Câu chuyện “bầy cừu” và đám cháy trong khủng hoảng truyền thông

Với sự bùng nổ của mạng xã hội, khi hàng triệu người dùng là hàng triệu kênh truyền thông dẫn truyền, loan tin chóng mặt, việc khủng hoảng xảy đến với mỗi doanh nghiệp sẽ leo thang với tốc độ ánh sáng.

Câu chuyện “bầy cừu” và đám cháy trong khủng hoảng truyền thông

TS Lê Quốc Vinh tác giả cuốn sách Khủng hoảng không bắt đầu từ truyền thông. Ảnh: Nhà xuất bản

Cuốn sách “Khủng hoảng không bắt đầu từ truyền thông” của tác giả - TS. Lê Quốc Vinh đưa đến góc nhìn đa dạng, đa chiều để “lật tẩy” mọi ngọn nguồn dẫn đến khủng hoảng truyền thông trong chiến lược kinh doanh và xây dựng thương hiệu ở các doanh nghiệp.

Sự lỗi thời của những tư duy cũ

TS Lê Quốc Vinh viết cuốn sách “Khủng hoảng không bắt đầu từ truyền thông” với kinh nghiệm của gần 30 năm làm việc trong lĩnh vực truyền thông - báo chí, đồng thời, ông từng trực tiếp đồng hành cùng nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế trong việc xử lý các cuộc khủng hoảng.

Phần I cuốn sách là loạt bài viết phân tích ngọn nguồn, cốt lõi và bản chất sâu xa dẫn đến những cuộc khủng hoảng truyền thông trong doanh nghiệp.

Khủng hoảng được ví như đám cháy, trong đó, nguyên nhân dẫn đến “cháy nổ” vốn đã âm ỉ tồn tại từ lâu trong nội tại, chính sách, hoạt động của doanh nghiệp.

Khi các kênh truyền thông vào cuộc, có nghĩa đám cháy đã lan rộng. “Truyền thông” chỉ là nơi dẫn truyền để đám cháy lan xa, bùng nổ.

Tác giả lấy ví dụ cụ thể từ những sự vụ đã xảy ra, từ đó cho thấy, khủng hoảng truyền thông có thể xảy đến bất cứ lúc nào, với bất kỳ doanh nghiệp nào, nhất là trong thời đại số.

Khi công nghệ phát triển vượt bậc, mạng xã hội là một thế lực mang dáng vóc chiếc “vòi bạch tuộc” khổng lồ với hàng triệu người dùng có thể lan rộng sức ảnh hưởng, sự thao túng thông tin chỉ trong nháy mắt.

Thời đại thay đổi, các kênh truyền thông thay đổi, những tư duy cũ kỹ về xử lý khủng hoảng đã bị công nghệ làm cho lỗi thời.

TS Lê Quốc Vinh với những góc nhìn đa chiều, sắc bén, đã chỉ ra, đã qua thời, doanh nghiệp có thể dùng các mối quan hệ để bưng bít thông tin, “bịt đầu mối” các nguồn tin, hay dùng tiền để tô vẽ cho mình trở nên đẹp đẽ trước công chúng.

Càng tìm cách bưng bít thông tin, sẽ càng khiến thông tin nhiễu loạn. “Việc bưng bít thông tin giờ đây là bất khả. Không sự việc nào có thể giấu giếm trên không gian mạng. Càng cố tình giấu giếm, uy tín của các doanh nghiệp và tổ chức càng bị ảnh hưởng hơn khi mọi thứ bị phát giác... “ (trích trang 31).

Cuốn sách Khủng hoảng không bắt đầu từ truyền thông. Ảnh: Nhà xuất bản

Cuốn sách Khủng hoảng không bắt đầu từ truyền thông. Ảnh: Nhà xuất bản

Để xử lý khủng hoảng, việc tốt nhất cần làm là thái độ tích cực, tốc độ xử lý nhanh chóng và sự minh bạch trong thông tin.

“Bầy cừu” và hiệu ứng đám đông

Cuốn sách đưa đến những bài viết phân tích kỹ lưỡng, chi tiết mọi “ngóc ngách” trong quá trình thao túng, điều phối thông tin khi một cuộc khủng hoảng truyền thông xảy đến.

Ở đó, hiệu ứng đám đông, sức mạnh của đám đông trên các nền tảng mạng xã hội (truyền thông không chính thống) lại chính là một tác nhân quan trọng làm thổi bùng lên đám cháy khủng hoảng.

Đám đông trong nhiều vụ việc có thể giống như “bầy cừu” bị dẫn dắt, bị thao túng bởi những người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOL). Khi bị thao túng, “bầy cừu” sẽ lan rộng và nhân rộng những thông tin tiêu cực, khiến đám cháy khủng hoảng lan xa.

Nhưng ở chiều hướng ngược lại, sự đông đảo của dư luận, cũng sẽ giúp doanh nghiệp nhân rộng danh tiếng, phục hồi lại niềm tin - nếu có phương án xử lý khủng hoảng kịp thời.

TS Lê Quốc Vinh cho rằng, khủng hoảng truyền thông cần được giải quyết tận ngọn, dứt điểm, không để lại hậu quả trong tương lai. Trong mỗi trường hợp cụ thể, dưới “muôn hình vạn trạng” các dạng khủng hoảng, sẽ cần tới cách xử lý hợp lý.

Muốn thế, doanh nghiệp cần đối diện trực tiếp, giải quyết thấu đáo, minh bạch các vấn đề đã dẫn tới khủng hoảng, theo đó, phải hiểu rõ bản chất vấn đề, thông tin đúng và minh bạch, phản hồi nhanh chóng, chính xác...

Ngoài các nguyên tắc căn bản để xử lý khủng hoảng, TS Lê Quốc Vinh còn gửi gắm thông điệp khác - như một triết lý, như kim chỉ nam cho hoạt động, văn hóa của các doanh nghiệp, đó là tính chính trực, minh bạch và nhân văn.

Sự chính trực, minh bạch và nhân văn trong cách làm việc sẽ giúp doanh nghiệp không chỉ vượt qua khủng hoảng, và trên hết, còn giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.

Cuốn sách "Khủng hoảng không bắt đầu từ truyền thông" là góc nhìn vừa khái quát về bề rộng, vừa sâu trong chi tiết cụ thể, khi đề cập đến nhiều vấn đề xoay xung quanh câu chuyện khủng hoảng truyền thông.