Lỗ và lãi của vận tải công cộng

Với mục tiêu thu hút ngày càng nhiều người dân sử dụng vận tải hành khách công cộng, góp phần hạn chế ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường, Nhà nước đã có các chính sách hỗ trợ, tạo thuận lợi cho loại hình vận tải này phát triển trong những năm qua.

Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn vào bài toán kinh doanh đơn thuần, rất khó đánh giá đầy đủ tác động của vận tải công cộng đối với đời sống xã hội. 

Hiện nay, hầu hết các tuyến vận tải hành khách công cộng ở đô thị lớn đang được Nhà nước trợ giá, hay nói cách khác là bù lỗ, do chi phí vận hành, khai thác cao hơn tiền thu được từ bán vé và các dịch vụ liên quan. Việc trợ giá của Nhà nước là yếu tố quan trọng hàng đầu để vận tải công cộng có mức giá vé thấp, phù hợp với đại bộ phận người dân, qua đó thu hút người dân sử dụng phương tiện công cộng, giảm dần phương tiện cá nhân. Không chỉ trợ giá, thậm chí, một số nước phát triển còn miễn phí cho người dân đi xe buýt, tàu điện. Khi việc sử dụng phương tiện cá nhân ngày càng đắt đỏ, phương tiện công cộng có mức giá hợp lý hoặc miễn phí sẽ tạo ra sức hút lớn. Nhờ vậy, ở không ít quốc gia, sử dụng phương tiện công cộng trở thành thói quen đi lại hằng ngày của đa số người dân.

Ảnh minh họa vận tải công cộng: TTXVN 

Với điều kiện kinh tế-xã hội của nước ta, việc trợ giá từ vài trăm đến hàng nghìn tỷ đồng cho vận tải công cộng ở một số địa phương là số tiền lớn. Mặc dù hiệu quả của vận tải công cộng không tính toán bằng lỗ, lãi đơn thuần mà tổng hòa từ nhiều yếu tố, nhưng với số tiền bỏ ra để trợ giá hằng năm, xã hội có quyền đòi hỏi chất lượng vận tải tương xứng. Cùng với đó là tăng đóng góp của vận tải công cộng trong thị phần vận chuyển. Để nâng cao chất lượng dịch vụ thì từ ý thức phục vụ của nhân viên, lái xe đến đổi mới phương tiện đều cần phải được quan tâm.

Có ý kiến cho rằng, nhiều tuyến vận tải công cộng dù không được trợ giá vẫn "sống khỏe", do vậy không nên tiếp tục chính sách trợ giá mà để thị trường quyết định. Tuy nhiên, đánh giá khách quan thì những tuyến không trợ giá đã được tính toán cân đối thu chi dựa trên nhu cầu, lưu lượng hành khách, doanh nghiệp được tự quyết định giá vé. Còn lại vẫn có nhiều tuyến khác điều kiện hạ tầng không thuận lợi, chi phí cao, hiệu quả kinh doanh thấp nên chưa thể thu hút được đơn vị vận tải nếu không trợ giá. Cùng với việc tính toán kỹ lưỡng phương án trợ giá để bảo đảm hiệu quả, ngoài hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách, Nhà nước còn có thể hỗ trợ gián tiếp thông qua cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi để thu hút doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này.

Hạn chế lớn nhất hiện nay của vận tải công cộng ở nước ta là khả năng kết nối kém giữa các tuyến vận tải hành khách. Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông tại Hà Nội được đưa vào sử dụng tuy rất tiện nghi, hiện đại nhưng hành khách đi đến ga lại phải chuyển sang phương tiện khác để tiếp tục hành trình. Điều này gây bất tiện và mất nhiều thời gian di chuyển, dẫn đến phần lớn người dân chưa mặn mà với vận tải công cộng. Vì vậy, phát triển vận tải công cộng cần ưu tiên tính đồng bộ, đặc biệt là đối với hệ thống đường sắt đô thị. Khi mạng lưới đường sắt đô thị được mở rộng, tăng tính kết nối, liên thông sẽ trở thành trục xương sống, gánh đỡ cho hạ tầng giao thông đô thị. Kiên trì với mục tiêu hạn chế phương tiện cá nhân song hành cùng phát triển vận tải công cộng là chủ trương thiết thực, nhất là ở đô thị lớn. 

ĐỖ MẠNH HƯNG

Tags: vận tải
Lượt xem: 21
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.