Hà Nội: Đẩy mạnh phát triển OCOP phải gắn giữa số lượng và chất lượng sản phẩm

Cuối tuần qua, TP Hà Nội đã tổ chức Hội chợ Xúc tiến thương mại nông nghiệp, sản phẩm OCOP 2022 với mục tiêu xúc tiến tìm đầu ra cho các sản phẩm nông sản, sản phẩm chủ lực ra thị trường trong và ngoài nước.

Hội chợ đã tạo ra sân chơi giúp các hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ kinh doanh có cơ hội cọ xát với mục tiêu tới cuối năm 2022, Thủ đô Hà Nội phấn đấu có thêm ít nhất 400 sản phẩm của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được UBND thành phố công nhận đạt từ 3 sao trở lên với các đảm bảo về chất lượng và nguồn gốc xuất xứ.

Chính quyền và người dân đồng hành thực hiện OCOP

Để thực hiện Chương trình OCOP năm 2022, ngay từ đầu năm, Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội đã phối hợp với UBND các quận, huyện thị xã đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền. Từ đó nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của OCOP đến các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là những chủ thể sản xuất - kinh doanh.

Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến tham quan gian hàng sau lễ khai mạc Festival nông sản, sản phẩm OCOP gắn kết du lịch Hà Nội 2022.

Văn phòng Điều phối đã triển khai chương trình bồi dưỡng, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để thực hiện Chương trình OCOP từ thành phố đến cơ sở theo khung đào tạo tại Quyết định số 490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Dự kiến, đến hết năm 2022, sẽ có tổng số 120 lớp được tổ chức tại 30 quận, huyện, thị xã, dành cho các nhà quản lý tổ chức kinh tế (CEO), hợp tác xã, trang trại, hộ sản xuất - kinh doanh…

TP Hà Nội đã hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm OCOP được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, nhận diện và quảng bá thương hiệu. Trong năm 2021, chính sách hỗ trợ quản lý nhãn hiệu và in tem, nhãn sản phẩm OCOP được thực hiện rộng khắp. Công tác này đang được Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội tiếp tục triển khai trong năm 2022.

Cùng với Văn phòng Điều phối, các quận, huyện, thị xã cũng chủ động, tích cực hỗ trợ chủ thể phát triển sản phẩm OCOP. Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Tuấn Hà cho biết, năm 2022, địa phương bố trí 3 tỷ đồng hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện và nâng cấp sản phẩm. Ngoài chi phí phân tích chất lượng, in ấn tem, nhãn, huyện hỗ trợ chủ thể duy trì hệ thống thông tin điện tử sử dụng QR Code truy xuất nguồn gốc và xây dựng - quản lý nhãn hiệu…

Lũy kế từ năm 2019 đến nay, Hà Nội đã có 1.649 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng từ 3 sao trở lên. Trong số này có 4 sản phẩm 5 sao, 2 sản phẩm tiềm năng 5 sao đã được Trung ương đánh giá, 11 sản phẩm có tiềm năng 5 sao đang chờ xem xét, thẩm định hồ sơ. Bên cạnh đó là 1.098 sản phẩm 4 sao và 534 sản phẩm OCOP 3 sao.

Để thúc đẩy việc ứng dụng và thực hiện tiêu chuẩn OCOP trên các mặt hàng, sản phẩm ưu thế của Thủ đô, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh: "Trong giai đoạn 2021 - 2025, các sở ngành, địa phương cần tiếp tục quan tâm, chú trọng nâng cao chất lượng cho sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, tăng cường các hoạt động quảng bá, kết nối giao thương. Điều này không chỉ có ý nghĩa trong việc thúc đẩy tiêu thụ, tạo động lực phát triển cho Chương trình OCOP, mà còn giúp mang đến cho người tiêu dùng Thủ đô những sản phẩm vùng miền tốt nhất, cũng như mang đặc sản, hình ảnh của Hà Nội đến được với người dân trong nước và quốc tế…".

Thương hiệu phải gắn liền với chất lượng sản phẩm

Với sự hỗ trợ của thành phố, từ đầu năm 2022 đến nay, các chủ thể trên địa bàn 26 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội đã xây dựng kế hoạch hoàn thiện và đăng ký tổng số 488 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng trong Chương trình OCOP vào cuối năm. Trong số này có 301 mặt hàng thực phẩm, 129 sản phẩm thủ công mỹ nghệ, còn lại là sản phẩm thuộc nhóm ngành hàng đồ uống, thảo dược, vải và may mặc…

Phó chánh Thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, con số đăng ký của các địa phương hiện nay đang vượt 88 sản phẩm so với mục tiêu ban đầu là 400 sản phẩm mà thành phố đề ra. Đây là tín hiệu tích cực, cho thấy sức lan tỏa của OCOP, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề liên quan tới quản lý chất lượng sản phẩm.

Hội chợ Xúc tiến thương mại nông nghiệp, sản phẩm OCOP 2022. Ảnh: qdnd.vn 

“Năm 2021, TP Hà Nội đã thành lập đoàn liên ngành, tiến hành kiểm tra 41 chủ thể với 334 sản phẩm OCOP được chứng nhận từ 3 sao trở lên. Kết quả vẫn cho thấy một số vấn đề cần khắc phục…”, ông Nguyễn Văn Chí cho biết.

Theo lời Thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội, ngay từ những ngày đầu triển khai thực hiện Quyết định số 490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thành phố đã chủ trương “không chạy theo số lượng”. Do đó, việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP để trình UBND thành phố phê duyệt, công nhận thời gian tới vẫn sẽ được thực hiện chặt chẽ theo các tiêu chí đề ra.

Cùng với phát triển về số lượng sản phẩm OCOP, năm 2022, Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội sẽ tiếp tục tham mưu UBND thành phố thành lập đoàn kiểm tra đối với các chủ thể có sản phẩm đã được công nhận từ 3 sao trở lên; xây dựng kế hoạch để đánh giá, phân hạng lại sản phẩm OCOP sau 36 tháng theo đúng quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Chính sách hỗ trợ OCOP cần sớm hoàn thiện

Thành công bước đầu của Chương trình OCOP tại Hà Nội là rất đáng khích lệ, nhưng theo ông Nguyễn Văn Chí, việc thực hiện chương trình vẫn có nhiều khó khăn, vướng mắc.

Các hình thức tổ chức sản xuất hiện nay, nhất là ở khu vực nông thôn trên địa bàn TP Hà Nội còn nhỏ lẻ, manh mún. Chất lượng sản phẩm không đồng đều. Nhiều chủ thể sản xuất ít quan tâm đến việc cải tiến, nâng cấp bao bì, nhãn mác khiến sức hấp dẫn của các sản phẩm chưa cao…

Đặc biệt, Chính phủ và TP Hà Nội vẫn chưa có hệ thống chính sách hỗ trợ hoàn chỉnh để phát triển OCOP. Cụ thể, Chính phủ chưa có quy định về mức hỗ trợ trực tiếp cho chủ thể có sản phẩm OCOP được cấp sao khiến nhiều tỉnh, thành phố (bao gồm cả Hà Nội) không thực hiện được cơ chế này. Định mức chi đối với đơn vị tư vấn cho các chủ thể tham gia, thành viên hội đồng thẩm định, đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP từ cơ sở đến cấp tỉnh, thành phố cũng chưa được các cấp có thẩm quyền ban hành…

Để thúc đẩy phát triển chương trình OCOP cần tạo điều kiện thông thoáng về cơ chế và chính sách.

Để việc tổ chức thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025 đạt hiệu quả mong đợi, TP Hà Nội kiến nghị Chính phủ sớm ban hành chính sách đồng bộ thực hiện Chương trình theo hướng hỗ trợ đầu tư, nâng cấp chất lượng sản phẩm; quy định rõ mức thưởng, mức chi cho các nhóm đối tượng tham gia nhằm động viên, khích lệ, tạo điều kiện cho các chủ thể, tập thể, cá nhân tích cực đóng góp cho sự phát triển của chương trình OCOP.

Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội cũng đề nghị Bộ Công Thương sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc hỗ trợ các điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP từ ngân sách Trung ương và địa phương; ban hành bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP phù hợp vơi thực tiễn từng địa phương, trong đó có TP Hà Nội.

Bài, ảnh: TUẤN SƠN

Tags: qdnd
Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.