Doanh nghiệp bán lẻ xăng, dầu kêu khó
Sáng 21-9, tại Hà Nội, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Hiệp hội Xăng, dầu Việt Nam tổ chức Hội nghị: Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bán lẻ xăng, dầu.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, thời gian qua, giá xăng, dầu thế giới biến động rất nhiều gây nên sự biến động tại hầu hết các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Hiện nay, cả nước có hơn 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng, dầu và thời gian qua là một giai đoạn tương đối khó khăn với doanh nghiệp bán lẻ xăng, dầu nói riêng và ngành kinh doanh xăng, dầu nói chung của Việt Nam.
“Hội nghị nhằm tiếp thu, ghi chép, chắt lọc trên cơ sở đối chiếu các quy định nhà nước về kinh doanh xăng, dầu. Từ đó, chúng tôi sẽ có ý kiến chính thức gửi các cơ quan chức năng về các nội dung doanh nghiệp kiến nghị hôm nay", ông Tô Hoài Nam bày tỏ.
Quang cảnh hội nghị. |
Là thương nhân phân phối xăng, dầu, theo ông Nguyễn Đức Hạnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần dầu khí Sơn Hải, từ tháng 7-2022 đến nay, chiết khấu các đầu mối nhập khẩu cho thương nhân phân phối xăng, dầu và doanh nghiệp bán lẻ xăng, dầu rất thấp, có những thời điểm chiết khấu bằng 0 hoặc 50-100 đồng/lít tại kho đầu nguồn. Với chiết khấu như vậy, thương nhân càng bán càng lỗ, chi phí không đủ bù đắp cho chi phí kinh doanh cố định, lỗ chồng lỗ. “Trong khi doanh nghiệp càng bàn càng lỗ nhưng cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương yêu cầu phải bán hàng và không được phép đóng cửa”, ông Hạnh cho hay.
Đại diện Công ty Cổ phần dầu khí Sơn Hải mong muốn Bộ Tài chính sớm cập nhật, xem xét 1 số kiến nghị để tính đúng, tính đủ chi phí kinh doanh thực tế của doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu đầu mối hiện nay.
Bà Nguyễn Thị Bích Hường, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần TMDV và Xây lắp Dầu khí - một một doanh nghiệp xăng, dầu ở Hà Nội cũng đề nghị các doanh nghiệp đầu mối cần chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp bán lẻ. Bà Hương cho rằng, các doanh nghiệp đầu mối để chiết khấu bằng 0 đồng là không bình đẳng. "Doanh nghiệp bán lẻ là ở cuối chuỗi cung ứng, chúng tôi không thể đưa ra hoặc tự quyết định được mức chiết khấu cho mình, mà phải trông chờ vào sự "hào sảng" của doanh nghiệp đầu mối có chia sẻ hay không?", bà Nguyễn Thị Bích Hường nêu bất cập.
Hội nghị có sự tham dự của đại diện Bộ Công Thương, đại diện Tổng cục Quản lý thị trường để lắng nghe các phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp bán lẻ xăng, dầu. Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, với vấn đề chiết khấu thấp như hiện nay, các doanh nghiệp bán lẻ với các doanh nghiệp đầu mối cần có đàm phán, chia sẻ với nhau trong thời điểm khó khăn.
Tin, ảnh: VŨ DUNG