Kéo giảm phí logistics để tăng sức cạnh tranh cho nông sản
Nông sản là một trong những ngành hàng quan trọng, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước. Song có thực tế, dù không thua kém về chất lượng nhưng chi phí logistics quá cao, phụ thuộc lớn vào các hãng vận chuyển nước ngoài khiến nông sản Việt Nam giảm sức cạnh tranh khi xuất khẩu ra thế giới. Kéo giảm chi phí logistics sẽ là động lực đưa nông sản Việt Nam vươn xa.
Logistics cho nông sản: Thiếu và yếu
Logistics trong nông nghiệp là một chuỗi hoạt động gồm thu hoạch, sơ chế, bảo quản, đóng gói, kho bãi, làm thủ tục hải quan, vận chuyển hàng hóa... với mục đích chuyển sản phẩm nông nghiệp từ vùng nguyên liệu đến người tiêu dùng một cách nhanh nhất. Tuy nhiên, logistics cho nông sản của nước ta được đánh giá là thiếu và yếu, làm ảnh hưởng tới chất lượng và giảm sức cạnh tranh.
Nhìn vào hành trình quả vải thiều Bắc Giang trước khi xuất khẩu sẽ thấy rõ điều này. Trước khi xuất khẩu sang Mỹ, vải thiều Bắc Giang phải trải qua nhiều công đoạn, nhiều lần vận chuyển. Đơn cử, sau khi thu hoạch, từ Bắc Giang quả vải thiều được đưa về Hà Nội để vận chuyển bằng máy bay vào TP Hồ Chí Minh; tiếp đó, quả vải sẽ được chở về cơ sở đóng gói, rồi chuyển đi chiếu xạ, sau đó ra cảng để xuất đi. Nhìn vào lộ trình "xuất ngoại" của quả vải thiều cho thấy, ngoài hao hụt về số lượng, chất lượng; làm giảm thời gian tiêu thụ trái vải trong hệ thống phân phối thì chi phí vận chuyển đã đẩy giá vải thiều xuất khẩu của Việt Nam lên cao, làm giảm lợi thế cạnh tranh của mặt hàng có nhiều tiềm năng này.
Người dân Hậu Giang thu hoạch nông sản. Ảnh: HỒNG THÁI |
Không chỉ quả vải thiều, hiện nay, tại nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long-khu vực được xem là vựa lúa, vựa nông, thủy sản lớn hàng đầu đất nước, nhưng dịch vụ logistics chậm phát triển. Khi doanh nghiệp thu mua nông sản tại vườn, các phương tiện vận chuyển loại lớn không thể đến tận nơi, doanh nghiệp phải sử dụng nhiều loại phương tiện lớn, nhỏ mới có thể đưa nông sản đến nhà máy. Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Xuất nhập khẩu Vina T&T, nông sản của thị trường nước khác có thể không hơn về chất lượng nhưng họ hơn về giá thành. Chỉ riêng chi phí logistics phục vụ cho nông sản tại Việt Nam đang chiếm 25-30% giá trị hàng hóa, trong khi đó ở Thái Lan chỉ chiếm 12,5% hay thế giới là 14%.
Thừa nhận thực tế, chi phí logistics trong nông sản còn cao, bà Nguyễn Tú Uyên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Dịch vụ vận chuyển CMU Logistics đưa ra so sánh với Thái Lan. Cụ thể, riêng về vận chuyển, nông sản Thái Lan có nhiều chuyến bay đến Mỹ, châu Âu, Trung Đông... tần suất đều mỗi ngày; các hãng tàu có 70 điểm đến ở châu Á, Ấn Độ, Trung Đông. Chính vì vậy, giá vận tải nông sản của Thái Lan đi đến các thị trường quốc tế thấp hơn từ 1 đến 1,2USD/kg so với nông sản đi từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Cùng với đó, việc thiếu cơ sở logistics tại các vùng nguyên liệu cũng gây khó khăn cho sản xuất nông sản. Hiện nay, tại các vùng nguyên liệu, hệ thống kho bãi manh mún, cơ sở chế biến nông sản còn thiếu, quy mô nhỏ; chuỗi kho mát, kho lạnh phục vụ nông sản còn thiếu...
Dưới góc độ ngành hàng, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho biết: "Rau quả Việt Nam có sản lượng lớn khoảng 35 triệu tấn/năm, trong đó khoảng 19 triệu tấn quả các loại. Tuy nhiên, hạ tầng cơ cở sản xuất, thu hoạch, chế biến, bảo quản, vận chuyển tại Việt Nam còn yếu, khiến tình trạng hao hụt ở mức cao tới khoảng 30-35%; tỷ lệ sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu thấp". Chỉ ra thêm khó khăn khiến chi phí logistics phục vụ ngành nông sản bị đẩy lên cao, ý kiến của các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông sản cho biết, hàng hóa Việt Nam gặp khó về phương tiện vận chuyển. Hãng tàu, hãng hàng không đang khai thác đường bay quốc tế tới Việt Nam hầu hết đều thuộc nước ngoài. Vì thế, hàng hóa Việt Nam sẽ phụ thuộc vào giá cước vận chuyển, thời gian quá cảnh, lịch vận chuyển.
Quy hoạch trung tâm logistics nông sản
Logistics đóng vai trò quan trọng trong cả quá trình sản xuất và tiêu thụ nông sản. Thế nhưng chi phí logistics cao đã "ăn mòn" lợi nhuận của nông sản Việt Nam... Để tăng cao sức cạnh tranh cho nông sản, nhiều việc cần làm, song cần sớm hoàn thiện chuỗi logistics, trong đó cần thực hiện các gói giải pháp đồng bộ về hạ tầng, thể chế chính sách, nguồn nhân lực và đặc biệt là phát triển mô hình liên kết.
Nêu kiến nghị về hạ tầng, các ý kiến nhấn mạnh, hoạt động logistics phụ thuộc rất lớn vào cơ sở hạ tầng. Bởi nếu không có cơ sở hạ tầng thì logistics không thể hoạt động được. Vì vậy, theo ông Nguyễn Đình Tùng, Chính phủ cần tăng cường đầu tư đồng bộ hạ tầng logistics cho hàng hóa nông sản, nhất là các vùng sản xuất nông sản tập trung, chủ lực. Trong đó, cần quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung đủ lớn; xây dựng các trung tâm logistics nông sản, bao gồm trạm sơ chế-nhà máy-kho lạnh-hệ thống vận tải-chiếu xạ để phân loại, bảo quản, sơ chế, từ đó nâng cao chất lượng, ổn định giá thành... Đặc biệt, cần tăng cường liên kết giữa các bên trong chuỗi cung ứng hàng nông sản: Người nông dân-thương lái-nhà máy chế biến-doanh nghiệp thương mại-doanh nghiệp logistics.
Nhấn mạnh tới yếu tố nguồn nhân lực, theo ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương: Cần có giải pháp về truyền thông, hỗ trợ tư vấn hướng nghiệp để thu hút nguồn nhân lực có chất lượng vào lĩnh vực logistics dành cho hàng nông sản. Đây không chỉ là nhiệm vụ của các cấp quản lý, cơ sở đào tạo mà cần sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, tổ chức trong việc cung cấp thông tin, xây dựng nhiều hình thức động viên, khuyến khích, như: Cấp học bổng, hỗ trợ phương tiện giảng dạy, học tập và tham quan thực tế...