Nắn dòng vốn đúng mục đích

Báo cáo bổ sung tới các đại biểu Quốc hội khóa XV, Kỳ họp thứ 3 về việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước dự kiến nợ xấu của ngành ngân hàng có thể gia tăng trong thời gian tới.

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước vẫn đang được kiểm soát dưới mức 2%. Nhưng trong trường hợp đánh giá một cách thận trọng, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho Công ty Quản lý nợ và tài sản của các TCTD (VAMC) và các khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu ở mức cao (so với tổng dư nợ) là 7,42%. Như vậy, chất lượng tín dụng của hệ thống các TCTD nói chung đang tiềm ẩn nguy cơ rủi ro lớn, đáng quan ngại.

Chuyên gia tài chính, ngân hàng từng dự báo nợ xấu nội bảng sẽ lên mức 2,3 - 2,5%, đồng thời nợ xấu gộp sẽ khoảng trên 6% trong năm 2022 và có thể còn ở mức cao hơn khi từ năm 2024, quy định giữ nguyên nhóm nợ hết hiệu lực (theo Thông tư 14) nếu tình hình phục hồi kinh tế thiếu khả quan. Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường bất động sản tiềm ẩn rủi ro, các khoản nợ xấu của ngân hàng có khả năng sẽ tăng trong thời gian tới...

Thực tế, các ngân hàng đang đẩy mạnh hoạt động xử lý và thu hồi nợ xấu thông qua việc rao bán hàng loạt khoản nợ, tài sản đảm bảo với giá trị từ vài chục cho tới vài trăm tỷ đồng. Dù ở thế "cầm đằng chuôi" nhưng việc thu hồi các khoản nợ này không hề dễ dàng. Nhiều tài sản thậm chí phải rao bán đến hàng chục lần, giá trị liên tục giảm sâu mới có thể bán được.

Báo cáo việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD và thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đánh giá, một số biện pháp triển khai còn chưa thực sự phát huy hiệu quả. Đặc biệt, cơ quan thẩm tra lưu ý, một số lĩnh vực có số nợ xấu chiếm tỷ trọng cao so với nợ xấu của toàn hệ thống như: Bất động sản (chiếm 18,4%); cho vay tiêu dùng (chiếm 25,8%); BOT, BT giao thông (3,92%).

Đáng chú ý là nợ xấu của lĩnh vực đầu tư, kinh doanh cổ phiếu, đầu tư, kinh doanh trái phiếu chỉ chiếm lần lượt là 1,13% và 0,01% so với nợ xấu của toàn hệ thống nhưng chiếm tới 19,57% và 2,87% tổng dư nợ tín dụng của từng lĩnh vực. Đây là những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao, có thể gây ảnh hưởng đến sự an toàn, lành mạnh của hệ thống các TCTD nói riêng và nền kinh tế nói chung, nhất là trong điều kiện năng lực chống chịu của nền kinh tế còn hạn chế.

Đề xuất kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42/2017/QH14 là một trong những nội dung sẽ được Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 3. Đây là tin vui với ngành ngân hàng nhưng bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, kiểm soát quy mô tín dụng, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng. Đồng thời chỉ đạo TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi cho DN và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Cùng với đó, tăng cường quản lý rủi ro đối với cho vay tín dụng tiêu dùng, đầu tư chứng khoán. Đặc biệt, nắn dòng vốn bất động sản sao cho sử dụng đúng mục đích, hạn chế vào những phân khúc đầu cơ, những dự án rủi ro lớn… đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng của người dân về nhu cầu ở, mua nhà ở xã hội, các hợp đồng vay đúng chuẩn, đúng quy định…

Lượt xem: 101
Nguồn:kinhtedothi.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.