Để người lao động đồng hành với doanh nghiệp

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần, tại nhiều địa phương trên cả nước diễn ra những vụ ngừng việc tập thể tại Nghệ An, Hà Tĩnh, Ninh Bình, Thái Bình...với sự tham gia của hàng chục nghìn công nhân.

Những vụ đình công xuất phát từ việc công nhân đề nghị tăng lương cơ bản, tăng chế độ độc hại; bổ sung chế độ phụ cấp thâm niên, chế độ hỗ trợ cho người lao động mắc Covid-19; phản ánh việc trả lương tháng thứ 13 theo thời gian làm việc chưa công bằng. Bên cạnh đó còn có nguyên nhân do thái độ của một số quản lý người nước ngoài không đúng mực với người lao động...

Ngoài ra, qua công tác kiểm tra, giám sát và làm việc sau khi diễn ra ngừng việc tập thể, cơ quan chức năng phát hiện có chủ sử dụng lao động không tuân thủ các quy định pháp luật của doanh nghiệp đối với người lao động; không công khai, minh bạch các chế độ của người lao động, thông tin của doanh nghiệp; tiền lương, tiền công, thu nhập thấp, điều kiện làm việc không bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, chất lượng bữa ăn ca kém...

Công nhân trở lại nhà máy làm việc tại TNHH may mặc Bowker Việt Nam (Khu công nghiệp Đồng An 1, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương) sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Ảnh minh họa: TTXVN 

Mặc dù xuất phát từ các lý do chính đáng, tuy nhiên việc công nhân ngừng việc tập thể kéo dài và diễn ra ở nhiều doanh nghiệp theo hiệu ứng dây chuyền gây ra những hậu quả, hệ lụy nghiêm trọng. Trước hết, doanh nghiệp chịu thiệt hại rất lớn về kinh tế, hình ảnh, thương hiệu.

Doanh nghiệp rơi vào thế chẳng đừng nên phải nhượng bộ, nhưng sẽ làm phát sinh tâm lý e ngại, không có thiện cảm với người lao động. Ngừng việc tập thể lan rộng sẽ ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội, hậu quả là nhà đầu tư, người lao động và Nhà nước đều thiệt hại, môi trường đầu tư bị ảnh hưởng.

Nguyên nhân cơ bản của mâu thuẫn trong quan hệ lao động hiện nay là mức lương, thu nhập của công nhân còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu bình thường của cuộc sống. Hiện mặt bằng lương công nhân ở Nghệ An, Ninh Bình còn thấp so với công việc cùng ngành nghề ở các khu vực khác như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương.

Đáng chú ý là qua các cuộc đình công, cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý không ít đối tượng chỉ đạo, kích động công nhân ngừng việc với động cơ xấu. Đã có trường hợp người lao động không tham gia ngừng việc tập thể, muốn đi làm thì bị một số đối tượng ngăn cản hoặc đe dọa. Do đó cần xác minh, xử lý nghiêm các hành vi kích động ngừng việc với động cơ xấu, ngăn cản, đe dọa người lao động đi làm. 

Để khắc phục tình trạng đình công, trước hết cần có giải pháp toàn diện, đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các bên liên quan nhằm giúp người lao động được hưởng mức thu nhập, đãi ngộ xứng đáng và có môi trường làm việc thuận lợi, có điều kiện tái sản xuất sức lao động, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

Việc kiến nghị tăng lương, bảo đảm các chế độ phúc lợi là chính đáng nhưng phải tiến hành thông qua các tổ chức và phải phù hợp với quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, công nhân cũng cần hiểu, chia sẻ và đồng hành với doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, tổ chức công đoàn cần khẩn trương, rốt ráo vào cuộc, tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động để xây dựng quan hệ lao động đúng luật, hài hòa và bền vững. Có như vậy mới tạo sự minh bạch thông tin, tăng cường đối thoại, phát huy dân chủ, thiết lập kỷ cương để người lao động tin tưởng và gắn bó, đồng hành với doanh nghiệp.

QUANG ĐẠI

Tags: qdnd
Lượt xem: 204
Tác giả: admin1