Lãnh đạo OCB nói gì về khoản vay hàng nghìn tỷ liên quan đến FLC và Đại Nam?

OCB khẳng định vấn đề của FLC, Đại Nam không phải rủi ro

Ngày 24/3, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 tại TP. HCM.

Liên quan đến các khoản vay của Tập đoàn FLC và CTCP Đại Nam, Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng thông tin đến cổ đông rằng ngân hàng chỉ cho Tập đoàn FLC vay bán lẻ.

Cụ thể, các khoản vay cho FLC trị giá 1.500 tỷ đồng liên quan đến 2 dự án có đầy đủ pháp lý và chỉ sau khi giải phóng mặt bằng mới cấp vốn. Theo ông Tùng, hiện số tài sản thế chấp của FLC tại ngân hàng là trên 2.000 tỷ đồng, đều là các bất động sản đã có sổ cấp cho nhà đầu tư.

"Hai dự án trên đã bán được hàng và đang dự thu 2.400 tỷ. Theo đó, các nghĩa vụ gốc lãi của FLC rất nghiêm túc với OCB. Ngân hàng đã tăng cường kiểm soát dòng tiền và thu nợ dự kiến trước hạn 1.500 tỷ đồng của FLC", ông Tùng cho biết.

Dự kiến ngay sau tháng 4, dư nợ của FLC đối với OCB có thể giảm ngay 1.300 đến 1.500 tỷ đồng. Đại diện OCB khẳng định thời gian tới, với những dự án đảm bảo nguồn tiền, OCB vẫn sẽ cấp tín dụng cho Tập đoàn FLC.

Với các khoản vay liên quan đến CTCP Đại Nam, phía OCB thông tin tính đến ngày 22/4, doanh nghiệp này đã trả được 450 tỷ đồng. Các khoản nợ còn lại được thế chấp bởi tài sản là sổ đỏ, có đầy đủ tính pháp lý và cơ sở để thu hồi nợ. Do đó, lãnh đạo OCB khẳng định trước cổ đông rằng vấn đề của Tập đoàn Đại Nam không phải là rủi ro cho ngân hàng này.

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng và kế hoạch tăng vốn ấn tượng

Về kết quả kinh doanh quý I/2022, lãnh đạo ngân hàng OCB cho hay tổng tài sản tăng 2%, dư nợ tăng 6%, lợi nhuận trước thuế đạt 1.115 tỷ đồng. Tuy nhiên, do thay đổi về chính sách trích lập dự phòng rủi ro, ngân hàng trích bổ sung dự phòng phân nhóm nợ theo CIC trong báo cáo tài chính quý I nên lợi nhuận đạt 836 tỷ đồng.

Năm 2022, OCB đặt mục tiêu tăng tổng tài sản 25% lên 230.112 tỷ đồng. Huy động vốn tăng 23% lên 155.003 tỷ đồng, dư nợ cho vay tăng 25% lên 129.493 tỷ đồng. Ngân hàng cũng đặt mục tiêu lợi nhuận tăng 29%, đạt 7.110 tỷ đồng. Đồng thời kiểm soát nợ xấu ở mức dưới 1%.

Lý giải trước cổ đông về lý do đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao đến 25% trong năm nay, đại diện OCB cho biết kết quả kinh doanh của OCB trong 5 năm qua đã có sự tăng trưởng vượt bậc. 

Năm 2021, OCB tăng vốn thành công lên 13.699 tỷ đồng, tức tăng 25% so với năm 2020. Ngân hàng cũng ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng 25%, đạt 5.519 tỷ đồng, hoàn thành 100% kế hoạch đặt ra. Tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh từ mức 1,42% năm 2020 xuống còn 0,97% vào cuối năm 2021. CIR (hệ số chi phí theo thu nhập) được cải thiện từ mức 29,1% về còn 26,9%.

Tỷ suất lợi nhuận bình quân trên tài sản (ROAA) và trên vốn chủ sở hữu (ROAE) của OCB thuộc top đầu ngành, lần lượt đạt 2,59% và 22%.

Ngoài ra, một nội dung quan trọng khác được HĐQT OCB trình cổ đông thông qua tại cuộc họp là phương án tăng vốn điều lệ năm 2022 thêm 4.186 tỷ đồng lên 17.885 tỷ đồng. Cụ thể, ngân hàng sẽ thực hiện tăng vốn điều lệ thêm 4.127 tỷ đồng thông qua việc phát hành 412,7 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu, tương đương tỷ lệ 30% và phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP).

Với số tiền thu được từ việc tăng vốn, ngân hàng sẽ dùng phần lớn để bổ sung nguồn vốn kinh doanh, đầu tư và cho vay (hơn 3.200 tỷ), bên cạnh đó còn để đầu tư công nghệ, nâng cấp tài sản, trang bị tài sản cố định,…

Lượt xem: 112
Tác giả: admin1
Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.