Cầu tiêu thụ giảm sút, loạt doanh nghiệp thủy sản kinh doanh đi lùi
Dưới sức ép của thị trường, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp thủy sản cũng gặp nhiều khó khăn, thậm chí đã có doanh nghiệp báo lỗ trong quý II/2023.
Thủy sản là một trong những nhóm ngành có sự sụt giảm mạnh nhất từ đầu năm 2023 đến nay do sức cầu tiêu thụ lao dốc ở các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ và EU.
Theo số liệu từ Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), 6 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản lại sụt giảm 27,4% so với cùng kỳ, đạt 4,13 tỷ USD. Dưới sức ép của thị trường, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp thủy sản cũng gặp nhiều khó khăn, thậm chí đã có doanh nghiệp báo lỗ.
Doanh thu giảm mạnh dù tích cực giảm chi phí
Với quy mô lợi nhuận lợi lớn, Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC) ghi nhận nhiều chỉ số biến động mạnh so với cùng kỳ. Cụ thể, doanh thu thuần của công ty đạt 2.723 tỷ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế của Vĩnh Hoàn đạt 412 tỷ đồng, giảm mạnh hơn 48% so với cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu của Vĩnh Hoàn đạt 4.945 tỷ đồng, giảm 34% so với nửa đầu năm trước.
Nhờ hoàn nhập gần 19 tỷ đồng dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh mà chi phí tài chính tiết giảm hơn 8% so với nửa đầu năm 2023, xuống 140 tỷ đồng. Ngoài ra, chi phí bán hàng cũng được Vĩnh Hoàn tích cực tiết chế trong quý này, ghi nhận 97 tỷ đồng, giảm 57%, nhờ chi phí vận chuyển, lưu kho và các chi phí dịch vụ mua ngoài khác giảm mạnh.
Kết quả, Vĩnh Hoàn báo lãi 631 tỷ đồng nửa đầu năm 2023, giảm 52% so với cùng kỳ.
Là ông lớn trong ngành, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (UPCoM: MPC) cũng đã tiết giảm mọi chi phí trong quý II/2023.
Cụ thể, dù chi phí lãi vay tăng 87% lên 30,6 tỷ đồng nhưng chi phí tài chính vẫn ghi nhận thấp hơn 41% so với quý II/2022, xuống chỉ còn 50 tỷ đồng. Chi phí bán hàng giảm mạnh từ 467 tỷ đồng xuống còn 181 tỷ đồng, tương đương giảm 61%. Chi phí quản lý cũng theo đó cũng đi lùi 61% xuống còn 74 tỷ đồng.
Quý II/2023, doanh thu của “vua tôm" Minh Phú đạt 2.350 tỷ đồng, giảm 48% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ các chi phí, Minh Phú báo lãi 10,1 tỷ đồng, giảm tới 93% so với cùng kỳ. Nếu so với số lỗ 98 tỷ đồng, việc ghi nhận lãi trong quý II/2023 được xem như tín hiệu khả quan của doanh nghiệp thủy sản này.
Cùng chung xu hướng tiết giảm chi phí, Thực phẩm Sao Ta (Fimex VN - HoSE: FMC) có doanh thu đạt 1.032 tỷ đồng trong quý II/2023, giảm 27% so với cùng kỳ.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Sao Ta đạt hơn 2.041 tỷ đồng, giảm 25%; lợi nhuận trước thuế đạt 128 tỷ, giảm hơn 21% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, các khoản chi phí trong nửa đầu năm 2023 của Sao Ta đã phần đều được tiết giảm, đáng chú ý nhất là chi phí bán hàng. Theo đó, chi phí bán hàng trong 6 tháng đầu năm đạt 14 tỷ đồng, giảm tới 7 lần so với cùng kỳ.
Với mảng kinh doanh chủ lực là cá tra, Công ty Cổ phần Nam Việt (Navico - HoSE: ANV) ghi nhận quý II/2023 không mấy thuận lợi khi ghi nhận lỗ nặng, đứt chuỗi 6 quý liên tiếp có lãi.
Cụ thể, quý II/2023, tổng doanh thu của Nam Việt đạt 1.090 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ. Do phát sinh mạnh giá vốn hàng bán dẫn đến lợi nhuận gộp trong quý của Navico chỉ còn khoảng 48 tỷ đồng, trong khi quý II/2022 đạt 454 tỷ đồng, tương đương giảm 89%.
Do đó, sau khi trừ các chi phí, Thủy sản Nam Việt lỗ 51 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ doanh nghiệp có lãi tới 240 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên công ty báo lỗ kể từ quý III/2021.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty ghi nhận doanh thu đạt 2.248 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế đạt 56 tỷ đồng; giảm mạnh 89% so với nửa đầu năm 2022.
Hàng tồn kho đồng loạt tăng
Một xu hướng chung của các doanh nghiệp ngành thủy sản trong nửa đầu năm 2023 là chỉ số hàng tồn kho đều tăng cao so với đầu năm.
Theo đó, chỉ số hàng hàng tồn kho của Minh Phú tại cuối quý II/2023, tăng 11% so với đầu kỳ, đạt 5.700 tỷ đồng. Đây là mức dự trữ hàng tồn kho cao nhất từ quý IV/2018 tới nay, chiếm quá nửa tổng tài sản của Minh Phú. Nếu so với tổng tài sản 10.432 tỷ đồng tại ngày 30/6/2023, số hàng tồn kho trên chiếm tới 54,6% cơ cấu.
Bên cạnh đó, lượng hàng tồn kho tại cuối tháng 6/2023 của Vĩnh Hoàn đạt 3.927 tỷ đồng, Nam Việt đạt 2.633 tỷ đồng; tăng lần lượt 39% và 24% so với đầu kỳ. Trong đó, tăng chủ yếu đến từ chi phí sản xuất, kinh doanh. Tương tự, hàng tồn kho của Camimex Group cũng thêm 50,3%, lên 1.519 tỷ đồng, tăng chủ yếu từ hàng thành phẩm
Với Sao Ta, công ty ghi nhận tổng tài sản đạt 3.201 tỷ đồng, tăng 7% so với số đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho đạt 1.286 tỷ đồng, tăng 38% so với số đầu kỳ, đa số là thành phẩm, hàng gửi đi bán và nguyên vật liệu.
Khó khăn và cơ hội cho các tháng cuối năm
Tại một diễn biến khác, theo báo cáo ngành thủy sản của SSI Research, dù lợi nhuận vẫn có thể đã chạm đáy trong nửa đầu năm 2023 (lợi nhuận giảm sâu so với cùng kỳ năm trước) nhưng khó có thể lặp lại trong quý tới.
Mặc dù triển vọng các đơn đặt hàng sang Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa chắc chắn do nền kinh tế phục hồi chậm và mức tồn kho tăng cao, các chuyên gia SSI vẫn cho rằng các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra sẽ bắt đầu ghi nhận lợi nhuận cải thiện trong nửa cuối năm 2023. Mức cải thiện chủ yếu nhờ chi phí giảm, bao gồm giá đầu vào giảm (tôm, cá nguyên liệu và thức ăn thủy sản) và chi phí vận chuyển giảm.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong nửa cuối năm nay, tình hình xuất khẩu thủy sản sẽ khả quan hơn do đơn hàng đang tăng dần nhằm phục vụ cho các kỳ nghỉ hè và nghỉ lễ cuối năm.
Dự báo xuất khẩu thủy sản cả năm 2023 có thể sẽ dừng ở mức 9 – 10 tỷ USD. Theo VASEP, nhằm chung tay gỡ khó cho các doanh nghiệp, cần tập trung xử lý các vướng mắc liên quan thị trường Trung Quốc và Mỹ; đồng thời triển khai các giải pháp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cho ngành thủy sản Việt Nam.