Chính sách trợ giá ngũ cốc của Tunisia

Biến động kinh tế trên toàn cầu và giá cả hàng hóa leo thang đang tạo thêm áp lực đối với nền kinh tế Tunisia vốn còn nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, quốc gia Bắc Phi này vẫn tiếp tục duy trì chính sách trợ giá ngũ cốc với hy vọng sẽ làm giảm lạm phát trong nước.

Theo Báo Le Point (Pháp), năm 2022, một chiếc bánh mì ở Tunisia được bán với giá 0,05USD (khoảng 1.200 đồng) nhưng để làm ra nó, người thợ làm bánh phải bỏ ra hơn 0,1USD (khoảng 2.500 đồng). Nhà nước sẽ là người chịu phần chênh lệch giá trên.

“Cho dù vợ chồng có hai con hay một nhà máy sản xuất hàng trăm nghìn gói bánh quy, họ đều trả tiền mua đường và bột như nhau”, tờ Le Point cho hay.

Thực tế, chính sách trợ giá đã tồn tại ở Tunisia từ nhiều năm nay. Mặc dù nền kinh tế Tunisia đang rơi vào khó khăn nhưng chính sách này vẫn được duy trì nhờ vào sự giúp đỡ của các định chế tài chính quốc tế. Hồi tháng 7-2022, Ngân hàng Thế giới (WB) đã phê duyệt một thỏa thuận cho vay trị giá 130 triệu USD để giúp Tunisia giải quyết khó khăn về lương thực, như nhập khẩu lúa mì mềm (loại mì có hàm lượng gluten và protein thấp, phù hợp cho làm bánh bông lan, bánh quy), 75.000 tấn lúa mạch làm thức ăn gia súc và 40.000 tấn hạt giống lúa mì.

      Bánh mì là một trong những mặt hàng thiết yếu được trợ giá ở Tunisia. Ảnh: AFP 

Trong khi đó, Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) đồng ý cho Tunisia vay tiền để nhập khẩu 25.000 tấn lúa mạch. “Nếu không có các khoản vay khẩn cấp từ WB và EBRD, Tunisia sẽ không có lúa mì và lúa mạch vào mùa thu này”, Báo Le Point nhấn mạnh.

Cuộc chiến ở Ukraine hiện nay không phải là lý do khiến Tunisia gặp khó khăn về lương thực. Nguyên nhân của tình trạng thiếu sản phẩm ngũ cốc xuất phát từ chính vấn đề trong nước. Nhu cầu ngũ cốc của Tunisia không thay đổi kể từ thập niên 1990.

Nước này nhập tới 80% lúa mì mềm và lúa mì cứng (loại mì có hàm lượng protein và gluten cao, phù hợp cho sản xuất bánh mì, bánh pizza, sandwich...) cũng như khoảng 500.000-600.000 tấn lúa mạch mỗi năm. Trong hơn 10 năm bất ổn chính trị kể từ biến động chính trị năm 2011, hoạt động sản xuất ngũ cốc của Tunisia gặp nhiều khó khăn khiến nước này ngày càng phụ thuộc vào việc nhập khẩu.

Trong năm 2021, 2/3 lượng ngũ cốc tiêu thụ của Tunisia là nhập khẩu từ nước ngoài, trong đó phần lớn từ khu vực Biển Đen.

Theo ông Paul Memmi, một quan chức thuộc Bộ Thương mại Tunisia, hằng tháng, có 7 chuyến tàu chở ngũ cốc cập cảng của Tunisia để đáp ứng nhu cầu trong nước. Việc phân phối số lương thực này sẽ do Văn phòng Ngũ cốc đảm nhiệm.

Ông Paul cho biết, khi một con tàu chở 25.000 tấn lúa mì mềm trị giá 10 triệu USD cập cảng Radès hoặc Sfax của Tunisia, khách hàng sẽ mua chúng với giá 3 triệu USD, số tiền còn lại sẽ do nhà nước trả. Theo quy trình, sau khi có đơn đặt hàng và 15 ngày trước khi giao hàng, một thư tín dụng phải được mở ở một ngân hàng thương mại.

Chỉ khi nào có thư tín dụng thì hàng mới được dỡ khỏi tàu. Trong trường hợp ngược lại, tàu sẽ phải lưu cảng và sẽ chịu thêm chi phí rất đắt lên tới 40.000USD/ngày. Mùa hè năm ngoái, một tàu chở ngũ cốc bị lưu bến tới 60 ngày, dẫn đến chi phí phát sinh 2,4 triệu USD.

Trong bối cảnh Tunisia đang lún sâu trong nợ nần và không thể tiếp cận với các khoản vay quốc tế để mua ngũ cốc đáp ứng nhu cầu trong nước, ngày 15-10 vừa qua, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã ký một thỏa thuận nhằm giải ngân khoản vay 1,9 tỷ USD cho quốc gia châu Phi này.

IMF cho biết, theo thỏa thuận kéo dài 4 năm, Chính phủ Tunisia cam kết thực hiện một “chương trình cải cách kinh tế toàn diện” khi được tiếp cận với khoản vay. Chương trình cải cách trên bao gồm các bước để mở rộng hệ thống thuế cho nền kinh tế phi chính thức, thúc đẩy hơn nữa sự minh bạch của khu vực công và loại bỏ “trợ cấp giá lãng phí”, trong khi mở rộng mạng lưới an sinh xã hội.

Mặc dù vậy, thỏa thuận trên vẫn cần phải có sự chấp thuận của hội đồng quản trị của IMF, dự kiến sẽ được thảo luận vào tháng 12 tới.

 PHƯƠNG VŨ

Tags: Tunisia
Lượt xem: 58
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết