Lợn được giá, doanh nghiệp ngành thịt mát vẫn "chưa vui"

Dabaco là doanh nghiệp hiếm hoi ghi nhận tín hiệu kinh doanh tích cực trong bức tranh chung vẫn còn nhiều khó khăn của ngành thịt mát trước gánh nặng chi phí.

Bắt đầu từ quý II/2023, giá thịt lợn hơi có dấu hiệu tăng giá trở lại. Xu hướng tăng này được đẩy mạnh từ đầu tháng 5 đến nay và đã vượt ngưỡng 60.000 đồng/kg tại thời điểm đầu tháng 7. Đây cũng là mức giá cao nhất trong vòng hơn một năm trở lại đây.

Chia sẻ tại hội nghị gần đây, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến nhận định, giá thịt lợn đang tăng lên là tín hiệu vui với nông dân và ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, chăn nuôi lợn vẫn đối diện với nhiều nguy cơ như dịch bệnh bùng phát, các chủng virus cúm và dịch bệnh khác xâm nhiễm, giá thức ăn chăn nuôi ở mức cao và tình trạng nhập lậu sản phẩm chăn nuôi vẫn diễn ra.

Do đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị ngành chăn nuôi cần chủ động trước những khó khăn trước diễn biến về dịch bệnh, luồng giá vật tư và giá thực phẩm dự kiến tăng trong 6 tháng cuối năm 2023.

Với bối cảnh chung trên, doanh nghiệp chăn nuôi lợn đã trải qua quý II/2023 với bức tranh kinh doanh đa sắc màu.

Doanh nghiệp “nóng” theo giá lợn

Được mệnh danh là “ông trùm” chăn nuôi đất Bắc, Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco (HoSE: DBC) ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực trong quý II/2023. Theo chia sẻ từ công ty, giá một số nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước và nhập khẩu giảm, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm từng bước được kiểm soát, giá lợi hơi tăng dần, theo đó kết quả sản xuất kinh doanh của lĩnh vực thức ăn chăn nuôi tốt hơn so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, nhờ ghi nhận thêm doanh thu và lợi nhuận của dự án chung cư cao cấp ParkView tại Thành phố Bắc Ninh trong quý cũng giúp kết quả sản xuất kinh doanh trong quý của Dabaco cải thiện đáng kể.

Cụ thể, doanh thu thuần của Dabaco trong quý đạt 3.473 tỷ đồng, tăng 17%. Sau khi trừ các chi phí, Tập đoàn Dabaco báo lãi 326,8 tỷ đồng, tăng mạnh gấp 23 lần so với cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Dabaco đạt 5.786 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế của đại gia thịt lợn Bắc Ninh đạt 6,1 tỷ đồng; giảm 26% so với nửa đầu năm 2022. 

Cụ thể, Dabaco cho biết, doanh thu bán thành phẩm sản xuất chiếm phần lớn với 4.880 tỷ đồng, chiếm đến 82% cơ cấu. Bên cạnh đó, doanh thu từ kinh doanh BĐS, hoạt động xây dựng ghi nhận tăng đáng kể, gấp 6 lần so với nửa đầu năm 2022, đạt 753 tỷ đồng.

Năm 2023, công ty lên kế hoạch năm 2023 doanh thu đạt 24.562 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 569 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc nửa đầu năm, Dabaco đã hoàn thành 23% kế hoạch doanh thu và 1% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.

Doanh thu tăng vẫn báo lãi đi lùi

Đối với ông chủ thương hiệu heo ăn chay, quý II/2023, Công ty cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam (HoSE: BAF) ghi nhận doanh thu đạt 1.638 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 12 tỷ đồng, giảm 70% so với cùng kỳ.

Luỹ kế trong 6 tháng đầu năm 2023, BaF Việt Nam ghi nhận doanh thu đạt 2.455 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ. Trong cơ cấu doanh thu, doanh thu bán nông sản ghi nhận giảm 21% xuống còn 1.844 tỷ đồng; tuy nhiên, đây vẫn là nhóm đóng góp lớn nhất cho tổng doanh thu của công ty.

Khấu trừ các chi phí, BAF báo lãi 16 tỷ đồng, giảm 87,5% so với cùng kỳ.

Năm 2023, BAF lên kế hoạch doanh thu đạt 7.525 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 301 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc nửa đầu năm 2023, công ty đã hoàn thành 32,6% kế hoạch doanh thu và vỏn vẹn 5,3% kế hoạch lợi nhuận năm.

Cùng chung xu hướng trên, Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL; HoSE: HAG) thậm chí còn ghi nhận lợi nhuận “đi lùi" sâu hơn so với cùng kỳ năm trước.

Theo đó, doanh thu của ông chủ thương hiệu heo ăn chuối trong quý II ghi nhận tăng 17% so với cùng kỳ, đạt 1.450 tỷ đồng.

Trong quý, HAGL phát sinh thêm gần 82 tỷ đồng phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp trong quý II/2023; trong khi cùng kỳ thu về hơn 860 tỷ đồng nhờ khoản hoàn nhập dự phòng. Sau khi trừ các chi phí, HAGL lãi 101 tỷ đồng, giảm 61% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, HAGL ghi nhận doanh thu đạt 3.147 tỷ đồng, tăng 54%. Khấu trừ các chi phí, lợi nhuận của HAGL ở mức 405 tỷ đồng, giảm 22% so với nửa đầu năm 2022. 

Năm 2023, công ty đặt mục tiêu doanh thu đạt 5.111 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp của bầu Đức đã hoàn thành 61% kế hoạch đề ra.

Gánh nặng chi phí “đè” lợi nhuận

Là ông lớn “quen mặt" trong thị trường thịt mát, Công ty Cổ phần Masan MEATLife (UPCoM: MML) lại ghi nhận tình hình kinh doanh kém sắc với lợi nhuận bị bào mòn mạnh bởi chi phí.

Theo đó, doanh thu thuần đạt 1.703 tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, Masan MEATLife ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính tăng từ 17 tỷ đồng tại quý II/2022 lên 62 tỷ đồng tại quý II/2023, tương đương gấp 3,6 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, chi phí tài chính ghi nhận phát sinh mạnh 43% lên 143 tỷ đồng, trong đó, tăng chủ yếu là chi phí lãi vay chiếm với 138 tỷ đồng. Cùng xu hướng trên, chi phí bán hàng của Masan MEATLife cũng tăng 2,2 lần lên 235 tỷ đồng.

Chi phí tăng cao dẫn đến sau thuế, Masan MEATLife lỗ hơn 179 tỷ đồng, cải thiện nhẹ so với số lỗ 210 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Masan MEATLife ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.303 tỷ đồng, tăng 70%. Sau khi trừ các chi phí, công ty ghi nhận khoản lỗ lên đến 347 tỷ đồng, trong khi nửa đầu năm 2022 công ty có lãi 33 tỷ đồng.

Năm 2023, Masan MEATLife đặt mục tiêu doanh thu đạt 8.500 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc nửa đầu năm, công ty đã hoàn thành 38,8% chỉ tiêu doanh thu đã đề ra.

Theo dự báo mới đây của Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS), giá thịt lợn được kỳ vọng sẽ tăng trở lại vào khoảng tháng 8/2023 khi nguồn cung đang sụt giảm và sức mua tăng trở lại. Nhờ đó, biên lợi nhuận của các doanh nghiệp chăn nuôi lợn được cải thiện từ 6-14% qua các năm.

Ngoài ra, lạm phát hạ nhiệt từ cuối tháng 3, VCBS cho rằng chi tiêu của người dân có thể sớm phục hồi. 

Một xu hướng được chú ý, doanh nghiệp nuôi quy mô công nghiệp đang dần lấy thị phần từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Theo VCBS, do giá lương thực và chi phí thức ăn chăn nuôi tăng cao trong năm 2022, nên để nuôi một con heo hơi từ 10 kg lên 100 kg, trung bình hộ chăn nuôi nhỏ lẻ phải mất ít nhất 4,7 triệu đồng để hòa vốn.

Lượt xem: 20
Tác giả: Nguyễn Phương Anh
Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.