Dược phẩm FPT Long Châu sắp tăng vốn 5 lần sau 4 năm thành lập

Dược phẩm FPT Long Châu sẽ tiếp tục nhận về 225 tỷ đồng từ Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, HoSE: FRT) thông qua việc mua 22,5 triệu cổ phiếu.

Tính tới ngày 30/9, FRT đang nắm 85,07% cổ phần của Long Châu, với số vốn thực góp là 225 tỷ đồng. Theo văn bản mới công bố, FRT dự tính rót thêm 225 tỷ đồng nữa vào chuỗi nhà thuốc này theo hình thức mua 22,5 triệu cp, với giá 10.000 đồng/cp.

Tổng số vốn góp của FRT tại Long Châu sau khi góp thêm vốn là 450 tỷ đồng, tương ứng 89,83% vốn điều lệ. Bà Nguyễn Bạch Điệp - Chủ tịch HĐQT FRT - được ủy quyền để thực hiện các thủ tục cần thiết cho việc góp vốn này.

Sau tăng vốn, quy mô vốn điều lệ của Dược phẩm FPT Long Châu dự kiến tăng lên 500 tỷ đồng, tức gấp 5 lần thời điểm thành lập (100 tỷ đồng). 

Long Châu đóng góp 30% doanh thu của FRT 

Về tình hình kinh doanh, doanh thu quý III của FRT đạt 7.709 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ. Trong quý, Công ty lãi ròng hơn 85 tỷ đồng, tăng 78% so với cùng kỳ. 

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, FRT ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 21.708 tỷ đồng, tăng trưởng 55% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế đạt 369 tỷ đồng, gấp 2,7 lần 9 tháng năm 2021. Như vậy, FRT đã hoàn thành 80% kế hoạch doanh thu và 51% kế hoạch lợi nhuận trước thuế của năm.

Trong đó, chuỗi nhà thuốc Long Châu đóng góp khoảng 30% vào doanh thu hợp nhất của Công ty.  Theo đó, Long Châu đạt doanh thu 6.560 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, tăng 162% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ mở mới 492 cửa hàng. Thời điểm cuối tháng 9, Long Châu đang sở hữu 800 nhà thuốc trên cả nước, mở mới 400 điểm bán so với đầu năm, hoàn thành kế hoạch mở mới của cả năm.

 

Đóng góp doanh thu của Long Châu và FPT trong FRT. Ảnh: FRT 

Về tình hình quý IV, FRT cho rằng nền kinh tế cũng như thị trường tài chính đang bước vào giai đoạn “mùa đông”, mang đến nhiều rủi ro khó lường từ lạm phát, lãi suất, cho đến biến động tỷ giá. Điều này dẫn đến dự đoán gia tăng về chi phí, làm giảm sức mua.

Nợ phải trả FRT chiếm 80% cơ cấu vốn

Tính đến cuối tháng 9, tổng tài sản của FRT giảm hơn 800 tỷ đồng, tương đương 8% so với thời điểm đầu năm, đạt 9.926 tỷ đồng. Trong đó, tổng tiền mặt và tiền gửi các kỳ hạn của doanh nghiệp đạt 2.312 tỷ đồng, tương đương 23% tổng tài sản; bao gồm: 407,5 tỷ đồng tiền mặt, 458 triệu đồng tương đương tiền (tiền gửi có kỳ hạn gốc dưới 3 tháng tại các NHTM) và 1.904 tỷ đồng đầu tư tài chính nắm giữ đến ngày đáo hạn (tiền gửi có kỳ hạn gốc từ trên 3 tháng đến 12 tháng). Hàng tồn kho còn 5.458 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm. 

Nợ phải trả của công ty gần 8.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 80% cơ cấu vốn. Trong đó vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn 4.900 tỷ đồng, phải trả người bán ngắn hạn 2.243 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tính đến 30/9 là 1.941 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ hơn 4 lần.

 

Về tình hình lưu chuyển tiền tệ, dòng tiền kinh doanh của FRT đến cuối quý III âm 959 tỷ đồng, tăng thêm 387 tỷ đồng cùng kỳ 2021. Bù lại, dòng tiền đầu tư ghi nhận dương 1.447 tỷ đồng, do công ty thu hồi cho vay, bán lại các công cụ nợ của đơn vị khác tới 8.341 tỷ đồng. Dòng tiền tài chính hiện âm 1.186 tỷ đồng, chủ yếu để trả nợ gốc vay và cổ tức, lợi nhuận cho chủ sở hữu. 

 

Lượt xem: 81
Nguồn:doanhnhanvn.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.