Nhà đầu tư chiến lược khu kinh tế Vân Phong phải có vốn trên 10.000 tỷ đồng

Khu kinh tế Vân Phong ưu tiên các dự án đầu tư xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển, xây khu nghỉ dưỡng có sân golf...

Sáng 16/6/ Quốc hội đã tiến hành bấm nút biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa với 477/480 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 95,78%). 

Nghị quyết quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với tỉnh Khánh Hòa về quản lý tài chính, ngân sách Nhà nước; phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực quy hoạch, đất đai, môi trường; tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công; phát triển Khu kinh tế Vân Phong và phát triển kinh tế biển tại tỉnh Khánh Hòa.

Về quản lý tài chính, ngân sách Nhà nước, Nghị quyết quy định, hàng năm, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách tỉnh không quá 70% số tăng thu ngân sách trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh so với dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao. Việc xác định số bổ sung có mục tiêu trên cơ sở tổng các khoản thu, không tính riêng từng khoản thu.

Tỉnh được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ.

Về quản lý đất đai, Nghị quyết quy định HĐND tỉnh quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500 ha; quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất dưới 1.000 ha theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ. 

Tiêu điểm - Nhà đầu tư chiến lược khu kinh tế Vân Phong phải có vốn trên 10.000 tỷ đồng

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.

Về cơ chế đặc thù để phát triển khu kinh tế Vân Phong, Quốc hội quyết nghị danh mục ngành, nghề ưu tiên thu hút gồm: Đầu tư xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D); đầu tư công nghệ thông tin, nghiên cứu, sản xuất và chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực đại dương, hàng hải có quy mô vốn đầu tư từ 1.500 tỷ đồng trở lên; đầu tư xây dựng và kinh doanh trung tâm thương mại, tài chính có quy mô vốn đầu tư trên 12.000 tỷ.

Đầu tư xây dựng và kinh doanh khu đô thị với quy mô diện tích đất từ 300 ha trở lên hoặc có quy mô dân số từ 50.000 người trở lên; đầu tư xây dựng và kinh doanh khách sạn, khu du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp và vui chơi giải trí tổng hợp có sân golf với quy mô vốn đầu tư trên 25.000 tỷ cũng là ngành nghề được ưu tiên.

Ngoài ra khu Kinh tế Vân Phong còn ưu tiên loại hình xây dựng và kinh doanh sân bay, đầu tư bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển đặc biệt.

Nhà đầu tư chiến lược phải đáp ứng có vốn điều lệ từ 10.000 tỷ đồng trở lên hoặc có tổng tài sản từ 25.000 tỷ đồng trở lên khi thực hiện các dự án đầu tư trung tâm thương mại, tài chính quy mô trên 12.000 tỷ đồng và có kinh nghiệm đầu tư dự án trong lĩnh vực tương tự có tổng vốn đầu tư từ 10.000 tỷ đồng trở lên; Hoặc có vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng trở lên khi thực hiện các dự án đầu tư năng lượng sạch, công nghệ chế biến chế tạo năng lượng cao, hạ tầng khu phi thuế quan có vốn trên 6.000 tỷ đồng...

Nhà đầu tư chiến lược đủ điều kiện trên phải có cam kết bằng văn bản về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng các điều kiện bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường.

Đa số ý kiến cho rằng việc thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào khu kinh tế Vân Phong là phù hợp, song có ý kiến đề nghị lưu ý vấn đề quốc phòng, an ninh. Đặc biệt, cần có cơ chế kiểm soát để tránh chuyển nhượng thứ cấp cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Tiêu điểm - Nhà đầu tư chiến lược khu kinh tế Vân Phong phải có vốn trên 10.000 tỷ đồng (Hình 2).

Các đại biểu bấm nút thông qua Nghị quyết.

Ủy ban thường vụ Quốc hội nhấn mạnh Nghị quyết đã quy định rõ nhà đầu tư chiến lược phải đáp ứng các điều kiện bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Ngoài ra, trong quá trình thực hiện, các nhà đầu tư (bao gồm cả trong nước và nước ngoài) đều phải tuân thủ quy định của Luật Đầu tư nhằm bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng chú trọng khâu tổ chức thực hiện, giám sát chặt chẽ, bảo đảm thực hiện nghiêm quy định của pháp luật đối với mọi dự án đầu tư...

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2022 và được thực hiện trong 5 năm.

Lượt xem: 121
Tác giả: Hoàng Thị Bích
Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.