Để kinh tế tư nhân tham gia hiệu quả vào mô hình tăng trưởng mới
Kinh tế tư nhân đã và đang đóng vai trò quyết định trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của quốc gia.
Sự năng động, sáng tạo và khả năng thích ứng của khu vực này không chỉ tạo ra nhiều cơ hội việc làm mà còn kích thích sự đổi mới sáng tạo, đóng góp vào sự phát triển kinh tế bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Đặc biệt, các doanh nghiệp tư nhân và các startup trong nước đang ngày càng khẳng định vị thế của mình khi nhận được sự đầu tư mạnh mẽ từ cả nguồn quỹ trong nước và quốc tế.
Những nguồn vốn đầu tư này không chỉ giúp các doanh nghiệp mở rộng quy mô, nâng cao năng lực sản xuất mà còn tạo ra những bước tiến đột phá về công nghệ và mô hình kinh doanh.
Các câu chuyện thành công của nhiều startup trong lĩnh vực công nghệ cho thấy, với sự hỗ trợ về vốn và nguồn lực, những ý tưởng sáng tạo ban đầu có thể nhanh chóng phát triển thành các doanh nghiệp quy mô lớn, góp phần tạo ra các giá trị kinh tế mới và thúc đẩy sự chuyển đổi số trong nền kinh tế.
Điều này đặc biệt rõ nét trong bối cảnh làn sóng đổi mới sáng tạo đang lan tỏa mạnh mẽ, từ các doanh nghiệp nhỏ đến các tập đoàn lớn như Viettel, VNPT, FPT đều đang tăng cường đầu tư vào công nghệ cao và các giải pháp số hóa.
Tuy nhiên, bên cạnh những tiềm năng và thành công nổi bật, kinh tế tư nhân cũng đang gặp phải không ít thách thức từ nội tại cho đến khách quan, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra trong bài viết “Phát triển kinh tế tư nhân - Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng” hôm 17.3.
Để kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, tham gia hiệu quả vào “mô hình tăng trưởng mới” như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Trung ương lần thứ 11 khóa XIII, chúng ta cần phải sớm xóa bỏ những điểm nghẽn, nút thắt.
Trước hết là những rào cản khiến doanh nghiệp tư nhân gặp khó trong tiếp cận nguồn lực, đặc biệt là vốn tín dụng, đất đai, tài nguyên và nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các ngành công nghệ, kỹ thuật và tài chính.
Tiếp đến là những bất cập, chồng chéo của hệ thống pháp luật, khiến môi trường kinh doanh có nhiều trở ngại, thủ tục hành chính phức tạp, tốn nhiều thời gian, chi phí và tiềm ẩn rủi ro.
Các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Chính phủ chưa thực sự hiệu quả và công bằng giữa các khu vực kinh tế và không dễ tiếp cận đối với kinh tế tư nhân.
Rồi hiện tượng nhũng nhiễu, chi phí không chính thức vẫn còn tồn tại, tạo ra một gánh nặng vô hình đối với doanh nghiệp tư nhân, làm giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh và gây tâm lý e ngại khi mở rộng đầu tư.
Chỉ khi xóa thành công những điểm nghẽn và nút thắt này, Việt Nam mới có thể tạo ra một môi trường kinh doanh năng động, mở cửa hội nhập, thu hút vốn đầu tư và thực sự biến đổi những thách thức thành cơ hội phát triển bền vững trong tương lai.