FE Credit mất ngôi quán quân lợi nhuận nhóm tài chính tiêu dùng
FE Credit, công ty tài chính có thị phần lớn nhất, đánh mất vị trí quán quân với hơn 600 tỷ lợi nhuận, trong khi HD Saison và MCredit lại có kết quả khả quan hơn trong năm 2021.
Năm 2021 là một năm khó khăn với mảng tài chính tiêu dùng, những "con gà đẻ trứng vàng" của các ngân hàng, đang phải gánh chịu tác động nặng nề từ đại dịch.
Theo báo cáo hoạt động mới được VPBank công bố, lãi trước thuế năm 2021 của Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân Hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) chỉ đạt 610 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 3.710 tỷ đồng của năm 2020 và 4.490 tỷ đồng năm 2019.
Con số lợi nhuận này đóng góp hơn 4% vào tổng lãi của ngân hàng mẹ VPBank.
FE Credit đã lãi trước thuế 1.200 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm nhưng lại lỗ khoảng 300 tỷ đồng trong quý III và lỗ khoảng 290 tỷ đồng trong quý IV.
Năm 2021, tổng thu nhập hoạt động của công ty đạt 15.330 tỷ đồng, giảm gần 12% so với cùng kỳ hai năm trước (17.420 tỷ đồng trong năm 2020 và 118.150 tỷ đồng năm 2019).
Phía ngân hàng mẹ cho biết phân khúc khách hàng phổ thông và cận phổ thông bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19 đã gây tác động tiêu cực đến kết quả kinh doanh của FE Credit và dẫn tới sự sụt giảm lợi nhuận của FE Credit.
Ngoài ra, FE Credit cũng đẩy mạnh việc cơ cấu nợ, giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng trong nửa cuối năm, một phần làm giảm lợi nhuận.
Doanh số giải ngân của công ty trong năm đạt 67.000 tỷ đồng, tính riêng quý IV là 35.000 tỷ đồng.
Cùng với đó, công ty duy trì được tỷ lệ an toàn vốn (CAR) ở mức 17,8%. Chi phí vốn trong năm cũng giảm xuống còn 7,1% so với mức 8,2% năm trước. Tỷ lệ chi phí hoạt động/doanh thu (CIR) ở 30,5%.
Hơn nữa, FE Credit vẫn là công ty có thị phần lớn nhất trên thị trường. Tính đến cuối năm 2021, số lượng khách hàng hoạt động của công ty là 5,9 triệu khách hàng trên tổng số 13 triệu khách hàng đã tiếp cận. Số lượng khách hàng thẻ là 600.000 người.
Do vậy, việc lợi nhuận sụt giảm khiến FE Credit mất đi vị trí quán quân lợi nhuận trong các công ty tài chính chỉ là tạm thời. Với sự tham gia của SMBC trong tương lai, FECredit được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ dòng vốn chi phí thấp từ SMBC qua đó gia tăng NIM và lợi nhuận.
Bên cạnh đó, kinh nghiệm và kiến thức chuyên sâu của tổ chức tài chính Top 3 Nhật Bản này cũng sẽ giúp FE Credit hưởng lợi khi cải thiện quy trình quản trị rủi ro và phát triển sản phẩm mới cũng như thâm nhập các thị trường giàu tiềm năng như Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Thái Lan, Chứng khoán MB nhận định.
Khác với FE Credit, lợi nhuận của HD Saison và MCredit có kết quả kinh doanh khả quan hơn trong năm nay.
Tại HD Saison, lợi nhuận trước thuế năm 2021 của công ty đạt 1.001 tỷ đồng, đi ngang so với năm 2020. Như vậy, riêng trong quý IV, lợi nhuận trước thuế của HD Saison đạt 206 tỷ đồng, giảm 8% so với con số cùng kỳ năm 2020 (224 tỷ đồng).
Tính đến cuối năm 2021, HD Saison tiếp tục là công ty tài chính có thị phần cho vay xe máy lớn nhất thị trường, đạt 34%.
Năm 2021, tín dụng của HD Saison ghi nhận sự sụt giảm đầu tiên kể từ năm 2016 với mức giảm 6% so với năm 2020, xuống còn 13.376 tỷ đồng. Song, tỷ lệ nợ xấu tăng vọt lên 7,3% sau khi giữ ở mức ổn định vào những năm trước đó.
Ở chiều hướng tích cực hơn, NIM của công ty đã được cải thiện lên mức 26,8%. Chi phí vốn giảm từ 7,4% hồi đầu năm xuống còn 5,9%. Tỷ lệ CIR giảm xuống còn 44% từ 50,6% tại thời điểm đầu năm. ROAE của công ty đạt 25,3% và ROAA đạt 5,8%.
Kết quả Hoạt động Kinh doanh của HD Saison. (Nguồn: HDBank).
Trong khi đó, tại MCredit, lợi nhuận trước thuế năm 2021 tăng tới 87%, đạt 601 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận trong quý III và quý IV lần lượt là 86 tỷ và 169 tỷ đồng. Doanh thu của công ty ghi nhận đạt 4.595 tỷ đồng trong năm 2021, tăng 21% so với năm 2020.