Đèo Cả (HHV) đặt kế hoạch thu hơn 3.100 tỷ đồng, tăng 17%
Năm 2024, Đèo Cả đặt kế hoạch doanh thu đạt 3.146 tỷ đồng, tăng thêm 17% so với thực hiện năm 2023 (2.685,5 tỷ đồng) và lợi nhuận sau thuế đạt 404,1 tỷ đồng, tăng thêm 11% so với kết quả nhận được năm 2023 (364,5 tỷ đồng).
Kế hoạch doanh thu tăng mạnh
Sáng 31/5, tại Đà Nẵng, Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (Đèo Cả, HOSE: HHV) đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024.
Chia sẻ tại đại hội, đại diện Đèo Cả cho biết, kết quả sản xuất kinh doanh năm 2023 của HHV vượt kế hoạch đề ra, tăng trưởng vượt bậc so với năm 2022. Cụ thể, năm 2023 doanh thu hợp nhất đạt 2.686 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 28% so với cùng kỳ và vượt 8% kế hoạch; Lợi nhuận sau thuế đạt 364 tỷ đồng, tăng trưởng gần 22% so với cùng kỳ và vượt 7% kế hoạch. Đến 31/12/2023, tổng tài sản của HHV đạt hơn 36.780 tỷ đồng.
Từ đầu năm 2023, HHV trúng thầu nhiều dự án với giá trị thi công xây lắp lớn như dự án Quảng Ngãi - Hoài Nhơn (giá trị xây lắp hơn 14.400 tỷ đồng), dự án nâng cấp mở rộng Đèo Prenn (giá trị xây lắp hơn 500 tỷ đồng)… cùng các dự án đang triển khai thi công như đường ven biển qua các địa phương, cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo… giúp doanh thu xây lắp tăng trưởng mạnh. Cụ thể, doanh thu từ hoạt động thi công xây lắp năm 2023 đạt hơn 1.047 tỷ đồng, tăng 517 tỷ đồng so với năm 2022.
HHV đang quản lý vận hành, bảo dưỡng thường xuyên, đảm bảo an toàn, giao thông thông suốt cho hơn 410km đường cao tốc và quốc lộ, hơn 30km hầm đường bộ và quản lý 18 trạm thu phí BOT trên cả nước. Doanh thu thu phí năm 2023 đạt hơn 1.573 tỷ đồng, tăng 88,5 tỷ đồng (6%) so với cùng kỳ.
Năm 2023, HHV thực hiện thành công phương án chào bán cố phiếu cho cổ đông hiện hữu, thu về gần 830 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ của công ty lên hơn 4.116 tỷ đồng
Về kế hoạch kinh doanh, năm 2024 HHV đặt mục tiêu doanh thu tăng 17%, lợi nhuận tăng 11% so với năm 2023. Ngay từ quý I/2024, kết quả sản xuất kinh doanh của HHV đã ghi nhận các chỉ số tích cực. Cụ thể, doanh thu quý I/2024 đạt 690 tỷ đồng, tăng trưởng 28% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 114 tỷ đồng, tăng trưởng 37% so với quý I/2023.
Mong gói vay ưu đãi
Trước đó, trao đổi với Báo Thanh tra ông Nguyễn Hữu Hùng - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đèo Cả có chia sẻ thêm về việc thực hiện các dự án BOT.
Về chính sách tài chính, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Đèo Cả nhìn nhận, lĩnh vực phá triển hạ tầng giao thông là lĩnh vực được Bộ Chính trị đưa vào Nghị quyết, ưu tiên phát triển, dẫn dắt ngành kinh tế.
Trên thực tế, hạ tầng giao thông là lĩnh vực cần rất nhiều tiền, thế nhưng hiện nay cơ chế chính sách hỗ trợ với ngành này gần như không có.
Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp làm BOT, vì làm BOT có lợi rất nhiều cho nhà nước, thế nhưng lại không có chính sách đi kèm hỗ trợ cho doanh nghiệp, đặc biệt là nguồn vốn.
Đầu tư một dự án BOT cần đến hàng chục nghìn, thậm chí 20 - 30 nghìn tỉ đồng. Thế nhưng về phía doanh nghiệp vẫn đang phải đi làm việc với các ngân hàng thương mại, theo kiểu thích thì làm không thích thì thôi, nên rất là khó. Lãi vay vẫn thả nổi.
Trong khi đó, các ngành như nông - lâm - thuỷ sản có gói vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng; bất động sản có gói hỗ trợ 120.000 tỉ đồng… Trong khi đó, ngành hạ tầng giao thông lợi nhuận rất thấp, lãi suất thả nổi rất cao, vẫn phải đi vay như các ngành sản xuất khác. Đây cũng là một sự bất cập.
“Đèo Cả muốn rằng, nếu chúng ta xác định đầu tư hạ tầng giao thông để dẫn dắt, khơi thông tất cả mọi nguồn lực, thì chúng ta đã có ngân hàng chính sách, ngân hàng phát triển. Mong có sự chỉ đạo từ các cơ quan có liên quan, để có các gói vay ưu đãi cho hạ tầng giao thông”.