Doanh nghiệp thuỷ sản thắng đậm nhờ cá tra

Hàng loạt doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản báo lãi lớn trong quý I/2022 nhờ hưởng lợi từ việc mặt hàng cá tra tăng giá lên vùng đỉnh lịch sử.

Số liệu thống kê từ Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, quý đầu năm xuất khẩu thủy sản của cả nước đã mang về trên 2,5 tỷ USD, tăng gần 46% so với quý I/2021. Trong đó, cá tra chiếm 26% với 654 triệu USD.

Theo VASEP, vượt qua thách thức, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam tận dụng cơ hội nhu cầu nhập khẩu của các thị trường tăng cao. Ngoài ra, giá trung bình xuất khẩu thủy sản sang các thị trường tăng, có thể được coi là yếu tố chính giúp cho kim ngạch xuẩt khẩu thủy sản trong 3 tháng đầu năm nay đạt mức cao nhất của quý I các năm. Trong đó giá cá tra xuất khẩu sang các thị trường chính tăng từ 40-70%, giá xuất khẩu các sản phẩm khác cũng tăng đáng kể so với cùng kỳ năm 2021.

VASEP cũng dự báo xuất khẩu cá tra trong quý II/2022 có thể tăng trên 50% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó tháng 4, xuất khẩu thủy sản Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khả quan với kim ngạch đạt khoảng trên 930 triệu USD, tăng 25% so với cùng kỳ.

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, xuất khẩu cá tra sẽ ghi nhận mức phục hồi mạnh trong năm nay do nhu cầu cá thịt trắng toàn cầu tăng, đặc biệt sau sự thiếu hụt từ Nga. Giá bán cao sẽ duy trì ít nhất đến hết quý II do giá nguyên liệu tăng. Ngoài ra, thủy sản đánh bắt giảm do giá dầu tăng, đẩy tiêu thụ cá tra tăng. Theo đó, VDSC kỳ vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp cá tra sẽ tăng mạnh ba chữ số trên mức nền thấp so với cùng kỳ trong nửa đầu năm nay.

Hồ sơ doanh nghiệp - Doanh nghiệp thuỷ sản thắng đậm nhờ cá tra

Cá tra được kỳ vọng sẽ là sản phẩm thay thế cho cá minh thái tại thị trường Mỹ, EU.

Phân tích thêm về thị trường xuất khẩu, Chứng khoán Mirea Asset (MASVN) nhận định, cá tra Việt Nam sẽ hưởng lợi trực tiếp từ việc Nga bị cấm vận. Cá minh thái là loại cá thịt trắng cạnh tranh trực tiếp với cá tra Việt Nam trên thị trường thế giới, hàng năm Nga xuất khẩu khoảng 400 triệu USD cá này. Do đó, khi Nga bị cấm vận bởi Mỹ và các quốc gia Tây Âu sẽ là cơ hội lớn cho cá tra Việt Nam.

Tuy nhiên, MASVN lưu ý rằng ngành này sẽ phải đối mặt với thách thức giá thức ăn thủy sản tăng. Thực tế trên thị trường, giá các mặt hàng trên đã khởi động đà tăng từ giữa tháng 3 đến đầu tháng 4. Trong đó, C.P Việt Nam đã tăng 400 đồng/kg đối với nhiều nhãn thức ăn chăn nuôi cá. Ausfeed Bình Định cũng điều chỉnh giá thức ăn thủy sản lên 300-400 đồng/kg. Thức ăn cho tôm thẻ gần đây cũng tăng đến 2.000 đồng/kg.

Theo Chứng khoán An Bình (ABS), ngoài khó khăn về giá thức ăn cho tôm và cá, các doanh nghiệp còn phải tính thêm kịch bản khi chi phí logistics tăng, giá dầu tăng làm nâng chi phí vận chuyển. Bên cạnh đó, ngành còn chịu áp lực cạnh tranh từ các nước xuất khẩu khác như Ấn Độ, Ecuador, Indonesia...

Nhìn lại bức tranh tài chính của các doanh nghiệp thủy sản có "máu mặt" trên thị trường, có thể thấy những doanh nghiệp lớn trong quý đầu năm đã xuất hiện nhiều dấu hiệu hồi phục hậu Covid-19 với kết quả quả kinh doanh tăng trưởng vượt bậc so với cùng kỳ nhờ hưởng lợi trực tiếp từ diễn biến tích cực của mặt hàng cá tra.

CTCP Vĩnh Hoàn (MCK: VHC) công bố Báo cáo tài chính quý I/2022 với doanh thu đạt 3.267,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 553,3 tỷ đồng, lần lượt tăng 82,7% và 320,4% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, doanh thu bán thành phẩm chiếm 71%, bán hàng hóa chiếm 14%, bán phụ phẩm chiếm 13%, còn lại đến từ cung cấp dịch vụ và bán nguyên vật liệu. Từ đó, biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp cải thiện từ 15,2% lên 23,8%.

Doanh nghiệp cho biết, sản lượng và giá bán thời gian này đều tăng mạnh, trong bối cảnh hầu hết các thị trường xuất khẩu hồi phục, đặc biệt là Mỹ và EU.

Năm 2022, VHC đặt mục tiêu doanh thu thuần 13.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.500 tỷ đồng, lần lượt tăng 44% và 36% so với thực hiện năm trước, cũng là kế hoạch cao nhất từ khi niêm yết của doanh nghiệp.

Với kết quả đạt được sau quý I, trùm cá tra Việt Nam đã thực hiện được 24,6% kế hoạch doanh thu năm và 34,5% mục tiêu lợi nhuận cả năm đề ra.

Tổng tài sản của VHC đến ngày 31/3 ghi nhận gần 10.283 tỷ đồng, tăng 18% so với hồi đầu năm. Giá trị hàng tồn kho của doanh nghiệp đã mở rộng thêm 34% so với đầu năm lên 2.428 tỷ đồng, chiếm gần 25% tổng tài sản.

Bên cạnh 1.125 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn ngắn hạn, VHC còn đầu tư 145 tỷ đồng để kinh doanh chứng khoán, tăng 65 tỷ đồng so với đầu năm.

Mặc dù chi phí vận chuyển, chi phí cước tàu ở mức cao nhưng nhờ sản lượng và giá bán tăng mạnh đã giúp cho lãi ròng quý I/2022 của CTCP Nam Việt (MCK: ANV) tăng đột biến lên gần 207 tỷ đồng, cao gấp 3 lần cùng kỳ.

Trong kỳ, doanh thu thuần của doanh nghiệp ghi nhận hơn 1.219 tỷ đồng, tăng 73% so với cùng kỳ do sản lượng và giá bán tăng. Trong đó doanh thu xuất khẩu chiếm 72% với gần 880 tỷ đồng còn lại 339 tỷ đồng là doanh thu nội địa. Biên lãi gộp của doanh nghiệp cá tra này cũng đã được cải thiện từ 20% lên 29%.

Kỳ này, chi phí bán hàng tăng mạnh lên hơn 97 tỷ đồng, gấp 2,3 lần cùng kỳ do chi phí cước tàu, chi phí vận chuyển tăng mạnh. Dù vậy, doanh nghiệp vẫn đem về hơn 200 tỷ đồng tiền lãi.

Tính đến ngày 31/3, tổng tài sản của Nam Việt ghi nhận gần 5.099 tỷ đồng, tăng hơn 211 tỷ đồng. Giá trị hàng tồn kho giảm nhẹ so với đầu năm, xuống còn hơn 1.698 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang, nguyên liệu, vật liệu và thành phẩm.

Đáng chú ý, các khoản phải thu ngắn hạn tăng mạnh 60%, lên gần 608 tỷ đồng. Trong đó, phải thu các khách hàng nước ngoài tăng 48% và khoản trả trước cho người bán là các nhà cung cấp trong nước gấp gần 8 lần.

Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia I.D.I (MCK: IDI) đã công bố BCTC quý I/2022 với lợi nhuận tăng cao tới 10 lần so với cùng kỳ.

Theo đó, doanh thu thuần của doanh nghiệp đạt 1.872 tỷ đồng, tăng 36,6% so với cùng kỳ. Trong đó chủ yếu ghi nhận mức tăng trưởng cao từ bán hàng hoá, thành phẩm cá tra, đạt tới 874,6 tỷ đồng tăng 85,7% so với quý I/2021.

Giá vốn hàng bán tăng ít hơn mức tăng của doanh thu nên lãi gộp ghi nhận đạt 304,5 tỷ đồng, cao gấp gần 3 lần so với cùng kỳ.

Dù chi phí bán hàng tăng mạnh từ 28,6 tỷ đồng lên 80,4 tỷ đồng nhưng doanh nghiệp vẫn đem về khoản lợi nhuận sau thuế đạt 201 tỷ đồng, tăng gấp 10 lần cùng kỳ năm trước.

Năm 2022, IDI đặt kế hoạch doanh thu cán mốc 8.300 tỷ đồng, tăng trưởng 45% và lợi nhuận sau thuế 900 tỷ đồng, cao gấp 6,3 lần so với năm 2021. Đây là mục tiêu kinh doanh cao nhất trong lịch sử hoạt động của công ty.

Như vậy, kết thúc quý I/2022 IDI đã hoàn thành được 22,6% mục tiêu về doanh thu và 22,3% mục tiêu về lợi nhuận.

Theo giải trình của IDI, nguyên nhân lợi nhuận tăng do công ty có được nguồn cung nguyên liệu giá tốt, giá cá xuất khẩu trên thị trường tăng cao và thu nhập khác tăng do công ty ký thêm hợp đồng dịch vụ cho thuê tài sản để đảm bảo sử dụng hiệu quả các hạng mục tài sản của công ty.

Tính đến ngày 31/3, tổng tài sản IDI ghi nhận hơn 7.919 tỷ đồng, tăng 5% so với hồi đầu năm. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn hơn 3.006 tỷ đồng, tăng 13%.

Hàng tồn kho cũng tăng 8%, lên hơn 1.384 tỷ đồng. Trong đó, thành phẩm chiếm 70%, hàng hóa chiếm 23% tổng giá trị hàng tồn kho.

CTCP Xuất nhập khẩu Thuỷ sản Cửu Long An Giang (MCK: ACL) cũng đã công bố BCTC hợp nhất quý I/2022 với lợi nhuận tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ.

Cụ thể, doanh thu thuần của doanh nghiệp ghi nhận đạt 315,3 tỷ đồng, đi ngang so với con số hơn 322 tỷ đồng đạt được quý I/2021. Tuy vậy chi phí vốn giảm sâu đến 25,6%, dẫn tới lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt hơn gấp 3 cùng kỳ, lên 110 tỷ đồng.

Trong kỳ, chi phí tài chính của doanh nghiệp ghi nhận giảm 26%. Ngược lại, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng vọt lên hơn 21 tỷ đồng (gấp 2,7 lần) và gần 13 tỷ đồng (gấp 3 lần), chủ yếu do tăng chi phí vận chuyển, chi phí nhân viên và dự phòng phải thu khó đòi

Sau khi khấu trừ đi mọi chi phí, doanh nghiệp cá tra này thu về gần 63 tỷ đồng, gấp 5,7 lần cùng kỳ.

Trong năm 2022, ACL đặt kế hoạch doanh thu thuần là 1.450 tỷ đồng (tăng 20%) và lãi trước thuế là 200 tỷ đồng (gấp 4 lần năm trước). ACL cho biết trong năm nay, Công ty vẫn theo định hướng tập trung nguồn lực vào nuôi trồng và chế biến cá tra xuất khẩu, không đầu tư ngoài ngành.

So với kế hoạch đề ra, đơn vị đã thực hiện được 22% mục tiêu doanh thu và 35% mục tiêu lãi trước thuế 2022.

Tính đến ngày 31/3, tổng tài sản doanh nghiệp ghi nhận hơn 1.485 tỷ đồng, gần như đi ngang so với hồi đầu năm. Hàng tồn kho tăng 4%, lên hơn 889 tỷ đồng. Trong đó, thành phẩm chiếm 75%, chi phí sản xuất kinh doanh dở dang chiếm 18%.

Nợ phải trả tại thời điểm cuối tháng 3/2022 ghi nhận giảm 5%, xuống còn 716 tỷ đồng, chủ yếu là nợ vay ngắn hạn.

Lượt xem: 163
Tác giả: Nguyễn Thị Hồng Nhung
Nguồn:nguoiduatin.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.