GDP quý I/2022 tăng 5,03%

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, tính chung quý I/2022, các hoạt động kinh tế của hầu hết các ngành, lĩnh vực có xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại.

Ngày 29/3, Tổng cục Thống kê tổ chức họp báo công bố tình hình kinh tế - xã hội quý I/2022. Tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Hương – Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, kinh tế xã hội 3 tháng đầu năm diễn ra trong bối cảnh thế giới vẫn duy trì đà phục hồi, các hoạt động được đẩy mạnh, chuỗi cung ứng toàn cầu bắt đầu được khơi thông.

Tuy nhiên, xung đột giữa Nga và Ukraine đã tạo ra một cuộc khủng hoảng, là một cú sốc ảnh hưởng nặng nề đến tăng trưởng toàn cầu. Giá các loại hàng hoá trên thị trường thế giới tăng cao, đặc biệt là giá dầu thô, khí đốt tự nhiên và khí tự nhiên hoá lỏng tăng mạnh nhất kể từ năm 2011, tạo áp lực lớn đến lạm phát toàn cầu.

GDP quý I/2022 tăng 5,03%

Theo bà Hương, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2022 ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 4,72% của quý I năm 2021 và 3,66% của quý I/2020 nhưng vẫn thấp hơn tốc độ tăng 6,85% của quý I/2019.

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,45%, đóng góp 5,76% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,38%, đóng góp 51,08%; khu vực dịch vụ tăng 4,58%, đóng góp 43,16%.

Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, năng suất lúa mùa vùng Đồng bằng sông Cửu Long tăng khá (tăng 7,4 tạ/ha) so với vụ mùa năm trước; ngành chăn nuôi đang dần phục hồi, sản lượng thịt hơi xuất chuồng quý I/2022 đều tăng so với cùng kỳ năm trước; chế biến và xuất khẩu tiêu thụ gỗ có nhiều tín hiệu tích cực; nuôi trồng thủy sản phát triển ổn định, giá cá tra, tôm nuôi trồng đang ở mức cao do nhu cầu xuất khẩu tăng mạnh.

Giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp quý I/2022 tăng 2,35% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,22 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 3,86% nhưng chiếm tỉ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,02 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 2,54%, đóng góp 0,05 điểm phần trăm.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp quý I/2022 tăng 7,07% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 6,44% của quý I/2021, đóng góp 2,42 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 7,79%, đóng góp 2,05 điểm phần trăm. Đáng chú ý, khu vực dịch vụ trong quý I/2022 tăng trưởng khởi sắc khi nhiều hoạt động dịch vụ sôi động trở lại.

Về cơ cấu nền kinh tế quý I/2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỉ trọng 10,94%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,97%; khu vực dịch vụ chiếm 41,70%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,39% (cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2021 là 11,61%; 36,61%; 42,38%; 9,40%).

Về sử dụng GDP quý I/2022, tiêu dùng cuối cùng tăng 4,28% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 3,22%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 5,08%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 4,20%.

Chỉ số tiêu dùng CPI tăng 0,7%

Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2022 tăng 0,7% so với tháng trước, tăng 1,91% so với tháng 12/2021 và tăng 2,41% so với cùng kỳ năm 2021. Lạm phát cơ bản tháng 3/2022 tăng 0,29% so với tháng trước, tăng 1,09% so với cùng kỳ năm trước.  

Tính chung quý I/2022, CPI tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 0,81%vso với bình quân cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 1,92%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, xăng, dầu và gas tăng.

Kinh tế vĩ mô - GDP quý I/2022 tăng 5,03%

Giá xăng dầu tăng cao là nguyên nhân chính khiến CPI tháng 3 và cả quý I/2022 tăng cao (Ảnh: Hữu Thắng).

Nói về nguyên nhân khiến CPI tháng 3/2022 và quý I/2022 tăng cao, bà Hương cho biết, do giá xăng dầu, giá gas tăng theo giá nhiên liệu thế giới, giá nhà ở thuê tăng trở lại sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát. Cùng với đó, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và giá xăng dầu tăng cao.

Đáng chú ý, giá vàng trong nước biến động theo giá vàng thế giới. Chỉ số giá vàng tháng 3/2022 tăng 4,51% so với tháng trước; tăng 9,36% so với cùng kỳ năm trước; bình quân quý I/2022, chỉ số giá vàng trong nước tăng 3,52%. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 3/2022 tăng 0,64% so với tháng trước; giảm 0,43% so với cùng kỳ năm trước; bình quân quý I/2022, chỉ số giá đô la Mỹ trong nước giảm 0,67%.

Tại cuộc họp, Tổng Cục trưởng Nguyễn Thị Hương đánh giá, bước sang quý II/2022, kinh tế - xã hội sẽ còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình chính trị thế giới phức tạp, khó lường, kinh tế thế giới phục hồi chậm lại, giá hàng hóa thiết yếu tăng cao, nguy cơ lạm phát cao trên toàn cầu.

“Kinh tế Việt Nam năm 2022 tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, việc đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% là thách thức lớn, cần sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân”, bà Hương nhấn mạnh.

Lượt xem: 269
Tác giả: Nguyễn Thu Huyền
Nguồn:nguoiduatin.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.