2021 là 314.800 tỷ đồng, tăng 13,4% so với cuối năm ngoái. Tỉ lệ CASA đạt 50,5%, với số dư CASA đạt 158.900 tỷ đồng, chủ yếu do CASA từ khách hàng cá nhân tăng 30,8% so với cuối năm ngoái.
Chia sẻ tại buổi gặp mặt, ông Phùng Quang Hưng - Phó TGĐ thường trực kiêm GĐ khối khách hàng doanh nghiệp đã có những chia sẻ về định hướng trong năm 2022 đối với ngành ngân hàng nói chung. Ông kỳ vọng rằng nền kinh tế sẽ hồi phục hơn so với cùng kỳ năm 2021 với GDP tăng trưởng trong khoảng từ 6-6,5%. Thanh khoản dồi dào, lãi suất duy trì ở mức thấp. Các gói hỗ trợ của Chính phủ sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hồi phục và phát triển. Về mặt tín dụng, NHNN trước đó cũng đã đưa ra với dự kiến tăng nhẹ so với năm 2021 ở mức 14%.
Trong bối cảnh năm tới, đại diện ngân hàng cũng đưa ra mục tiêu trọng tâm của Techcombank bao gồm: "Dựa vào kết quả tốt trong hướng đi những năm qua, trên cơ sở đó đưa ra sản phẩm giải pháp với vai trò như máy đo khách hàng. Thành công trong các lĩnh vực bán lẻ, sản phẩm đầu tư, cho vay mua nhà,...
Từ đó, ngân hàng sẽ gia tăng thế mạnh, tiếp tục đưa ra thị trường những khía cạnh mới liên quan đến số hóa. Đồng thời, đẩy mạnh nền tảng bancassurance để gia tăng nguồn thu; tiếp tục củng cố, nâng cao casa và đa dạng hóa các mảng như: hàng tiêu dùng nhanh, telecom,..."
Ngoài ra, tại buổi livestream, trả lời cho câu hỏi: "khi nào Techcombank dự kiến lãi suất casa huy động tăng và gây áp lực lên thanh khoản".
Ông Hà cho hay: "Về bản chất khi lãi suất huy động tăng thì người gửi sẽ đầu tư vào tài khoản có kỳ hạn với lãi suất tương ứng và an toàn hơn. Chính vì thế, dù lãi suất tăng thì casa không ảnh hưởng. Mục tiêu casa là chú trọng vào giao dịch chứ không phải lãi suất. Đối với techcombank, thanh khoản không phụ thuộc vào nguồn huy động nào cụ thể. Đồng thời, ngân hàng cũng sẽ quản lý thanh khoản chặt chẽ và có những kịch bản tập dượt trước để ứng phó sự cố bất ngờ xảy ra trên thị trường."
"Mức CASA 50,5% mà Techcombank vừa đạt được chưa phải là đỉnh. Chúng tôi đặt mục tiêu CASA lên tới 55% và sẽ tiếp tục tăng trong các năm tới", ông Hà nhấn mạnh thêm.
Bên cạnh đó, Chính sách miễn phí toàn bộ giao dịch chuyển tiền được xem là chiến lược đưa Techcombank trở thành ngân hàng chiếm lĩnh thị trường về CASA trong mấy năm qua. Tuy nhiên, các ngân hàng như Vietinbank, BIDV, Agribank,... mới đây đều đã áp dụng chính sách miễn phí toàn bộ giao dịch trên ngân hàng số.
Ông Hà nhận định: "Trong bối cảnh các ngân hàng thông báo thực hiện chiến thuật “zero fee” thì Techcombank đã bắt đầu từ năm 2016. Đây là điều tốt cho khách hàng, được giao dịch mà không mất phí".
"Đối với chúng tôi, Techcombank xác định để có thể tăng tưởng CASA thì phải đảm bảo là ngân hàng giao dịch chính cho khách hàng".
Đơn cử đối với tệp khách hàng thu nhập cao, Techcombank cho biết đang có lợi thế lớn trên thị trường. Trong khi đó, bình quân CASA của khách hàng thu nhập cao gấp 50 lần so với khách hàng thu nhập thấp, 10 lần so với khách hàng thu nhập trung bình.
Khách hàng thu nhập cao không chỉ có nhu cầu giao dịch mà còn có nhu cầu quản lý tài sản. Techcombank không chỉ đưa ra dịch vụ thanh toán mà còn đưa ra hệ sinh thái dịch vụ, cho khách hàng có nhu cầu đầu tư bất động sản, đầu tư trái phiếu, sử dụng thẻ tín dụng,… Khách hàng càng giao dịch nhiều thì càng có mức giá ưu đãi.
Bên cạnh khách hàng cá nhân thì khách hàng doanh nghiệp cũng đang tăng trưởng tốt về CASA, trong đó phân khúc SME tăng trưởng rất tốt. Ngân hàng áp dụng miễn phí giao dịch chuyển tiền mua bán ngoại tệ, giao dịch online được giảm giá.
Song song, Techcombank khẳng định ngân hàng sẽ tiếp tục đầu tư công nghệ và khai thác chuỗi giá trị với các đối tác lớn để duy trì vị thế về tiền gửi không kỳ hạn.
Ngoài ra, khi bàn về khía cạnh nợ xấu, đại diện Techcombank cho biết: "Thông tư 14 sẽ kết thúc vào 30/6/2022, theo đó các ngân hàng sẽ không được tái cơ cấu. Đối với các khoản nợ thực tế được gia hạn trong năm 2021 nếu quá hạn hoặc không thanh toán được thì các ngân hàng sẽ phải chuyển sang nợ xấu. Trên lý thuyết, nợ xấu tại các ngân hàng cùng với chiều hướng này sẽ tăng lên (theo định nghĩa của NHNN từ nhóm 3-5)."
Đối với Techcombank nói riêng, ngân hàng này tỏ ra không quan ngại về vấn đề nợ xấu khi đưa ra những số liệu dưới đây:
CASA ( Current Account Savings Account) là tiền gửi không kì hạn. Đây chính là loại tiền gửi ngân hàng mà khách hàng chủ động gửi, rồi thanh toán thường xuyên và hưởng lãi suất không kì hạn với lợi suất rất thấp (0.1% – 0.5%) được tính qua ngày.
Tỉ lệ CASA = Huy động không kì hạn / Tổng nguồn vốn huy động
Tỉ lệ CASA càng cao càng có lợi cho ngân hàng vì ngân hàng nhận được tiền với chi phí thấp hơn. Do đó, tỉ lệ CASA là một chỉ số về chi phí để huy động vốn và phản ánh khả năng sinh lời hoặc khả năng tạo ra lợi nhuận của ngân hàng.