Lợi nhuận Gelex đi lùi, hơn 1000 tỷ đồng trái phiếu đến hạn thanh toán
Sau giai đoạn tích cực mua lại trái phiếu trước hạn, dư nợ trái phiếu của Gelex giảm mạnh so với thời điểm đầu năm.
Theo báo cáo tài chính quý III/2022 vừa công bố của Công ty Cổ phần Tập đoàn Gelex (HoSE: GEX), doanh thu thuần kỳ này của doanh nghiệp đạt 7.014 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ.
Kỳ này, mảng doanh thu chính của tập đoàn là thu từ thiết bị điện lại giảm 6,4%, xuống mức 3.360 tỷ đồng. Tuy nhiên, thu từ các sản phẩm vật liệu xây dựng kỳ này lại tăng gần 50%, lên mức 2.615 tỷ đồng.
Các khoản doanh thu khác cũng chứng kiến sự tăng trưởng, có thể kể đến doanh thu cho thuê bất động sản, hạ tầng khu công nghiệp và dịch vụ phụ trợ khác tăng gần 60%; thu từ sản xuất và kinh doanh năng lượng tăng 31%; doanh thu khác tăng gần 59%.
Giá vốn hàng bán kỳ này chỉ tăng 605 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp của doanh nghiệp được cải thiện, tăng gần 40% lên mức 1.326 tỷ đồng.
Ngoài ra, các chi phí của doanh nghiệp trong quý này đều tăng mạnh, trong đó chi phí tài chính tăng gần 20%, chi phí bán hàng gần 58% và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 42,5%.
Sau khi khấu trừ các chi phí và thuế, Gelex báo lãi ròng đạt 220,8 tỷ đồng, giảm gần 36% trong riêng quý II/2022.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, tổng doanh thu thuần hợp nhất của Gelex là 24.729 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Gelex đạt 1.767 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ 2021.
Kế hoạch năm 2022, Gelex đặt mục tiêu 36.000 tỷ đồng doanh thu và 2.618 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế hợp nhất, tăng trưởng lần lượt 26% và 27% so với thực hiện năm 2021. Như vậy, kết thúc 9 tháng, Gelex đã hoàn thành 69% kế hoạch doanh thu và 68% mục tiêu lợi nhuận trước thuế cho cả năm.
Theo thông tin từ công ty, trong các mảng hoạt động, có mảng thiết bị điện là giảm doanh thu 7% so với cùng kỳ. Điều này được dự báo trước do Công ty Dây đồng Việt Nam CFT, công ty con chiếm tỉ trọng doanh thu tương đối lớn trong nhóm thiết bị điện tạm dừng sản xuất để di dời nhà máy trong 6 tháng đầu năm 2022.
Ngược lại, các mảng hoạt động khác đều tăng trưởng mạnh về doanh thu trong 9 tháng đầu năm 2022. Nhóm vật liệu xây dựng với các sản phẩm như kính tiết kiệm năng lượng, thiết bị vệ sinh, gạch ốp lát, vật liệu không nung… thương hiệu Viglacera tăng trưởng doanh thu 103% so với cùng kỳ.
Lĩnh vực cho thuê khu công nghiệp và dịch vụ khu công nghiệp của Viglacera cũng tăng trưởng mạnh, đạt doanh thu 3.097 tỷ đồng, tăng 128% so với cùng kỳ. Ngoài ra, doanh thu từ bất động sản thương mại và các khu nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân quanh các khu công nghiệp của Viglacera cũng tăng trưởng mạnh 212% về doanh thu so với cùng kỳ, đạt 1.011 tỷ đồng sau 9 tháng.
Tính đến cuối quý III, tổng tài sản của Gelex giảm 13% so với đầu năm, xuống còn 53.874 tỷ đồng. Trong đó, tiền mặt giảm tới 1.548 tỷ đồng, còn 1.899 tỷ đồng. Các khoản đầu tài chính ngắn hạn cũng giảm 2,56 lần, chủ yếu do hoạt động chứng khoán kinh doanh giảm xuống còn 2.330 tỷ đồng, giảm gần 3 lần so với đầu năm.
Trong cơ cấu, đầu tư trái phiếu giảm tới gần 3 lần so với đầu năm, chỉ còn 2.200 tỷ đồng, trong khi đầu năm là 6.324 tỷ đồng.
Về vay nợ, tính đến 30/9/2022, Gelex có hơn 17.000 tỷ đồng vay và nợ thuê tài chính (7.400 tỷ đồng ngắn hạn, 10.200 tỷ đồng dài hạn), giảm 20% so với số đầu năm.
Đặc biệt, dư nợ trái phiếu thường chỉ còn 2.454 tỷ đồng, giảm 60% so với con số đầu năm là 5.865 tỷ đồng. Riêng dư nợ trái phiếu phải trả trong ngắn hạn (dưới 1 năm) tăng lên gần 1.050 tỷ đồng, số đầu năm chỉ là 515 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu, từ đầu năm đến nay, Gelex đã có nhiều đợt mua lại trái phiếu trước hạn với tổng giá trị hơn 2.000 tỷ đồng.
Đến giữa tháng 6, Gelex đã có 4 đợt mua lại trái phiếu chỉ trong vòng 2 tháng với tổng giá trị khoảng 1.400 tỷ đồng. Trong đó, có lô trái phiếu được Gelex tất toán sớm dù mới phát hành hơn 5 tháng và có kỳ hạn 3 năm.
Theo Công ty chứng khoán SSI, động thái mua lại trái phiếu trước hạn này của Gelex và nhiều công ty khác có thể do tác động của vụ việc Uỷ ban chứng khoán Nhà nước huỷ bỏ 10.000 tỷ đồng trái phiếu nhóm doanh nghiệp của Tân Hoàng Minh đầu năm nay.
"Cả doanh nghiệp phát hành và người mua đều thận trọng hơn với hình thức huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu", nhóm phân tích nhận định.
9 tháng đầu năm, hàng tồn kho của Gelex cũng giảm tới gần 16%, do hai khoản chiếm tỉ trọng lớn là nguyên, vật liệu và hàng mua đang đi đường giảm mạnh, lần lượt giảm gần 57% và 25% so với đầu năm.
Về nguồn vốn, cũng tính đến ngày 30/9, nợ phải trả của doanh nghiệp giảm 19% còn 32.961 tỷ đồng, trong đó vay và nợ thuê tài chính giảm 20% còn 17.624 tỷ đồng.