Công ty con của Gelex vốn 3.000 tỷ sắp lên sàn UpCOM có gì hấp dẫn?
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) mới quyết định chấp thuận cho Công ty Thiết bị Điện Gelex được đăng ký giao dịch cổ phiếu tại hệ thống giao dịch UpCOM.
Theo đó, Công ty Cổ phần Thiết bị Điện Gelex - Gelex Electric được cấp mã chứng khoán GEE. Số lượng chứng khoán được chấp thuận đăng ký cho giao dịch cho là 300 triệu cổ phiếu GEE.
Trước đó, ngày 24/12/2021, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có công văn xác nhận việc Gelex Electric hoàn tất thủ tục đăng ký công ty đại chúng.
Gelex Electric được Tập đoàn Gelex (HoSE: GEX) thành lập vào năm 2016 sở hữu 100% với mục đích sản xuất kinh doanh các thiết bị đo điện.
Năm 2018, Tập đoàn Gelex thực hiện tái cấu trúc toàn bộ công ty, bao gồm việc đổi tên cho GEE khi ấy thành Công ty TNHH Thiết bị điện Gelex, với vai trò là công ty nắm giữ và quản lý vốn của Gelex tại các công ty sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực thiết bị điện.
Gelex Electric đã có 2 lần tăng vốn lên mức 3.000 tỷ đồng như hiện tại kể từ khi thành lập. Hiện nay, cổ đông lớn của Công ty này bao gồm 2 đơn vị là Gelex, nắm giữ 80% vốn (tương đương gần 240 triệu cổ phần) với vai trò công ty mẹ và Công ty Cổ phần Máy tính – Truyền thông – Điều khiển 3C nắm giữ 5,5% vốn (tương đương 16,5 triệu cổ phần).
Tính đến cuối năm 2021, Gelex Electric trực tiếp sở hữu 7 công ty con bao gồm Công ty Cổ phần Dây cáp điện Việt Nam (Cadivi), Công ty Cổ phần Chế tạo Điện cơ Hà Nội (HEM), Công ty Cổ phần Thiết bị Điện (Thibidi), Công ty Cổ phần Thiết bị Đo điện EMIC, Công ty Dây đồng Việt Nam CFT, Công ty TNHH Phát điện Gelex và Công ty Cổ p hần Năng lượng Gelex Quảng Trị.
Ngoài ra, Gelex Electric còn sở hữu gián tiếp 7 công ty con khác và sở hữu 3 công ty liên doanh, liên kết.
Được biết, Chủ tịch HĐQT của Gelex Electric là ông Nguyễn Văn Tuấn, hiện đang nắm giữ nhiều chức cấp cao như thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc, Chủ tịch HĐQT, Phó Chủ tịch HĐQT tại các công ty như Gelex, Tổng Công ty Viglacera, Thibidi,…
Công ty này là chủ đầu tư khá nhiều dự án năng lượng sạch với tổng công suất trên 200MW, chẳng hạn như thủy điện sông Bung 4A (49MW), nhà máy điện mặt trời Gelex Ninh Thuận (50MW), cụm nhà máy điện gió Gelex 1,2,3... Về dài hạn, doanh nghiệp định hướng đầu tư vào nguồn phát điện, mục tiêu sở hữu các nhà máy phát điện với tổng công suất 500MW vào năm 2025.
Tại báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất năm 2021, Gelex Electric ghi nhận doanh thu thuần đạt 18.715 tỷ đồng, tăng 16,4% và lợi nhuận sau thuế đạt 641 tỷ đồng.
Tính tới ngày 31/12/2021, tổng tài sản của Gelex Electric tăng 60,5% so với đầu năm lên 23.124 tỷ đồng. Trong đó, tài sản cố định và hàng tồn kho chiếm tỉ trọng lớn nhất, đều đạt 29,3%. Bên cạnh đó, các khoản phải thu ngắn hạn đạt 3.532,5 tỷ đồng, chiếm 15,3% tổng tài sản.
Đáng chú ý nhất là tài sản cố định tăng 339% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 5.241 tỷ đồng, lên 6.785 tỷ đồng. Hàng tồn kho cũng tăng 123%, tương ứng tăng thêm 3.741 tỷ đồng, lên 6.780 tỷ đồng.
Ngoài ra, tổng nợ phải trả của Gelex Electric trong năm 2021 tăng 59% so với đầu năm lên 17.136 tỷ đồng và chiếm 74% tổng nguồn vốn.
Năm 2022, Gelex Electric lên kế hoạch doanh thu tăng 3,7%, đạt 19.410 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế dự kiến tăng 132% lên mức 1.520 tỷ đồng. Công ty này cũng lên kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 10% từ 3.000 tỷ đồng lên 3.300 tỷ đồng.