Người Chăm chăm chỉ làm giàu

“Măng tây không phải là cây xóa đói, giảm nghèo mà là cây làm giàu cho nông dân”, ông Hùng Ky, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú (xã An Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) tự hào khẳng định.

Từ một nông dân nghèo tiên phong trồng thử nghiệm măng tây theo chủ trương của chính quyền địa phương, ông Hùng Ky chẳng những vươn lên làm giàu mà còn là động lực tích cực giúp thay đổi diện mạo của thôn Tuấn Tú, một thôn toàn người dân tộc Chăm.

Sung túc trên cát trắng

“Cát bay, cát nhảy” là từ thường được dùng khi nói tới những vùng đất nông nghiệp ở Ninh Thuận và thôn Tuấn Tú không phải là một ngoại lệ. Người nông dân ở đây quanh năm chịu khó trồng trọt nhưng cái nghèo cứ đeo bám mãi.

“Trước năm 2010, tôi trồng đậu phộng, cải, hành... nhưng không đủ ăn vì cứ đến vụ thu hoạch là giá thu mua lại bị hạ xuống”, ông Hùng Ky kể khi đến thăm nhà ông Não Văn Xây, qua con đường hai bên vẫn đầy bụi xương rồng mọc tự nhiên nhưng không át được màu của cánh đồng măng tây xanh ngát.

Vợ chồng ông Não Văn Xây đang lúi húi làm ở vườn măng tây phía sau căn nhà một tầng khang trang rộng hơn 100m2 với khoảnh sân rộng lát xi măng có mái che chắc chắn. “Tôi cất căn nhà này năm 2019, ba năm sau khi vào HTX, hết khoảng 700 triệu đồng, rồi dọn về đây ở cho tiện chăm măng tây chứ không ở căn nhà cũ nát trong làng nữa,” ông Não Văn Xây vừa khoe vừa thoăn thoắt buộc những cây măng tây mẹ vào cột để giữ cho cây thẳng. “Trồng hành, cải, tỏi... như trước đây thu lên, cày lại rồi cắm xuống, miết vậy không có nổi nhưng giờ tôi hoành tráng rồi,” ông Não Văn Xây nói rồi chỉ tay giới thiệu căn nhà to đẹp của ông Hùng Ky cách đó không xa, nơi có vài chiếc ô tô đỗ.

Ở thôn Tuấn Tú ngày nay không chỉ gia đình ông Hùng Ky hay ông Não Văn Xây có thu nhập ổn định và tích lũy làm giàu mà tất cả người Chăm là thành viên HTX Tuấn Tú đều như vậy. “Với 1.000m2 trồng măng tây thì sáng mở mắt ra đã thấy 500.000 đồng”, ông Hùng Ky tiết lộ. Với diện tích trồng măng tây của HTX là 53ha và giá bán thỏa thuận cố định với doanh nghiệp là 50.000 đồng/kg, doanh thu của từng hộ gia đình nói riêng và HTX nói chung không hề nhỏ, nhất là đối với những người nông dân đi lên từ hai bàn tay trắng. Cụ thể, theo ông Hùng Ky, từ con số không, giờ đây HTX với 84 thành viên đã có doanh thu hơn 10 tỷ đồng/năm.

Ông Hùng Ky, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. 

Mọi đổi thay bắt đầu từ năm 2011, khi Trung tâm Khuyến nông tỉnh Ninh Thuận hỗ trợ đưa giống măng tây về phát miễn phí và hướng dẫn cách trồng thí điểm cho những hộ nghèo ở địa phương như gia đình ông Hùng Ky. Khi đó, mỗi hộ được cấp giống trồng đủ cho 500m2. “Năm đó chưa thành công. Cây vẫn lên nhưng bán không được. Người dân địa phương gọi cây này là cây dương liễu, hoặc tưởng là măng tre, măng trúc và họ chưa dám ăn cây này. Tôi mang ra chợ bán chỉ được từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng/kg”, ông Hùng Ky nhớ lại những tháng đầu làm măng tây. Nhưng mọi nỗ lực đã được đền đáp xứng đáng khi người dân trong tỉnh và khách hàng đặt hàng ngày càng nhiều. Ông Hùng Ky tăng diện tích trồng măng tây của mình lên 2, 3 rồi 4 sào. “Tới năm 2016, tôi mới thực sự thành công, vừa đạt năng suất cao vừa có thị trường. Mỗi ngày khi đó tôi thu được hơn 1 triệu đồng mà mới chỉ là bán tự do theo thị trường”, ông Hùng Ky cho biết.

Cùng nhau làm giàu

Tháng 6-2016, chính quyền địa phương gợi ý và hỗ trợ những cá nhân làm kinh tế giỏi như ông Hùng Ky thành lập HTX. Ông Hùng Ky kể: “Từ nông dân nghèo, giờ lại được bầu lên làm Giám đốc HTX mình rất bỡ ngỡ. Không biết nguồn thu từ đâu, làm như thế nào, theo luật nào... Nhưng bản thân tôi xác định mình làm kinh tế được rồi thì cũng ráng giúp bà con làm được như mình”. Thế rồi HTX Tuấn Tú được thành lập với 13 thành viên, phần đóng góp tài chính của mỗi người chỉ vài triệu đồng nhưng đa số phải nợ. Vậy nhưng đó là khó khăn của buổi ban đầu. Thành công nối tiếp thành công, chỉ trong vòng hơn 6 năm của HTX mà nông dân Hùng Ky làm Giám đốc tới nay đã có số thành viên lên tới 84.

Cây măng tây ở Tuấn Tú khiến người dân luôn quấn quýt với ruộng vườn. Ông Não Văn Xây cho biết: "Đầu tiên trồng rất vất vả. Từ chăm hạt nảy mầm, cây con lớn lên thành cây tơ rồi thành cây mẹ, từ cây mẹ mới nứt ra gốc măng để thu hoạch. Cũng công phu lắm chứ không đơn giản đâu. Làm cây này không có đi đâu được. Ngày nào cũng phải cột cây, tỉa cây, tưới nước...”. May thay, với giống cây từ Hà Lan cho năng suất cao và chất lượng tốt, cây trồng một lần nhiều năm sau mới phải trồng lại. Măng tây sinh trưởng và cho thu hoạch rất nhanh. Một cây măng mọc cao từ 12 đến 15cm mỗi đêm và thu hoạch liên tục ba tháng mới nghỉ một tháng. Vậy nhưng nếu người nông dân không theo mô hình HTX mà tự trồng và bán cho thương lái thì có lúc được hưởng lợi từ giá cao, nhưng thường bị ép giá và trong những tình huống đặc biệt có thể bị mất trắng.

“Quan điểm của HTX là bà con chỉ làm sao sản xuất được nhiều sản phẩm sạch. Giá cả thì Ban Quản lý HTX chịu trách nhiệm thay mặt bà con ký hợp đồng với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm. Không có chuyện sản phẩm nhiều thì giá xuống, sản phẩm ít thì giá lên”, ông Hùng Ky khẳng định. Ngược lại, doanh nghiệp cũng tin tưởng ở HTX Tuấn Tú vì khi giá lên, HTX cũng cố gắng bảo đảm các thành viên không bán ra ngoài cho thương lái. “Chúng tôi cũng phải tự quản các thành viên, nếu ai bán ra ngoài tới lần thứ ba thì sẽ bị mời ra khỏi HTX. Đã có trường hợp như vậy và đã ra khỏi HTX thì chúng tôi không cho vào lại”, ông Hùng Ky nói.

Cũng chính nhờ việc ký hợp đồng lâu dài bao tiêu sản phẩm với giá cố định, các doanh nghiệp vẫn chịu trách nhiệm trả tiền đúng theo hợp đồng và thu mua sản phẩm ngay cả trong đại dịch Covid-19 năm 2021, khi ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận cũng bị ảnh hưởng tiêu cực như ở nhiều địa phương khác trên cả nước. Hơn nữa, các doanh nghiệp cũng hỗ trợ giống và vốn để các thành viên HTX có điều kiện mở rộng diện tích trồng măng tây.

HTX Tuấn Tú không chỉ giúp các thành viên của mình làm giàu mà còn hỗ trợ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong thôn, xã dần thoát nghèo. Các thành viên HTX được hưởng nhiều quyền lợi như tham gia các hội thảo, các buổi tập huấn hướng dẫn cách chăm sóc cây, ứng dụng các kỹ thuật tưới tiên tiến hay được hỗ trợ về giống, vốn và phân bón... Tuy vậy, ông Hùng Ky cho biết, làm giàu bằng cây măng tây giờ không khó nếu là thành viên của HTX, nhưng không phải ai muốn vào HTX cũng có thể vào được bởi muốn tham gia thì phải có đất canh tác mà không phải ai cũng có đất đủ rộng để trồng măng tây. Bởi thực tế đó, trong thôn vẫn còn hộ nghèo cần giúp đỡ. HTX của ông Hùng Ky giúp những hộ gia đình này bằng cách cho vay vốn để phát triển sản xuất, tìm cách thoát nghèo. “Năm 2019, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam huyện Ninh Phước giao cho chúng tôi giúp 20 hộ thoát nghèo. Tới cuối năm 2020, tôi báo cáo trước Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc là đã hoàn thành nhiệm vụ”, ông Hùng Ky cho biết. Bản thân ông giờ đây vì bận công việc của HTX và hướng dẫn kỹ thuật cho bà con nên cũng phải thuê người làm măng tây cho mình với mức trả 7,5 triệu đồng/người/tháng và theo ông, đây cũng là một cách giúp tạo thêm thu nhập từ lao động nhàn rỗi nhờ cây măng tây.

Đổi thay từ chủ trương đúng

Thành công của ông Hùng Ky nói riêng và HTX Tuấn Tú nói chung đến từ những nỗ lực, quyết tâm của từng cá nhân, nhưng trước hết xuất phát từ những chủ trương đúng và kịp thời. Báo cáo nhiệm kỳ 2016-2021 của HTX Tuấn Tú có đoạn: “Được sự quan tâm của Ủy ban MTTQ Việt Nam về công tác giảm nghèo bền vững, Ủy ban MTTQ tỉnh, huyện, xã chọn HTX để thực hiện dự án trồng măng tây xanh thoát nghèo. Chọn 24 hộ nghèo và cận nghèo, hộ khó khăn để hỗ trợ vốn cho mỗi hộ là 15 triệu đồng đầu tư hệ thống tưới, thời gian thu hồi vốn là 3 năm...”.

Trong hoạt động tổng thể của HTX Tuấn Tú, có thể thấy rõ sự lãnh đạo và hỗ trợ sát sao của các cấp ủy đảng, MTTQ, đoàn thể và các tổ chức liên quan. Nhờ đó, HTX Tuấn Tú đã liên kết được với các công ty để sản xuất lâu dài, hỗ trợ tổ chức các hội nghị tập huấn nâng cao năng lực, hướng dẫn kỹ thuật, cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, công tác bình đẳng giới và cấp chứng chỉ VietGAP cho thành viên HTX.

Ông Hồ Thanh Phong, Phó chủ tịch UBND xã An Hải khẳng định, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước hỗ trợ về thành lập HTX, trong đó bao gồm bao tiêu sản phẩm, nhà sơ chế, trang thiết bị, giống, vật tư... rất phù hợp để bà con từ thoát nghèo vươn lên làm giàu bền vững. “Từ khi trồng măng tây, đời sống đồng bào Chăm phát triển tốt hơn, bền vững hơn, khang trang hơn. Tuấn Tú là thôn có 100% bà con là đồng bào Chăm nhưng có đời sống và an ninh ổn định, số hộ nghèo trước đây chiếm hơn 30%, giờ giảm xuống dưới 5%. Đây là thành công lớn”, ông Hồ Thanh Phong cho biết.

Màu xanh của măng tây đã trở thành màu chủ đạo không chỉ của thôn Tuấn Tú mà đang lan rộng ra cả xã An Hải, thay cho hình ảnh về miền đất nghèo khó “cát bay, cát nhảy” với những cụm cây xương rồng. Từ 1ha trồng thử nghiệm măng tây năm 2010, đến nay xã đã có 110,2ha, theo nghị quyết của Đảng ủy xã đề ra cho 300ha rau an toàn. Không dừng lại ở đó, ông Hồ Thanh Phong cho biết, xã tiếp tục đề nghị các tổ chức xã hội như MTTQ, hội nông dân, ngân hàng chính sách xã hội hỗ trợ vốn để bà con đầu tư và tái đầu tư cho vườn măng tây, thay đổi từ công nghệ lạc hậu sang tiêu chuẩn VietGAP, áp dụng công nghệ cao và đa dạng hóa sản phẩm. “Tới năm 2025, chúng tôi cố gắng phấn đấu nâng diện tích trồng măng tây lên 15ha, phấn đấu có những cánh đồng lớn từ 20 đến 35ha”, ông Hồ Thanh Phong không giấu tham vọng.

Người Chăm như ông Hùng Ky đã làm giàu thành công nhờ chọn đúng loại cây, xây dựng được mô hình phát triển nông nghiệp bền vững trên chính mảnh đất khó khăn của quê hương mình. Mới chỉ hoạt động được hơn 6 năm nhưng HTX Tuấn Tú đã nhiều lần được đón các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước về thăm, chúc mừng cho thành công của địa phương nơi có đồng bào dân tộc Chăm chăm chỉ làm giàu.

Bài và ảnh: NGỌC HƯNG

 

Tags: Chăm