Nhiều doanh nghiệp ở Gia Lai trây ỳ, nợ bảo hiểm xã hội

Tại Gia Lai, có hàng trăm doanh nghiệp trây ỳ, nợ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Nhiều doanh nghiệp ở Gia Lai trây ỳ, nợ bảo hiểm xã hội

Tham gia bảo hiểm để người lao động có đầy đủ quyền lợi chính đáng. Ảnh: THANH TUẤN

Người lao động bị thiệt thòi quyền lợi

Ngày 17.10, Bảo hiểm xã hội tỉnh Gia Lai cho biết, thống kê mới nhất, toàn tỉnh có 1.637 đơn vị với 22.644 lao động trong đó có 862 đơn vị chưa tham gia BHXH, BHYT bắt buộc tương ứng với 12.688 lao động và 775 doanh nghiệp chưa tham gia BHXH, BHYT bắt buộc đầy đủ cho 9.956 lao động.

Riêng TP Pleiku có 752 đơn vị chưa tham gia BHXH, BHYT bắt buộc với 6.238 lao động; 450 đơn vị chưa tham gia BHXH, BHYT bắt buộc đầy đủ với 1.350 lao động.

Anh Nguyễn Văn Tài, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân ở TP Pleiku, Gia Lai cho biết: “Năm nay, tình hình kinh tế, hoạt động sản xuất của công ty gặp khó khăn. Các chủ đầu tư dự án còn nợ tiền thi công, chưa thanh lý đơn hàng của doanh nghiệp. Doanh nghiệp lại chật vật vay vốn và trả lãi suất đều đặn hằng tháng cho ngân hàng nên chưa đủ nguồn tài chính để bố trí nộp bảo hiểm cho người lao động (NLĐ). Bản thân chủ doanh nghiệp cũng rất đau xót trước tình hình này, lo lắng NLĐ sẽ chán nản nhưng đành phải hứa hẹn khi kinh tế khởi sắc giám đốc sẽ thực hiện nghĩa vụ đầy đủ”.

Chị Bùi Thị Hình - công nhân Công ty Dệt may tại đường Lê Duẩn, TP Pleiku - chia sẻ: “Công ty giảm đơn đặt hàng, nhiều lao động phải làm việc theo thời vụ, cầm chừng, nghỉ việc. Tuy nhiên, việc đóng bảo hiểm cho công nhân là điều hết sức cần thiết, để khi ốm đau, hoạn nạn, người lao động nhập viện điều trị đỡ tốn kém. Nhiều công nhân bị bệnh nghề nghiệp, đau ốm liên miên, nếu nhập viện thì tốn kém chi phí 3-4 tháng lương là bình thường. Ai cũng lo lắng khi đau ốm vì chi phí thiếu hụt, con nhỏ đang tuổi đến trường… Người sử dụng lao động có thể nợ bảo hiểm 2-3 tháng, nhưng kéo dài trên 6 tháng thì công nhân mất niềm tin, khốn khổ”.

Cần bảo vệ quyền lợi người lao động

Ông Trần Văn Lực - Giám đốc BHXH tỉnh Gia Lai - đánh giá, việc người sử dụng lao động không tham gia hoặc tham gia chưa đầy đủ BHXH, BHYT, BHTN gây ra tác động tiêu cực đối với NLĐ. NLĐ mất quyền lợi về BHXH, không được hưởng chế độ hưu trí nếu không đóng đủ số năm BHXH theo quy định.

Nếu đơn vị không tham gia BHXH, NLĐ cũng không thể hưởng các chế độ như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp, gây khó khăn trong trường hợp cần chăm sóc sức khỏe hoặc bảo vệ quyền lợi cá nhân.

NLĐ cũng bị mất quyền lợi về BHYT, không được chi trả chi phí khám chữa bệnh. Việc không được đóng bảo hiểm đầy đủ có thể khiến NLĐ lo lắng về sự bấp bênh và bất ổn trong cuộc sống, giảm sự hài lòng và động lực làm việc. “Đơn vị đề nghị các sở, ngành của tỉnh Gia Lai trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình và địa bàn được phân công phụ trách tích cực phối hợp, triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên lĩnh vực được phân công, phụ trách” - ông Trần Văn Lực nói.

Bảo hiểm xã hội tỉnh đề nghị các doanh nghiệp khi có giao kết hợp đồng lao động thì tham gia BHXH, BHYT, BHTN đầy đủ cho NLĐ đồng thời chuyển hồ sơ cho cơ quan Cảnh sát điều tra nếu phát hiện công ty trốn đóng BHXH thời gian dài, vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

BHXH tỉnh Gia Lai sẽ công khai danh tính đơn vị nợ các loại bảo hiểm trên phương tiện thông tin đại chúng. Trong công tác chuyên môn, nhân viên của đơn vị sẽ hỗ trợ để NLĐ có thể tra cứu thời gian đóng BHXH, BHYT, BHTN của bản thân, giúp NLĐ nắm bắt đầy đủ thông tin về việc đóng, nộp của doanh nghiệp. Nhờ vậy, công nhân, NLĐ chủ động hơn trong việc tham gia giám sát doanh nghiệp thực hiện chính sách, pháp luật bảo hiểm.

Lượt xem: 3
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.