Khoản tiền gửi hơn 1,4 tỷ USD giúp ACV thoát lỗ năm 2021
Kinh doanh dưới giá vốn trong năm 2021 khiến ACV lỗ gộp hàng trăm tỷ đồng, song nhờ khoản tiền gửi ngân hàng và hưởng chênh lệch tỷ giá từ khoản tiền nhàn rỗi hơn 33.000 tỷ đồng đã giúp doanh nghiệp báo lãi trong năm COVID-19 thứ hai.
Là đơn vị chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh, trong quý, doanh thu của ACV giảm 43% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 960 tỷ đồng, trong khi vẫn phải có các chính sách hỗ trợ các hãng hàng không. Kết quả này đã cải thiện so với 363 tỷ của quý III trước đó nhưng vẫn ở mức thấp so với những quý còn lại.
ACV ghi nhận lợi nhuận gộp âm 62 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 175 tỷ. Chưa kể doanh nghiệp phải trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi 349 tỷ, gấp 13 lần cùng kỳ, khiến chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 150% lên 418 tỷ.
Tuy nhiên doanh thu từ hoạt động tài chính tăng 75% lên 959 tỷ đồng, chiếm phần lớn là khoản lãi chênh lệch tỷ giá đem về cho doanh nghiệp hơn 522 tỷ trong khi cùng kỳ không ghi nhận.
Nhờ vậy, ACV có lãi sau thuế 333 tỷ đồng, tăng 21%, dù hoạt động kinh doanh chính gặp nhiều khó khăn từ dịch COVID-19.
Cả năm 2021, doanh thu thuần của ACV đạt 4.758 tỷ, lợi nhuận sau thuế 830 tỷ, lần lượt giảm gần 39% và 49% so với năm 2020. Đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất của ACV trong một thập kỷ trở lại đây.
Với kế hoạch tổng doanh thu năm 2021 là 10.654 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế ở mức 2.359 tỷ đồng, tổng công ty đã thực hiện được lần lượt 45% và 43% mục tiêu.
Khoản tiền nhàn rỗi khổng lồ này đã đem về cho ACV hơn 1.742 tỷ đồng tiền lãi từ tiền gửi và 1.400 tỷ đồng chênh lệch tỷ giá trong năm 2021.
Tại ngày 31/12, ACV ghi nhận 1.677 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang, trong đó chiếm chính là 714 tỷ đồng cho dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. ACV đặt mục tiêu hoàn thành dự án này tháng 6/2025.
Nợ đi vay chủ yếu của ACV vẫn tập trung ở các khoản vay dài hạn ngân hàng trong và ngoài nước với 13.566 tỷ đồng, giảm 1.700 tỷ sau một năm. Doanh nghiệp ghi nhận 366 tỷ đồng đến hạn phải trả.