Dow Jones rơi vào thị trường gấu, S&P 500 chạm mực thấp nhất trong năm

Thị trường chứng khoán đã bị đè nặng bởi lo ngại về lạm phát cao dai dẳng và nguy cơ các ngân hàng trung ương có thể đẩy các nền kinh tế vào suy thoái.

Dow Jones trở thành chỉ số cuối cùng trong số các chỉ số chính ở Phố Wall rơi vào thị trường con gấu 26/9 khi thị trường ngày càng giảm sâu trong bối cảnh lo ngại về suy thoái toàn cầu ngày càng tăng.

Chỉ số S&P 500 giảm 1,03% xuống 3.655,04, xuống dưới mức thấp nhất hồi tháng 6 là 3.666,77. Tại một thời điểm trong ngày, chỉ số này giảm xuống 3.644,76, thấp hơn gần 8 điểm so với mức đáy năm 2022 là 3.636,87.

Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones lao dốc trong những giây phút cuối cùng của phiên giao dịch, giảm 329,60 điểm (1,11%), xuống 29.260,81. Chỉ số này giảm khoảng 20,4% so với mức cao nhất mọi thời đại được thiết lập vào ngày 4/1. Mức giảm 20% trở lên so với mức đỉnh được Phố Wall gọi là thị trường con gấu.

Chỉ số Nasdaq Composite giảm 0,6% xuống 10.802,92.

Đợt bán tháo đầu tuần diễn ra trong bối cảnh các chỉ số chính tiếp tục sụt giảm mạnh. Điểm chuẩn S&P 500 đã giảm hơn 7% trong tháng 9.

Thị trường chứng khoán đã bị đè nặng bởi lo ngại về lạm phát cao dai dẳng và nguy cơ các ngân hàng trung ương có thể đẩy các nền kinh tế vào suy thoái khi họ cố gắng hạ nhiệt giá cả mọi thứ, từ thực phẩm đến quần áo. Các nhà đầu tư đặc biệt chú ý đến các động thái của Cục Dự trữ Liên bang và các đợt tăng lãi suất tích cực của họ.

Xu hướng thị trường - Dow Jones rơi vào thị trường gấu, S&P 500 chạm mực thấp nhất trong năm

Cổ phiếu Dow Jones rơi vào thị trường con gấu ngày 27/9. Ảnh: WSJ

Fed đã tăng lãi suất cho vay cơ bản một lần nữa vào ngày 21/9 lên mức 3%-3,25%. Hồi đầu năm, lãi suất chỉ ở mức gần bằng 0. Fed cũng đưa ra một dự báo cho thấy lãi suất cho vay họ có thể sẽ tăng lên 4,4% vào cuối năm, cao hơn 1% so với dự kiến vào tháng 6.

Mục tiêu của Fed là làm cho việc đi vay đắt hơn và làm giảm chi tiêu một cách hiệu quả nhằm giảm lạm phát. Tuy nhiên, nền kinh tế Mỹ đang chậm lại, và Phố Wall lo ngại rằng việc Fed tăng lãi suất sẽ tạo ra lực hãm quá mạnh cho nền kinh tế và gây ra suy thoái. Lãi suất cao hơn làm ảnh hưởng đến tất cả các loại đầu tư, đặc biệt là đầu tư vào các cổ phiếu công nghệ đắt đỏ.

Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 2 năm, có xu hướng lên xuống theo kỳ vọng về hành động của Fed, đã tăng đáng kể từ 4,21% vào cuối ngày thứ 6 lên 4,32%, mức cao nhất kể từ năm 2007. Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm, vốn ảnh hưởng đến lãi suất thế chấp, đã tăng từ 3,69% lên 3,89%.

Đồng bảng Anh đã giảm xuống mức thấp kỷ lục so với đồng USD, có thời điểm giảm 4% xuống 1,0382 USD, mức thấp nhất mọi thời đại. Đồng bảng Anh kể thoát ra khỏi vùng thấp nhất do suy đoán rằng Ngân hàng Trung ương Anh có thể phải tăng lãi suất mạnh hơn để giảm lạm phát.

Các nhà đầu tư tiếp tục bán phá giá trái phiếu chính phủ Anh vì bất bình trước kế hoạch cắt giảm thuế sâu rộng được công bố tại London vào tuần trước.

Chiến dịch tăng lãi suất tích cực của Fed, cùng với việc cắt giảm thuế của Vương quốc Anh được công bố vào tuần trước đã khiến đồng USD tăng giá. Đồng Euro chạm mức thấp nhất so với đồng USD kể từ năm 2002. Đồng bạc xanh tăng giá có thể làm tổn hại đến lợi nhuận của các công ty đa quốc gia của Mỹ và tàn phá thương mại toàn cầu vì phần lớn các giao dịch đều sử dụng đầu tiền này.

Các thị trường ở châu Âu hầu hết đóng cửa ở mức thấp hơn. Người đứng đầu Ngân hàng trung ương châu Âu cảnh báo rằng triển vọng kinh tế “đang tối dần” khi giá năng lượng và thực phẩm tăng cao do cuộc xung đột ở Ukraine làm suy yếu sức chi tiêu của người tiêu dùng. Pháp, nền kinh tế lớn thứ hai của EU, dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại đáng kể trong năm tới.

Các chỉ số khác

Giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ kết thúc phiên giao dịch ở mức 76,71 USD/thùng giảm 2,58%. Đây là mức thanh toán thấp nhất của mặt hàng này kể từ ngày 3/1.

Giá dầu thô Brent chuẩn toàn cầu giảm 2,43% xuống 86,06 USD/thùng. Trước đó, dầu Brent giao dịch ở mức thấp nhất là  83,81 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 13/1.

Giá dầu thô WTI giao tháng 11 giảm 2,03 USD xuống 76,71 USD/thùng. Dầu Brent giao tháng 11 giảm 2,09 USD xuống 84,06 USD/thùng.

Giá xăng bán buôn giao tháng 10 không đổi ở mức 2,38 USD/gallon. Giá dầu sưởi tháng 10 giảm 11 cent xuống 3,13 USD/gallon. Giá khí đốt tháng 10 tăng 7 cent lên 6,90 USD / 1.000 feet khối.

Giá vàng giao tháng 12 giảm 22,20 USD xuống 1.633,40 USD/ounce. Bạc giao tháng 12 giảm 43 cent xuống 18,48 USD/ounce và đồng giao tháng 12 giảm 5 cent xuống 3,29 USD/pound.

Đồng USD đã tăng từ 143,40 Yên/USD lên 144,72 Yên/USD. Đồng Euro giảm xuống 96,12 cent/USD từ 96,75 cent/USD.

Nguyễn Tuyết (Theo AP, CNBC)

Lượt xem: 26
Nguồn:nguoiduatin.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.