Hãng bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc Evergrande phá sản

Ngày 17/8, China Evergrande Group, từng là hãng bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc, nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ.

17/8 vừa qua, tập đoàn Evergrande nộp đơn theo Chương 15, Luật Bảo hộ Phá sản Mỹ. Động thái này sẽ cho phép một tòa án phá sản tại Mỹ vào cuộc khi có trường hợp mất khả năng thanh toán liên quan đến một quốc gia khác.

   China Evergrande Group nộp đơn xin phá sản từ ngày 17/8 

Chương 15 khuyến khích sự hợp tác giữa các tòa án Mỹ, các chủ nợ và tòa án các nước liên quan đến quy trình phá sản. Evergrande, cũng như các hãng bất động sản Trung Quốc khác, rơi vào khủng hoảng từ giữa năm 2021.

Chính sách "ba lằn ranh đỏ" của Bắc Kinh, được tung ra nhằm giảm rủi ro hệ thống bằng cách hạn chế khả năng vay mới của các công ty bất động sản. Chính sách "ba lằn ranh đỏ" cụ thể là: Tỷ lệ nợ phải trả trên tài sản dưới 70%;  Tỷ lệ nợ ròng trên vốn chủ sở hữu dưới 100%;  Tiền mặt phải lớn hơn hoặc bằng với nợ ngắn hạn. Các công ty không đáp ứng được những yêu cầu này sẽ phải đối mặt với những hạn chế trong việc vay vốn từ ngân hàng. Chính sách này đã khiến tập đoàn Evergrande thiệt hại nặng nhất, do lạm dụng đòn bẩy tài chính để phát triển dự án và kinh doanh đa ngành. Tổng nợ của hãng này hiện vào khoảng 2.437 tỷ nhân dân tệ (340 tỷ USD). Con số này tương đương 2% GDP Trung Quốc. 

Trong năm 2021, Evergrande lỗ 476 tỷ NDT (66,36 tỷ USD) và năm 2022 là 105,9 tỷ NDT (14,76 tỷ USD). Công ty cho biết phần lớn tổn thất đến từ chi phí trả lại đất đai, ghi giảm tài sản, tổn thất tài sản tài chính và chi phí tài chính.

Vào năm ngoái, tổng nợ phải trả của Evergrande lên tới 2.400 tỷ NDT, tăng 23% so với năm 2020, trong khi tổng tài sản trị giá 1.800 tỷ NDT, giảm 20%. Cùng năm, doanh thu của Evergrande giảm 55% so với năm 2020, xuống còn 230,1 tỷ NDT.

Từ đầu năm đến nay, Evergrande  nỗ lực thực hiện kế hoạch tái cấu trúc nợ ở nước ngoài. Hồi tháng 4, họ cho biết vẫn chưa đạt tỷ lệ đồng thuận cần thiết trong nhóm chủ nợ để bắt đầu kế hoạch này. 77% nhà đầu tư nắm trái phiếu hạng A đã thông qua. Trong khi đó, chỉ 30% trái chủ hạng C đồng ý. Công ty này cần ít nhất 75% trái chủ của mỗi nhóm đồng ý, để thực hiện một trong những vụ tái cấu trúc lớn nhất tại Trung Quốc tính đến nay.

 Sự kiện Evergrande là hệ quả từ quá trình tăng trưởng nóng kéo dài của thị trường bất động sản và trái phiếu Trung Quốc, cùng với mô hình đặc trưng “xoay vòng nợ phải trả” của các doanh nghiệp bất động sản trong giai đoạn kinh tế tăng trưởng nóng. 

Lượt xem: 4
Nguồn:doanhnhanvn.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.