Hải Phòng: Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào du lịch nông thôn
Chính quyền Tp.Hải Phòng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, phát triển nông thôn, OCOP, du lịch nông thôn.
Ngày 17/10, theo thông tin từ UBND Tp.Hải Phòng, địa phương mới ban hành Kế hoạch số 262/KH-UBND về xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn.
Theo đó, UBND Tp.Hải Phòng yêu cầu các sở, ngành, địa phương kiểm tra, rà soát, trên cơ sở đó tham mưu thành phố ban hành cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cũng như cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh giúp doanh nghiệp đang đầu tư vào nông nghiệp.
Bên cạnh đó, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, phát triển nông thôn, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), du lịch nông thôn…. phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội Tp.Hải Phòng giai đoạn 2023-2025.
Trên cơ sở thực tế và báo cáo, đề xuất của các sở, ngành liên quan, địa phương, chính quyền Tp.Hải Phòng xem xét, dành khoản đầu tư bảo tồn và phát triển các làng nghề, nhất là các làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch nông nghiệp tại các quận, huyện.
Tại Kế hoạch số 262/KH-UBND, UBND Tp.Hải Phòng yêu cầu ngành Nông nghiệp, chính quyền các quận, huyện xây dựng hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn và danh mục dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư giai đoạn 2023-2025, ưu tiên các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, du lịch nông thôn.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 4, UBND Tp.Hải Phòng đã trình HĐND thành phố khóa XVI thông qua Nghị quyết về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, thủy sản hàng hóa tập trung trên địa bàn.
Tp.Hải Phòng sẽ dành hơn 102 tỷ đồng mỗi năm hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp, thủy sản. Trong đó, hỗ trợ một lần 100% kinh phí đánh giá chứng nhận đạt cơ sở áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ, chăn nuôi an toàn dịch bệnh (không quá 45 triệu đồng/cơ sở).
Đồng thời, xem xét hỗ trợ hằng năm 300 đồng cho mỗi tem truy xuất nguồn gốc bằng mã QR Code (QR) gắn trên một đơn vị sản phẩm nông nghiệp, thủy sản. Thời gian hỗ trợ không quá 3 năm, số lượng tem được hỗ trợ phù hợp với quy mô sản xuất, kinh doanh với mức hỗ trợ không quá 30 triệu đồng/cơ sở/năm.