Cơ hội cho “vùng đất chiến lược” đột phá

Ngày 23/11/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 30 về phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bộ Chính trị đặt mục tiêu xây dựng Đồng bằng sông Hồng không chỉ là đầu tàu hay động lực kinh tế cả nước.

Bốn ngày sau khi ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, Chính phủ đã bắt tay ngay vào triển khai thực hiện.

Chương trình hành động của Chính phủ đưa ra 21 chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030, trong đó có một số chỉ tiêu quan trọng như: tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 9%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 274 triệu đồng/người/năm; kinh tế số đạt khoảng 35% GRDP… Đây là chỉ tiêu hành động cao nhất trong 6 vùng của cả nước thể hiện quyết tâm đưa Đồng bằng sông Hồng đảm nhiệm tốt vai trò là 1 trong 2 vùng động lực của cả nước, phải có chỉ tiêu cao hơn để làm đầu kéo cho các vùng khó khăn hơn...

Trong đó, riêng Thủ đô Hà Nội là TP “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển của vùng và cả nước, kết nối toàn cầu, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới.

Với 11 tỉnh, TP, Đồng bằng sông Hồng là địa bàn chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, và đối ngoại của đất nước với hạt nhân là Thủ đô Hà Nội. Là vùng đất địa linh nhân kiệt, có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc và có nguồn nhân lực dồi dào.

Bên cạnh những thành tựu nổi bật như tăng trưởng kinh tế cao hơn bình quân cả nước; thu ngân sách tăng nhanh, vùng vẫn còn tồn tại những khó khăn, hạn chế như các địa phương phát triển không đồng đều, các ngành sản xuất với công nghệ hiện đại chiếm tỷ lệ thấp, kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu... Trong khi đó, kỳ vọng vào “địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng” này lớn hơn rất nhiều.

Chương trình hành động của Chính phủ đề ra 36 nhiệm vụ cụ thể và 20 dự án kết cấu hạ tầng và phân công cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện, có lộ trình thời gian thực hiện cụ thể.

Thể chế, chính sách là quan trọng. Để hiện thực hóa mọi kế hoạch, tầm nhìn, cần nguồn lực để triển khai. Chính phủ đang tiếp tục thực hiện các công việc tiếp theo như xây dựng, kiện toàn các hội đồng vùng và cơ chế hoạt động, cơ chế, chính sách, quy hoạch… để phát triển các vùng. Thủ tướng nhấn mạnh điều này đòi hỏi Chính phủ, các bộ ngành, địa phương cùng chung tay làm, khẩn trương, quyết liệt, sát thực tế, khả thi và hiệu quả.

Cùng với đó, hoạt động xúc tiến đầu tư được tổ chức song song có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc huy động nguồn lực cho phát triển hạ tầng, thúc đẩy đầu tư, sản xuất, kinh doanh của toàn Vùng. Với nhiều giải pháp có tính đột phá trong phát triển sẽ là cơ hội cho vùng Đồng bằng sông Hồng cất cánh mạnh mẽ trong giai đoạn tới.

Lượt xem: 3
Nguồn:kinhtedothi.vn Sao chép liên kết