Nhiều doanh nghiệp ổn định lao động cho đơn hàng cuối năm
Thời điểm cuối năm, nhiều doanh nghiệp đã ổn định lực lượng lao động để hoàn thành đơn hàng theo kế hoạch. Một số ít doanh nghiệp tuyển dụng để bù lại lượng người lao động nghỉ việc hoặc kịp đơn hàng cho dịp Tết.
Sẽ tăng tuyển dụng từ đầu năm 2025
Ông Nguyễn Văn Chí - Chủ tịch Công đoàn Công ty Crystal Martin (Bắc Giang) - cho biết, mỗi tháng công ty chỉ tuyển dụng bù khoảng 40-50 người lao động. Theo ông Chí, nguyên nhân công ty tuyển ít lao động vào thời gian cuối năm là do đã ổn định các đơn hàng; lực lượng lao động đã đủ để đáp ứng nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp.
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Ngô Đức Thắng - Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang - cho biết, thời điểm này các công ty trong các khu công nghiệp của tỉnh hầu như không tuyển dụng, chỉ có một số ít công ty tuyển để bù vào số lượng lao động hao hụt, nhưng số lượng không đáng kể.
Anh Nguyễn Văn Thanh (30 tuổi) - nhân viên phụ trách lĩnh vực tuyển dụng nhân sự cho một công ty may mặc ở Nam Định cho biết, đến hết tháng 11, công ty anh phải tuyển thêm 200 công nhân để kịp sản xuất hàng trước Tết Nguyên đán 2025.
“Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi đã tuyển gần đủ nhân sự. Từ tháng 9.2024, công ty đã ký đơn hàng dài hạn với 2 đối tác khách hàng mới. Do đó, lãnh đạo công ty quyết định thành lập thêm chi nhánh mới, đồng thời tuyển dụng thêm nhiều lao động, đơn hàng dự kiến kéo dài đến giữa năm 2025” - anh Thanh nói.
Anh Nguyễn Văn Nam - Trưởng phòng nhân sự công ty may mặc ở Nam Định cho hay: “Hiện tại, doanh nghiệp mới tuyển được 110 lao động, do vậy, công nhân cũ phải tăng ca 3-4 tiếng/ngày, chúng tôi thuê thêm lao động ngoài làm cuối tuần mới có thể kịp đơn hàng trước Tết”.
Tập trung nắm bắt nhu cầu sử dụng lao động
Anh Nguyễn Trung Thành (huyện Văn Lâm, Hưng Yên) sau khoảng thời gian hơn 6 năm làm thợ cơ khí ở Hà Nội, gần đây có ý định tìm việc làm ở gần nhà để chăm sóc gia đình.
“Tìm hiểu từ trang web của Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Hưng Yên, tôi đã lựa chọn được một doanh nghiệp ngay tại xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên - gần nhà để nộp hồ sơ ứng tuyển làm kỹ thuật viên máy CNC (điều khiển bằng máy tính để gia công cơ khí). Với mức lương từ 7-10 triệu đồng, lại được làm việc ở gần nhà cũng là một lựa chọn tốt, phù hợp với hoàn cảnh gia đình tôi trong thời điểm hiện nay” - anh Thành chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên, ông Trịnh Trung Kiên - Chủ tịch LĐLĐ huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng yên cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có 10/17 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động và tiếp nhận gần 600 dự án đầu tư trong nước và nước ngoài. Các dự án đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh tạo việc làm cho khoảng 81.500 người lao động và tại huyện Văn Lâm cũng có cụm, khu công nghiệp có nhiều doanh nghiệp hoạt động...
Trong 9 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh Hưng Yên giải quyết việc làm cho gần 22.000 người. Trong đó, có 3.011 người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, chủ yếu ở các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia…
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hưng Yên, từ đầu năm 2024 đến nay, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng trên 34.000 người lao động; dự kiến năm 2025, có nhu cầu tuyển dụng trên 39.000 người lao động...
Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2025 của Chính phủ, từ đầu năm đến nay, tình hình lao động, việc làm chuyển biến tích cực. Chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên (tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ năm 2024 ước đạt 28,1%, tăng 1,3%). Tính chung 9 tháng, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,5 triệu người, tăng 210.600 người so với cùng kỳ; lao động có việc làm là 51,4 triệu người, tăng 212.000 người; tỉ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 2,38%, giảm 0,17% so với cùng kỳ. Thu nhập bình quân người lao động đạt khoảng 7,6 triệu đồng, tăng 7,4%. Trong năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 70%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt khoảng 29 - 29,5%; tỉ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%.