Đan xen cơ hội và thách thức khi các “ông lớn” chuyển dịch sản xuất

Các tập đoàn đa quốc gia đang thực hiện chiến lược chuyển dịch, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, sản xuất đến gần với thị trường tiêu thụ. Điều này vừa tạo cơ hội, vừa làm gia tăng đối thủ cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.

Công nhân trong dây chuyền sản xuất của Nhà máy Samsung Việt Nam. Ảnh: Khắc Kiên

Công nhân trong dây chuyền sản xuất của Nhà máy Samsung Việt Nam. Ảnh: Khắc Kiên

Cơ hội từ xu hướng dịch chuyển

Với sự quan tâm và đẩy mạnh hỗ trợ về cơ chế, chính sách từ Chính phủ và các bộ, ngành, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam hiện có thể cung cấp một số phụ tùng, linh kiện nhựa, cao su, nhôm và kim loại cho ô tô, xe máy và các sản phẩm máy móc thiết bị… Để đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng từ các đối tác nước ngoài, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đang từng bước nâng cao trình độ, sản xuất các sản phẩm có hàm lượng công nghệ, độ chính xác cao, góp phần gia tăng giá trị, đáp ứng tốt nhu cầu trong nước và xuất khẩu sản phẩm sang nhiều quốc gia trên thế giới.

Theo ông Nguyễn Thắng Vượng  - Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), thời gian qua xu hướng dịch chuyển các chuỗi cung ứng toàn cầu diễn ra mạnh mẽ đang tạo nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng.

ANMI là một doanh nghiệp đầu tư dây chuyền công nghệ để có thể cung cấp các linh kiện cho các tập đoàn lớn. Ảnh: Khắc Kiên

ANMI là một doanh nghiệp đầu tư dây chuyền công nghệ để có thể cung cấp các linh kiện cho các tập đoàn lớn. Ảnh: Khắc Kiên

Đơn cử, đến nay Tập đoàn Apple của Mỹ đã hoàn tất việc chuyển 11 nhà máy sản xuất các thiết bị nghe nhìn vào Việt Nam; Tập đoàn Intel cũng mở rộng giai đoạn hai nhà máy kiểm định chip tại TP Hồ Chí Minh tổng trị giá đầu tư 4 tỷ USD; Tập đoàn Lego của Đan Mạch đầu tư xây dựng nhà máy ở Bình Dương tổng vốn 1 tỉ USD.

Sau một thời gian dài nghiên cứu môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, các tập đoàn lớn của Mỹ như: Boeing, Google, Walmart đã thông báo tìm kiếm mở rộng mạng lưới các nhà cung ứng và phát triển cơ sở sản xuất tại đây. Đáng chú ý nhất hiện nay là Samsung đã dịch chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất điện thoại của tập đoàn về Việt Nam và Ấn Độ.

Sản lượng điện thoại thông minh của Samsung bán ra trên toàn thế giới chiếm 60% đang được sản xuất tại Việt Nam. Việc chuyển dịch các nhà máy sang Việt Nam đã tạo cơ hội đáng kể cho các doanh nghiệp của Việt Nam trong việc tiếp cận tốt hơn thị trường Tây Âu, cũng như tiếp nhận thêm nguồn FDI có xu hướng dịch chuyển vào khu vực Đông Nam Á.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) Đỗ Thị Thúy Hương cho biết, cùng với việc Apple, có nhiều tập đoàn lớn khác như Foxconn, Luxshare, Pegatron, Wistron cũng mở rộng cơ sở sản xuất sẵn có tại Việt Nam...

Những dòng vốn này liên tục tăng mạnh thời gian qua. Trong đó, lĩnh vực điện tử được các tập đoàn toàn cầu đặc biệt chú ý. Như việc Samsung xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển lớn nhất của tập đoàn tại khu vực Đông Nam Á trị giá 220 triệu USD tại Hà Nội và cũng đang có kế hoạch tiếp tục mở rộng nhà máy tại Bắc Ninh, Thái Nguyên. Một nhà cung cấp linh kiện cho Samsung là Công ty Hansol Electronics Việt Nam (Hàn Quốc) mới đây cũng đã được UBND tỉnh Đồng Nai cấp giấy phép đầu tư cho 2 dự án với tổng vốn lên tới 100 triệu USD.

Chọn lọc công nghệ thượng nguồn

Tuy nhiên, cùng với cơ hội là những thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp Việt khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn khổng lồ. Các chuyên gia chỉ ra, quy mô và năng lực của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ còn hạn chế: số lượng ít, năng lực sản xuất thấp, thiếu nguồn lực và công nghệ để nâng cao năng suất, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu nên khả năng cạnh tranh của sản phẩm chưa cao.

Thao tác trên bản vi mạch tại gian hàng của Samsung tại một triển lãm công nghệ ở Hà Nội. Ảnh: Khắc Kiên

Thao tác trên bản vi mạch tại gian hàng của Samsung tại một triển lãm công nghệ ở Hà Nội. Ảnh: Khắc Kiên

 Các doanh nghiệp đang kỳ vọng nhiều vào trợ lực từ các cơ chế chính sách, hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 111/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ mà Bộ Công Thương đang trình Chính phủ. Nghị định này có nhiều chính sách ưu đãi mới được đề xuất liên quan đến hỗ trợ lãi suất, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, thu hút đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ…

Nhiều sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam có giá thành cao, chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và tương thích kỹ thuật. Trong khi đó, tình hình kinh tế thế giới từ đầu năm 2023 đến nay tiếp tục cho thấy nhiều khó khăn, thách thức, tăng trưởng kinh tế toàn cầu thấp, cầu tiêu dùng còn yếu, hàng rào bảo hộ gia tăng…

Xu hướng phi toàn cầu hoá đang trỗi dậy mạnh mẽ, chính sách bảo hộ của các nước ngày một tăng, nhiều tiêu chuẩn và quy định mới được dựng lên liên quan đến chuỗi cung ứng. Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) Ngô Khải Hoàn cho biết, doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi cung ứng mới dừng ở khâu trung gian, có giá trị gia tăng thấp.

Ở khâu cung cấp nguyên vật liệu chính cho ngành sản xuất chế biến chế tạo, dệt may, da giày hầu hết doanh nghiệp phải nhập khẩu. “Trước kia, Việt Nam tận dụng được lợi thế nhân công giá rẻ, nhưng hiện chi phí này ngày càng tăng nên đang mất dần nếu so sánh với các nước Ấn Độ, Philippines, Campuchia…” – vị này chỉ ra.  

Hiện các nhà đầu tư nước ngoài (FDI) rất quan tâm việc khi đầu tư vào Việt Nam. Để đón làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI, trong thời gian tới, Cục Công nghiệp sẽ tập trung các hoạt động như xây dựng chính sách, hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, cũng như tạo các chương trình kết nối cho doanh nghiệp trong nước và các tập đoàn như Samsung, Toyota...

Ngoài sự nỗ lực tự thân, đại diện VASI cho rằng, để đón đầu, Chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt mạnh mẽ hơn để có đủ năng lực tiếp nhận công nghệ, cũng như đủ lực cạnh tranh, giữ được thị trường trong nước. Cùng với đó, khi mở cửa cho doanh nghiệp FDI, cần tập trung cho việc chọn lọc công nghệ thượng nguồn, sản phẩm có tính cạnh tranh cao với những công nghệ đã có sẵn của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước.

Đặc biệt, các công nghệ vào Việt Nam phải là công nghệ không tiêu thụ nhiều năng lượng, gây hại đến môi trường. Cùng với đó điều kiện quan trọng là phải cam kết phát triển bao nhiêu nhà cung ứng là doanh nghiệp Việt trong chuỗi với thời gian xác định cụ thể.

Lượt xem: 11
Nguồn:kinhtedothi.vn Sao chép liên kết