Nasdaq giảm hơn 1%, Phố Wall chìm trong sắc đỏ

Chứng khoán Mỹ vừa trải qua một phiên giao dịch nhiều biến động hôm 15/9, khi các báo cáo kinh tế cho thấy một bức tranh mờ mịt về nền kinh tế số một thế giới.

Các chỉ số Nasdaq và S&P 500 bị ảnh hưởng mạnh mẽ do cổ phiếu phần mềm Adobe mất hơn 16% sau khi công ty này công bố thương vụ mua lại công ty thiết kế giao diện Figma trị giá 20 tỷ USD và đưa ra dự báo doanh thu đáng thất vọng. Cổ phiếu Apple giảm 1,9%.

Chỉ số Nasdaq Composite giảm 1,43%, đóng cửa ở mức 11.552,36.

Chỉ số S&P 500 giảm 1,13% xuống 3.901,35. Chỉ số này đã giảm 4,1% trong tuần sau lần sụt giảm lớn nhất của thị trường trong hơn hai năm vào ngày 13/9.

Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones tăng tốt hơn nhưng vẫn giảm 173,27 điểm (0,56%), xuống 30.961,82, mức  thấp nhất kể từ ngày 14/7.

Chỉ số Russell 2000 của các công ty nhỏ hơn đóng cửa thấp hơn 0,7%.

Cổ phiếu ngân hàng là một điểm sáng, khi Goldman Sachs và JPMorgan tăng hơn 1% cho mỗi cổ phiếu. UnitedHealth Group tăng 2,6%.

Phố Wall vẫn đang cố gắng tìm lại chỗ đứng của mình sau khi báo cáo chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 tăng bất ngờ, khiến chỉ số Dow Jones giảm hơn 1.200 điểm. Sự phục hồi trong ngày 14/9 nhanh chóng bị xóa sổ trong phiên giao dịch tiếp theo.

Xu hướng thị trường - Nasdaq giảm hơn 1%, Phố Wall chìm trong sắc đỏ

Chỉ số Dow Jones đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ ngày 14/7. Ảnh: Investing

Ngày 14/9, một báo cáo khác về doanh số bán lẻ đưa ra một cái nhìn trái chiều về cách người tiêu dùng Mỹ đối phó với cuộc lạm phát cao nhất trong 4 thập kỷ ở nền kinh tế số một thế giới. Báo cáo của chính phủ Mỹ cho thấy doanh số bán lẻ đã bất ngờ tăng  lên 0,3% trong tháng 8 sau khi giảm 0,4% trong tháng 7.

Chi tiêu tiêu dùng là một điểm mạnh trong nền kinh tế nói chung, cùng với việc làm, khi lạm phát tiếp tục ảnh hưởng đến các doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Mặc dù các báo cáo đó cho thấy lĩnh vực tiêu dùng hiện đang giữ vững vị trí của mình tại Mỹ, nhưng chúng không giúp giảm bớt lo ngại về tình trạng lạm phát dai dẳng thời gian qua.

Giá cao và kế hoạch tăng lãi suất mạnh mẽ của Cục Dự trữ Liên bang như một giải pháp vẫn là mối quan tâm lớn nhất ở Phố Wall. Các nhà đầu tư cũng lo lắng việc Fed tăng lãi suất sẽ làm chậm nền kinh tế Mỹ và gây ra một cuộc suy thoái, ảnh hưởng đến thu nhập của các công ty.

Ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất cơ bản 4 lần trong năm nay, với hai lần tăng gần nhất là 0,75 điểm phần trăm. Các nhà giao dịch nhận thấy khả năng Fed sẽ tăng lãi suất lên 1 điểm phần trăm vào tuần tới, theo CME Group.

Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm tăng lên 3,45% từ 3,40% vào cuối ngày 14/9. Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 2 năm tăng từ 3,79% lên 3,87%.

Giá dầu giảm sau khi Bộ Năng lượng  Mỹ cho biết kế hoạch tái cung cấp dự trữ dầu khẩn cấp của Mỹ không bao gồm giá kích hoạt, và việc giao hàng có thể sẽ không xảy ra cho đến sau năm tài chính 2023. Giá dầu thô WTI giảm 3,7% xuống còn 85,20 USD/thùng.

Giá vàng giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4 năm 2020 trong bối cảnh kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất tích cực hơn. Giá vàng kỳ hạn giảm 2,2% xuống 1.672,10 USD/ounce.

Nguyễn Tuyết (Theo AP News, CNBC, Yahoo! News)

Lượt xem: 80
Nguồn:nguoiduatin.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.