Doanh nghiệp Quân đội thúc đẩy giao thương Việt - Lào: Bài 1: Những thế mạnh vượt trội

LTS: Doanh nghiệp Quân đội (DNQĐ) ngoài nhiệm vụ bảo đảm sản xuất quốc phòng còn tham gia sản xuất nhiều mặt hàng kinh tế phục vụ đời sống dân sinh. Với các sản phẩm đa dạng, thiết thực, được khách hàng đón nhận, DNQĐ có nhiều ưu thế để mở rộng chiếm lĩnh thị trường trong nước và xuất khẩu.

Đối với Việt Nam, thị trường Lào luôn được đánh giá là cửa ngõ quan trọng để mở rộng thị trường vào các nước ASEAN. Thúc đẩy đầu tư-thương mại giữa hai nước Việt Nam-Lào, các DNQĐ đã đa dạng các hoạt động xúc tiến thương mại.

Nhắc đến sản phẩm của DNQĐ là nói đến uy tín, chất lượng, mẫu mã và đã tạo ấn tượng sâu đậm với người tiêu dùng. Đây chính là những ưu thế vượt trội để DNQĐ tiến sâu hơn vào thị trường Lào, từ đó nâng cao vị thế trong khu vực. 

Những thương hiệu tự hào

Thị trường thiết bị phòng cháy, chữa cháy ngày nay rất sôi động, đa dạng về mẫu mã, chủng loại, giá thành. Nhưng nhắc tới sản phẩm trụ nước chữa cháy, hầu như ai cũng biết đến sản phẩm “trụ nước chữa cháy Bộ Quốc phòng” của Nhà máy Z183 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng (CNQP). Đến nay, sản phẩm “trụ nước chữa cháy Bộ Quốc phòng” đã có mặt tại nhiều công trình, dự án lớn trên toàn quốc.

Dẫn chúng tôi tham quan dây chuyền sản xuất, Đại tá Vương Chí Toại, Giám đốc Nhà máy Z183 tự hào về sản phẩm làm nên thương hiệu của nhà máy khi chia sẻ với chúng tôi: Sản phẩm có kết cấu đơn giản, nhẹ hơn các sản phẩm trụ nước chữa cháy khác trên thị trường nên giá thành cạnh tranh hơn nhưng vẫn bảo đảm tính năng sử dụng. “Khi triển khai các công trình xây dựng, nhiều nhà thầu đều ghi rất rõ trong hồ sơ dự thầu là sẽ lựa chọn sản phẩm phòng cháy, chữa cháy của Bộ Quốc phòng. Điều này đến từ uy tín, chất lượng, dịch vụ của DNQĐ. Đến nay, sản phẩm “trụ nước chữa cháy Bộ Quốc phòng” đã chiếm 60% thị phần thị trường miền Bắc, đang từng bước chiếm lĩnh thị trường miền Nam”, Đại tá Vương Chí Toại chia sẻ.

Sản xuất sản phẩm cơ khí tại Nhà máy Z113.  Ảnh: BẢO LINH 

Thực tế cho thấy, một trong những thuận lợi nổi bật của các DNQĐ đó là uy tín nên khi tiếp xúc với khách hàng luôn nhận được sự tin tưởng cao. Nhiều sản phẩm, dịch vụ của các DNQĐ đã trở thành sự lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng trong nước và từng bước khai mở các thị trường quốc tế. Đó là các sản phẩm, dịch vụ viễn thông của Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel); dịch vụ ngân hàng của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB); thương hiệu quạt điện cơ của Nhà máy Z199; thương hiệu pháo hoa thuốc nổ công nghiệp, phụ kiện nổ của Nhà máy Z121; sản phẩm phòng cháy, chữa cháy, mũi khoan do Nhà máy Z113 sản xuất và cung ứng; các sản phẩm cao su kỹ thuật của Nhà máy Z175; thuốc nổ công nghiệp của Nhà máy Z131 và Nhà máy Z115; Nhà máy Z189 là đơn vị đột phá đi đầu trong công nghệ đóng tàu vỏ hợp kim nhôm, cho ra đời hàng loạt tàu, xuồng vận chuyển khách, phục vụ du lịch, cảng vụ; Nhà máy Z143 nổi bật với sản phẩm dây, cáp điện...

Phát huy hiệu quả dây chuyền lưỡng dụng

Xu hướng phát huy hiệu quả lưỡng dụng đối với các nhà máy, DNQĐ xuất phát từ yêu cầu thực tế và phù hợp với xu thế thời đại. Tại Đại hội XIII, Đảng ta xác định: “Tiếp tục xây dựng, phát triển CNQP, an ninh theo hướng lưỡng dụng, ngày càng hiện đại, có trình độ khoa học, công nghệ cao”. Đây là một định hướng chiến lược, thể hiện quan điểm kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng. Cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã thường xuyên quan tâm đầu tư phát triển CNQP theo hướng lưỡng dụng. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển CNQP từng bước hoàn thiện, phù hợp với điều kiện của Việt Nam. CNQP được chú trọng đầu tư, đặc biệt là những ngành mũi nhọn, đặc thù, hướng tới gắn kết, hòa nhập với công nghiệp quốc gia.

Trao đổi với chúng tôi, hầu hết lãnh đạo các tổng công ty, công ty, nhà máy Quân đội đều khẳng định, trong suốt hành trình phát triển, họ luôn xác định đơn vị mình là DN quốc phòng; phát triển kinh tế là thực hiện chủ trương lưỡng dụng dây chuyền quốc phòng nhằm duy trì và đẩy mạnh năng lực sản xuất quốc phòng. Đại tá Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Nhà máy Z176, Tổng cục CNQP nhấn mạnh: "Việc đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, đổi mới khoa học công nghệ dựa trên cơ sở khai thác dây chuyền sản xuất quốc phòng hiện có, đã giúp các nhà máy CNQP phát triển thêm một số sản phẩm phục vụ đời sống dân sinh, một số loại sản phẩm đã xuất khẩu vào các thị trường khó tính, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của đất nước".

Thượng tá Trần Chí Dũng, Giám đốc Nhà máy Z113, Tổng cục CNQP khẳng định: "Giá trị thu được từ các mặt hàng kinh tế không chỉ giúp DNQĐ nâng cao thu nhập cho cán bộ, công nhân viên, người lao động mà còn nâng cao hơn nữa thương hiệu DNQĐ nói chung và có điều kiện đầu tư cải tiến, thay mới dây chuyền sản xuất hiện đại hơn, từ đó quay trở lại phục vụ phát triển sản xuất các mặt hàng phục vụ Quân đội, quốc phòng, đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước".

Từ thực tế về năng lực sản xuất của ngành CNQP nước ta hiện nay có thể khẳng định, chất lượng sản phẩm quốc phòng được nâng cao, bảo đảm an toàn trong huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu, tạo được niềm tin cho bộ đội. Số lượng, chủng loại, chất lượng và tiến độ sửa chữa vũ khí trang bị kỹ thuật ngày càng tốt hơn. Bên cạnh đó, phát huy hiệu quả lưỡng dụng dây chuyền quốc phòng, ngành CNQP đã đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh nhiều sản phẩm dân dụng có sức cạnh tranh lớn, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế, mở ra triển vọng mới cho DN. Ở tầm vĩ mô, các sản phẩm kinh tế phát triển trên dây chuyền lưỡng dụng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần khẳng định chủ trương đúng đắn kết hợp giữa quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng trong thực hiện nhiệm vụ của các DNQĐ.

 (còn nữa)

HOÀNG GIA - HƯNG DUNG