Giảm thuế VAT tiếp tục là đòn bẩy tài khóa kích cầu tiêu dùng nội địa

Chính phủ trình Quốc hội dự thảo nghị quyết tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8% đối với hầu hết hàng hóa, dịch vụ đến hết năm 2026.

Giảm thuế VAT tiếp tục là đòn bẩy tài khóa kích cầu tiêu dùng nội địa

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế VAT. Ảnh: Quochoi.vn

Sáng 13.5, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT).

Đây không chỉ là một đề xuất về tài khóa, mà còn là biện pháp quan trọng trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang cần một lực đẩy mạnh mẽ từ tiêu dùng nội địa.

Nhìn từ thực tiễn triển khai giai đoạn 2022-2024, việc giảm thuế VAT đã phát huy hiệu quả tích cực: hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó, góp phần kích cầu tiêu dùng, tạo việc làm và giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.

Nay khi nền kinh tế vẫn đang trên hành trình phục hồi, đề xuất tiếp tục kéo dài chính sách này là hợp lý.

Tuy nhiên, để thực sự tạo ra động lực phát triển thì chính sách này phải đi kèm hai yêu cầu then chốt: tính công bằng và hiệu quả thực thi.

Trên thực tế, danh sách các hàng hóa, dịch vụ không thuộc diện được giảm thuế vẫn còn quá dài, ít nhiều gây ra sự bất bình đẳng giữa các ngành nghề, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Viễn thông, ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản, kim loại, khai khoáng (trừ than)… tiếp tục nằm ngoài chính sách giảm thuế.

Trong đó có những nhóm hàng hóa, dịch vụ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất - kinh doanh hoặc chi tiêu cần thiết của người dân.

Hệ quả là chính sách giảm VAT khó chạm tới những lĩnh vực đang chịu áp lực chi phí cao hoặc cần kích thích sức mua.

Ví dụ, ngành viễn thông là hạ tầng số của nền kinh tế, các chi phí liên quan đến truyền dữ liệu, lưu trữ thông tin, nền tảng kết nối… nếu được giảm VAT sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa cho toàn bộ hệ thống doanh nghiệp.

Tương tự, người dân vẫn phải trả 10% VAT khi mua bảo hiểm y tế tự nguyện, sử dụng dịch vụ tài chính, hay mua nhà ở, là những khoản chi tiêu lớn và cần thiết.

Vì vậy, việc rà soát và thu hẹp danh sách loại trừ để mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách giảm thuế cần được xem xét một cách công tâm, khoa học, có căn cứ định lượng về khả năng bù đắp ngân sách.

Theo Ủy ban Kinh tế - Tài chính của Quốc hội, dự kiến mức giảm thu ngân sách hơn 120.000 tỷ đồng trong 18 tháng là con số không nhỏ, nhưng có thể chấp nhận nếu tính đến hiệu quả kích cầu, tạo việc làm, thúc đẩy sản xuất…, từ đó thu hút lại nguồn thu qua các sắc thuế khác.

Mặt khác, chính sách giảm VAT không thể chỉ dừng ở việc ban hành, mà phải đồng bộ về thực thi.

Nên cần đơn giản hóa thủ tục để doanh nghiệp dễ áp dụng, tăng cường hướng dẫn, thanh kiểm tra hợp lý để tránh lợi dụng chính sách trục lợi. Những trường hợp bán hàng không xuất hóa đơn, “lách thuế” để trục lợi từ chênh lệch thuế suất cần bị xử lý nghiêm minh.

Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang tái cơ cấu theo hướng nâng cao nội lực, kích cầu tiêu dùng nội địa là một “trụ cột” chiến lược.

Giảm thuế VAT, nếu đi đúng hướng, sẽ không chỉ là giải pháp ngắn hạn ứng phó với khó khăn mà còn là tiền đề để thiết lập một hệ thống chính sách thuế hiện đại, công bằng, vì sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.