Kiến tạo môi trường kinh doanh thông thoáng để khu vực kinh tế tư nhân bứt phá

Khu vực kinh tế tư nhân hiện đóng góp hơn 50% GDP, hơn 30% ngân sách nhà nước và tạo việc làm cho hơn 80% tổng số lao động. Mục tiêu đến năm 2030, kinh tế tư nhân sẽ đóng góp 70% GDP, nhiều doanh nghiệp đủ năng lực cạnh tranh toàn cầu, làm chủ công nghệ và tham gia sâu vào chuỗi giá trị quốc tế.

 

Kinh tế tư nhân đủ năng lực cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp nước ngoài. Ảnh minh họa

Qua gần 40 năm đổi mới, khu vực kinh tế tư nhân của nước ta đã phát triển mạnh mẽ, đóng góp rất to lớn vào tăng trưởng kinh tế đất nước. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, kinh tế tư nhân vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về chính sách và thể chế, làm hạn chế khả năng bứt phá.

Nhận diện các rào cản pháp lý

Hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp hơn 50% GDP, hơn 30% ngân sách nhà nước và tạo việc làm cho hơn 80% tổng số lao động. Mục tiêu đến năm 2030, kinh tế tư nhân sẽ đóng góp 70% GDP, có nhiều doanh nghiệp đủ năng lực cạnh tranh toàn cầu, làm chủ công nghệ và tham gia sâu vào chuỗi giá trị quốc tế.

Một số doanh nghiệp đã vươn ra thị trường quốc tế, khẳng định thương hiệu và năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Tuy nhiên, khu vực này vẫn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận đất đai, vốn tín dụng và các nguồn lực quan trọng khác.

Một trong những rào cản lớn nhất đối với kinh tế tư nhân là những bất cập trong chính sách và hệ thống pháp luật. Báo cáo của Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cho biết, năm 2023, có tới 67% doanh nghiệp phản ánh các quy định pháp luật còn chồng chéo, gây khó khăn trong quá trình thực thi.

Lấy ví dụ cụ thể, Luật Bảo vệ môi trường 2020 yêu cầu đánh giá tác động môi trường trước khi cấp phép đầu tư, trong khi Luật Xây dựng 2014 lại quy định đánh giá tác động môi trường sau khi dự án được phê duyệt. Sự mâu thuẫn này khiến doanh nghiệp mất nhiều thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính. Một số dự án năng lượng tái tạo bị đình trệ do không rõ thời điểm phải thực hiện đánh giá tác động môi trường, gây thiệt hại cho nhà đầu tư.

Ngoài ra, vấn đề hoàn thuế cũng là một trong những khó khăn lớn. Đối với ngành gỗ và lâm sản, việc truy xuất nguồn gốc đến từng hộ trồng rừng là rất khó khăn, mất nhiều thời gian và chi phí. Khi chưa thể xác minh cụ thể, cơ quan thuế chưa thể hoàn thuế, khiến tiền hoàn thuế của doanh nghiệp bị dồn lại, có khi lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Lĩnh vực bất động sản cũng gặp nhiều vướng mắc do các quy định chưa thống nhất giữa Luật Đầu tư và Luật Kinh doanh bất động sản. Điều này khiến nhiều dự án bị đình trệ, gây lãng phí tài nguyên và làm chậm quá trình phát triển của doanh nghiệp.

Tiếp cận nguồn lực là một thách thức lớn đối với doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính. Theo thống kê từ Bộ Tài chính, 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn trong vay vốn ngân hàng do thiếu tài sản thế chấp hoặc quy trình xét duyệt phức tạp. Mặc dù có Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa do Bộ Tài chính quản lý với lãi suất thấp hơn ngân hàng thương mại, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vì thiếu tài sản đảm bảo và thủ tục vay vốn phức tạp.

Không chỉ khó khăn trong tiếp cận vốn, doanh nghiệp tư nhân cũng gặp nhiều trở ngại trong tiếp cận đất đai. Nhiều doanh nghiệp tư nhân không được tạo điều kiện thuận lợi như doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh những vướng mắc về thể chế và nguồn lực, thủ tục hành chính cũng là một gánh nặng lớn đối với doanh nghiệp. Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 cho thấy 42% doanh nghiệp gặp khó khăn trong thủ tục hành chính. Việc đăng ký kinh doanh, cấp phép xây dựng, tiếp cận đất đai mất nhiều thời gian và chi phí, làm giảm cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp cũng phản ánh về tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo. Một số doanh nghiệp phải tiếp đón nhiều đợt kiểm tra từ các cơ quan khác nhau trong cùng một năm, gây gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh.

Khu vực kinh tế tư nhân đóng góp hơn 50% GDP. Ảnh minh họa

Giấy phép kinh doanh có điều kiện, hay còn gọi là “giấy phép con”, là một rào cản lớn khác. Hiện nay, Việt Nam có 227 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, với nhiều yêu cầu thủ tục phức tạp. Việc xin giấy phép kinh doanh có thể kéo dài từ 3 - 6 tháng, trong khi tại các nước trong khu vực chỉ mất từ 2 - 4 tuần.

Những rào cản này để lại hệ lụy không nhỏ. Chi phí tuân thủ cao khiến nhiều doanh nghiệp tiềm năng không thể cạnh tranh, trong khi thời gian và nguồn lực dành cho thủ tục hành chính làm giảm động lực sáng tạo và đầu tư. Điều này dẫn đến tình trạng “lách luật’ ngày càng phổ biến, gây thất thu ngân sách và mất cân bằng thị trường.

Cần xóa bỏ các rào cản pháp lý

Giải pháp then chốt nằm ở cải cách thủ tục hành chính theo hướng số hóa. Việc áp dụng công nghệ để đơn giản hóa quy trình đăng ký doanh nghiệp, nộp thuế điện tử và giảm thiểu giấy tờ là bước đi cần thiết. Xây dựng cổng thông tin tập trung sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng tra cứu và thực hiện các thủ tục. Song song đó, cần rà soát và bãi bỏ các "giấy phép con" không cần thiết, chỉ giữ lại những quy định thực sự quan trọng để bảo đảm an toàn xã hội. Chuyển từ cơ chế tiền kiểm sang hậu kiểm sẽ giúp doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về hoạt động của mình.

Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn là yếu tố then chốt khác. Thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm hỗ trợ khởi nghiệp (startup), khuyến khích ngân hàng cho vay dựa trên tiềm năng kinh doanh thay vì chỉ dựa vào tài sản thế chấp sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thiết lập cơ chế phản hồi nhanh thông qua các diễn đàn đối thoại thường xuyên giữa nhà nước và doanh nghiệp sẽ giúp kịp thời điều chỉnh chính sách phù hợp với thực tiễn.

Vai trò của nhà nước trong giai đoạn này cần thay đổi căn bản, từ quản lý sang đồng hành. Thiết lập khung pháp lý minh bạch, ổn định sẽ giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư dài hạn. Khuyến khích đối tác công-tư trong các dự án hạ tầng, dịch vụ công không chỉ giảm gánh nặng ngân sách mà còn tạo sân chơi công bằng cho khu vực tư nhân. Đặc biệt, tăng cường trách nhiệm giải trình của các cơ quan quản lý sẽ hạn chế tình trạng né tránh hoặc gây khó cho doanh nghiệp.

Bài học từ các quốc gia thành công cho thấy yếu tố then chốt nằm ở thể chế minh bạch và thủ tục đơn giản. Singapore nổi bật với quy trình đăng ký doanh nghiệp chỉ trong một ngày thông qua cổng thông tin điện tử, cùng hệ thống hỗ trợ doanh nghiệp bài bản. New Zealand được đánh giá cao nhờ môi trường kinh doanh thân thiện với hệ thống thuế đơn giản và thủ tục hành chính tinh gọn.

Trong khi đó, Hàn Quốc thành công nhờ chính sách hỗ trợ khởi nghiệp mạnh mẽ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, cùng cơ chế đối thoại thường xuyên giữa Chính phủ và doanh nghiệp.

Để kinh tế tư nhân thực sự trở thành động lực tăng trưởng, cần một cuộc cải cách mạnh mẽ và đồng bộ từ thể chế đến tư duy quản lý. Nhà nước phải chuyển từ vai trò kiểm soát sang đồng hành, trong khi doanh nghiệp cần được trao quyền tự chủ trong khuôn khổ pháp luật minh bạch. Chỉ khi xây dựng được hệ sinh thái kinh doanh mở, sáng tạo, nơi doanh nghiệp được tự do vận hành và cạnh tranh công bằng, kinh tế tư nhân mới có thể cất cánh, góp phần đưa đất nước phát triển bền vững.

 

 

Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.