Doanh nghiệp công nghiệp tăng tốc sản xuất

Tiếp đà hồi phục từ những tháng cuối năm 2021, ngay trong những tháng đầu năm 2022, sản xuất công nghiệp đã bắt nhịp, tăng tốc.

Song, diễn biến dịch bệnh phức tạp cùng tình trạng khan hiếm vật tư chiến lược (xăng dầu, khí đốt, than đốt, chất bán dẫn)... hiện hữu trên toàn cầu sẽ gây ra khó khăn cho sản xuất. 

Công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế

Do ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, năm 2021, nhiều nhà máy phải tạm đóng cửa, sản xuất bị đình trệ trong thời gian dài. Sản xuất công nghiệp chỉ thực sự khởi sắc khi các địa phương trên cả nước thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11-10-2021 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Khép lại năm 2021, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp đạt 4,82% so với năm 2020. Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 6,37%; đóng góp 62,4% tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. 

Bước sang năm 2022, sản xuất công nghiệp tiếp đà tăng trưởng. Theo Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sản xuất công nghiệp tháng 2 ước tính giảm 12,4% so với tháng trước do thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, sản xuất công nghiệp tháng 2-2022 tăng 8,5%; tính chung hai tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là động lực chính. Đáng chú ý, những mặt hàng công nghiệp có hàm lượng giá trị gia tăng cao, như: Điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; sản phẩm dệt và may mặc; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đều có kết quả sản xuất tốt, góp mặt trong danh sách mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu hơn 5 tỷ USD trong hai tháng đầu năm. 

Hoạt động sản xuất tại Tổng công ty Cổ phần May 10. Ảnh: THU TRANG 

Hoạt động sản xuất công nghiệp được dự báo tiếp tục sẽ có nhiều thuận lợi, nhất là khi doanh nghiệp đã dần tìm ra cách để duy trì sản xuất, chuỗi cung ứng được thông suốt trong điều kiện dịch Covid-19 có xu hướng phức tạp. Cùng với đó, đơn hàng xuất khẩu của nhiều lĩnh vực tương đối dồi dào. Điển hình như lĩnh vực dệt may, da giày, đơn hàng đã phủ kín hết quý II, thậm chí có doanh nghiệp đã có đơn hàng hết quý III.

Nêu rõ về điều này, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần May 10 cho biết, dịch bệnh là áp lực rất lớn buộc doanh nghiệp thay đổi. Để sống chung với đại dịch, ổn định sản xuất, May 10 vẫn áp dụng triệt để theo các kịch bản về công tác phòng, chống dịch tại nơi làm việc và xử lý tình huống trong tình trạng khẩn cấp; thường xuyên đánh giá nguy cơ lây nhiễm tại đơn vị. Cùng với đó, trước kia doanh nghiệp xây dựng kế hoạch sản xuất theo tháng thì nay có thể xây dựng kế hoạch và tổ chức sản xuất linh hoạt theo tuần, theo ngày. “Năm nay, lượng đặt hàng của May 10 đã tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm trước. Các đơn hàng cũng đã ký kết đến hết quý II năm 2022. Các mặt hàng như veston và sơ mi đã có đơn đặt hàng đến hết quý III năm nay. Mặc dù vẫn còn nhiều nỗi lo nhưng May 10 vẫn đang chuẩn bị các chính sách để thu hút thêm 3.000-5.000 lao động cho các dự án mới ở Thanh Hóa, Quảng Bình, Thái Bình”, ông Thân Đức Việt cho biết.

Theo sát biến động cung-cầu để điều hành phù hợp

Sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo có nhiều cơ hội để tăng tốc. Tuy nhiên, nỗi lo của doanh nghiệp cũng chưa vơi bớt khi dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến khó lường, cùng với áp lực tăng giá từ nguyên nhiên liệu đầu vào, nhất là giá xăng, dầu. Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP Hồ Chí Minh chia sẻ, phí vận chuyển, giao nhận hàng hóa giữa các nhà máy, kho cảng sẽ tăng theo giá xăng, dầu. Ngoài ra, với một số doanh nghiệp có khâu sản xuất như dệt hoàn tất sẽ bị tác động mạnh hơn, do các máy móc sử dụng dầu FO để chạy.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, tình hình căng thẳng giữa Nga và Ukraine, cùng với các khó khăn do dịch bệnh đang tác động trực tiếp và gián tiếp đến kinh tế Việt Nam; làm đứt gãy nguồn cung của một số mặt hàng vật tư chiến lược như xăng, dầu, khí đốt, lương thực, thực phẩm. Bên cạnh đó, cuộc xung đột cũng đã và đang làm đứt gãy chuỗi lưu thông, logistics, một số mặt hàng chiến lược tăng giá, kéo theo chí phí đầu vào tăng cao. Một số mặt hàng Việt Nam có lợi thế xuất khẩu ra thị trường thế giới, nay vì nhu cầu tiêu dùng toàn cầu thu hẹp cũng đã chịu ảnh hưởng lớn. Để hỗ trợ sản xuất trong nước, theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, các đơn vị cần theo dõi sát biến động cung cầu các mặt hàng chiến lược để kịp thời có biện pháp điều hành phù hợp; tận dụng được cơ hội về giá để sản xuất, xuất khẩu và bảo đảm cung cầu cho thị trường trong nước; đẩy mạnh khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, bảo đảm luồng hàng hóa xuất, nhập khẩu được lưu thông thông suốt.

Riêng về xăng, dầu, Bộ Công Thương đã đề nghị Bộ Tài chính rà soát, tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở để hỗ trợ sản xuất, như mức chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức đã áp dụng từ năm 2014, phí đưa xăng, dầu từ nước ngoài về Việt Nam và các loại thuế, nhất là thuế bảo vệ môi trường. Bộ Công Thương đã chỉ đạo (hai ngày một lần) Tổ điều hành xăng dầu liên bộ Công Thương-Tài chính rà soát về tình hình biến động của giá xăng, dầu để cần thiết sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét việc có điều chỉnh giá xăng dầu sớm hơn so với quy định.

Để hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp, trong năm 2022, Bộ Công Thương sẽ tập trung triển khai hiệu quả các đề án hỗ trợ ngành công nghiệp theo Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ đã được phê duyệt; trọng điểm như công nghiệp ô tô, điện tử, dệt may, da giày. Tập trung vào khâu tổ chức kết nối và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng, các dự án có vốn đầu tư nước ngoài nhằm khai thác hiệu quả quá trình hội nhập.

VŨ DUNG

Tags: qdnd
Lượt xem: 181
Tác giả: admin1