Hàng loạt công ty dầu khí trên thế giới cam kết cắt giảm khí thải
Theo thông báo của Chủ tịch Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28), đến nay đã có hơn 20 công ty dầu khí trên toàn cầu hưởng ứng lời kêu gọi cắt giảm khí thải để ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu.
Reuters đưa tin, phát biểu tại một cuộc họp của ngành dầu khí diễn ra tại thủ đô Abu Dhabi của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) ngày 2-10, ông Sultan al-Jaber, Giám đốc điều hành Công ty Dầu khí quốc gia Abu Dhabi (ADNOC) của UAE kiêm Chủ tịch COP28, cho biết đến nay đã có hơn 20 công ty dầu khí hưởng ứng tích cực lời kêu gọi hướng tới mục tiêu đến năm 2050 đạt mức phát thải ròng bằng 0 và đạt lượng methane phát thải gần bằng 0 vào năm 2030.
Hạn hán và thiếu nước do biến đổi khí hậu tại khu vực Sừng châu Phi. Ảnh: UPI |
Ông Sultan al-Jaber cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của ngành dầu khí đối với việc giải quyết các thách thức liên quan tới an ninh năng lượng toàn cầu hiện nay, trong đó có việc mở rộng quy mô của lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Cuộc họp tại thủ đô Abu Dhabi do Chủ tịch COP28 triệu tập, với sự tham dự của những người đứng đầu hơn 50 doanh nghiệp gồm các công ty dầu khí, nhôm, thép và xi măng. Mục đích của cuộc họp là đưa ra một cam kết mạnh mẽ trong cắt giảm lượng khí thải carbon trước thềm COP28, dự kiến diễn ra tại Dubai từ ngày 30-11 đến 12-12 tới. Tại cuộc họp này, ông Sultan al-Jaber kêu gọi các công ty dầu khí đóng vai trò trung tâm trong các giải pháp chống biến đổi khí hậu, ngay cả khi ngành này tăng sản lượng khai thác khi giá dầu tăng cao.
Trong bối cảnh COP28 sắp diễn ra, các quốc gia vẫn trong tình trạng chia rẽ về quan điểm. Trong đó, một bên yêu cầu có một thỏa thuận để loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch làm nóng hành tinh và một bên nhất quyết đòi duy trì vai trò của than, dầu và khí đốt tự nhiên. Chính vì vậy, Reuters cho rằng hội nghị sắp tới được coi là cơ hội để chính phủ các nước nhanh chóng đưa ra hành động nhằm kiềm chế tình trạng nóng lên toàn cầu, đặc biệt khi các báo cáo gần đây cho thấy nhiều quốc gia đã chệch hướng trong việc thực hiện các cam kết về giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu không quá 1,5 độ C.
Trước đây, ông Sultan al-Jaber từng có lần kêu gọi thế giới giảm lượng khí thải để có thể đạt mục tiêu giữ cho mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu không quá 1,5 độ C.
Theo dự báo của Bộ trưởng Năng lượng Tây Ban Nha Teresa Ribera, các cuộc đàm phán tại COP28 ở Dubai có thể sẽ gặp nhiều thử thách và chông gai.
Chủ tịch COP28 Sultan al-Jaber gần đây thì cảnh báo rằng, thế giới đang chậm chân trong cuộc đua đạt được các mục tiêu về chống biến đổi khí hậu. Chẳng hạn như với châu Phi, dù đang phải hứng chịu một số tác động nghiêm trọng của tình trạng biến đổi khí hậu, nhưng lục địa này mới chỉ nhận được khoảng 12% số tiền cần thiết để đối phó với các thiên tai. Bởi vậy, ông Sultan al-Jaber kêu gọi cần có sự thay đổi trong cơ cấu hỗ trợ tài chính trên quy mô toàn cầu.
Có thông tin cho rằng, dự kiến tại COP28, lãnh đạo các quốc gia châu Phi có kế hoạch thúc đẩy việc mở rộng quyền rút vốn đặc biệt tại Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để có thể tiếp cận nguồn ngân sách cho khí hậu trị giá lên tới 500 tỷ USD.