Nuôi tôm hùm ở các tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ: Nhiều khó khăn cần tháo gỡ

Tôm hùm là sản phẩm có giá trị kinh tế cao, giàu dinh dưỡng, được người dân trong nước và một số thị trường lớn trên thế giới ưa chuộng. Đây cũng là mặt hàng đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của nhiều địa phương. Tuy nhiên, hoạt động nuôi tôm hùm trên địa bàn các tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ nói riêng và phạm vi cả nước nói chung vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức cần tháo gỡ.

Nguồn giống phụ thuộc thiên nhiên

Tôm hùm được nuôi nhiều tại các tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, trong đó, Khánh Hòa, Phú Yên và Ninh Thuận là 3 địa phương có sản lượng nuôi tôm hùm lớn nhất cả nước. 

Mô hình nuôi tôm hùm trong lồng nhựa HDPE tại tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: ĐẶNG TUẤN 

Tại Ninh Thuận, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 3.200 lồng nuôi tôm hùm, phân bố ở các vùng nuôi trồng thủy sản trên lồng bè tại huyện Ninh Hải, huyện Thuận Nam. Sản lượng thu hoạch toàn tỉnh năm 2023 đạt khoảng 150 tấn. Đối với Khánh Hòa, tôm hùm là đối tượng nuôi biển trọng điểm của tỉnh, được nuôi tập trung tại huyện Vạn Ninh, thị xã Ninh Hòa, TP Nha Trang và TP Cam Ranh. Năm 2023, số lượng lồng thả nuôi tôm hùm tại Khánh Hòa đạt gần 75.000 lồng với sản lượng hơn 1.518 tấn. Còn tại “thủ phủ” tôm hùm Phú Yên, hiện có hơn 88.000 lồng nuôi tôm hùm, trong đó, riêng thị xã Sông Cầu sở hữu hơn 60.000 lồng. Sản lượng tôm hùm toàn tỉnh năm 2023 đạt khoảng 2.000 tấn.

Tuy nhiên, giai đoạn cuối năm 2023, đầu năm 2024, hoạt động xuất khẩu tôm hùm, đặc biệt là tôm hùm bông gặp nhiều khó khăn. Theo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tôm hùm bông muốn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc phải bảo đảm điều kiện không được đánh bắt trực tiếp từ biển và phải có minh chứng quá trình nuôi rõ ràng, không sử dụng nguồn giống khai thác từ tự nhiên. 

Anh Nguyễn Minh Đài thực hiện lặn biển cho tôm hùm ăn. Ảnh: HOÀNG CHUNG 

Đến nay, Việt Nam chưa tạo được nguồn giống tôm hùm nói chung, tôm hùm bông nói riêng từ sinh sản mà hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên. Đây cũng đang là vướng mắc trong hoạt động xuất khẩu tôm hùm bông của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc. Nếu chủ động tạo ra được nguồn giống tôm hùm thì hoạt động xuất khẩu trước mắt sẽ được gỡ khó, quá trình nuôi tôm hùm của người dân cũng trở nên thuận lợi hơn.

Để tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề này, chúng tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Minh Đài, trú tại tổ Phú Hải, phường Cam Phú, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Anh Đài là chủ hộ nuôi tôm hùm với hơn 50 lồng, mỗi lồng nuôi khoảng 500 con, chủ yếu là tôm hùm xanh. Trước kia, anh Đài cũng nuôi tôm hùm bông, nhưng vài năm trở lại đây, do tôm hùm bông xuất khẩu không ổn định nên anh chuyển sang nuôi tôm hùm xanh. 

Tôm hùm được thu mua trên lồng bè tại vùng biển thuộc TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: HOÀNG CHUNG 

 Chia sẻ về vấn đề con giống, anh Đài cho biết: “Do chưa có nguồn giống tôm hùm từ sinh sản nên gia đình khá tốn kém trong việc mua tôm giống. Mỗi vụ, tôi nhập khoảng 25.000 con tôm hùm giống với giá từ 50.000 đến 52.000 đồng/con. Như vậy, riêng tiền đầu tư tôm giống, tôi đã phải bỏ ra khoảng 1,2 tỷ đồng. Gia đình tôi cũng đã thử cho tôm hùm sinh sản nhưng không có kết quả như mong muốn”. 

Hiện nay, nguồn tôm hùm giống tại Việt Nam hoàn toàn được khai thác từ thiên nhiên, trong khi số lượng tôm hùm giống trong nước ngày càng giảm, hiện chỉ đáp ứng được 10-15% nhu cầu thị trường. Lượng tôm hùm giống chủ yếu được nhập từ các quốc gia như Indonesia, Malaysia, nhưng bản chất vẫn là tôm hùm con được đánh bắt từ tự nhiên.

Có thể thấy, việc tạo ra tôm hùm giống từ sinh sản để cung cấp cho thị trường là nhiệm vụ cấp thiết, là chìa khóa để giải bài toán nuôi tôm hùm bền vững. Chia sẻ về hoạt động nghiên cứu sinh sản tôm hùm, ông Võ Văn Nha, Viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, để trở thành con giống tôm hùm bông thương phẩm, ấu trùng sẽ phải trải qua 12 giai đoạn.

Cuối năm 2023, nhóm nghiên cứu của Viện đã tạo ra ấu trùng tôm hùm bông đến giai đoạn thứ 9 sau hơn 120 ngày nuôi. Về nguyên nhân chưa đi được tới giai đoạn thứ 10 do có nhiều ấu trùng chết, ông Võ Văn Nha nhận định: “Nguyên nhân đầu tiên là do nhu cầu dinh dưỡng đặc biệt khi ấu trùng lột xác. Nguyên nhân thứ hai có thể do chất lượng nước, môi trường bể nuôi sau 120 ngày. Thời gian tới, nhóm nghiên cứu sẽ cố gắng xử lý các vấn đề thức ăn, môi trường, tiến tới sản xuất thành công con giống tôm hùm bông”.

Giải bài toán thức ăn công nghiệp

Bên cạnh con giống thì nguồn thức ăn cho tôm hùm cũng đang là vấn đề khó khăn cần sớm được tháo gỡ. Hiện nay, tôm hùm chủ yếu được nuôi bằng thức ăn tươi chứ chưa có thức ăn công nghiệp dành riêng. Đây là một trong những yếu tố mang theo mầm bệnh cho tôm hùm cũng như tác động tiêu cực đến môi trường xung quanh.

Hoạt động mua bán tôm hùm của người dân. Ảnh: ĐẶNG TUẤN

Cùng anh Nguyễn Minh Đài ra khu lồng nuôi trên biển để cho tôm hùm ăn, chúng tôi di chuyển tới điểm neo đậu tàu tại khu vực ven bờ thuộc phường Cam Thuận, TP Cam Ranh. Xung quanh là hàng trăm lồng nuôi tôm hùm xếp ngổn ngang, nước đã chuyển màu đen và bốc mùi hôi tanh rất khó chịu. “Sau mỗi lứa thu hoạch tôm hùm từ 8 đến 10 tháng, các lồng nuôi tôm được người dân kéo về đây để xịt rửa, vệ sinh. Thức ăn tươi còn thừa cùng rác thải két lại trong lồng từ đó chảy ra môi trường, gây ô nhiễm nặng nề. Cuộc sống của người dân quanh đây cũng bị ảnh hưởng theo”, anh Đài chia sẻ.

Là người có kinh nghiệm lâu năm trong việc nuôi tôm hùm, anh Đài nhận định, bản chất tôm hùm là loài kén ăn, ưa thích thức ăn tươi sống nên anh chủ yếu nhập thức ăn tươi gồm sò, ốc, cá nhỏ. Gia đình anh cũng như nhiều hộ nuôi khác đã thử cho tôm hùm ăn thức ăn công nghiệp nhưng không hiệu quả. 

Theo các chuyên gia, thức ăn tươi có số lượng và chất lượng không ổn định do phụ thuộc vào mùa vụ khai thác, thời tiết và cách bảo quản. Điều đó dẫn đến nguồn thức ăn này dễ bị nhiễm mầm bệnh nguy hiểm cho đối tượng nuôi và giá cả biến động theo mùa. Ngoài ra, sử dụng thức ăn tươi còn làm gia tăng áp lực trong khai thác nguồn lợi thủy sản. Việc dùng thức ăn tươi cũng gây khó khăn trong khâu truy xuất nguồn gốc, qua đó làm giảm giá trị sản phẩm.

Hoạt động mua bán tôm hùm của người dân. Ảnh: ĐẶNG TUẤN 

Đối với hoạt động nghiên cứu, sản xuất thức ăn công nghiệp dành cho tôm hùm, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III đã sản xuất thức ăn công nghiệp áp dụng đối với nuôi tôm hùm trong bể cho kết quả tích cực về tỷ lệ sống, tăng trưởng và chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, trong điều kiện nuôi lồng tự nhiên, dòng chảy dưới biển sẽ làm giảm khả năng nhận biết thức ăn của tôm hùm, bên cạnh đó, tôm hùm cũng bị các loài cá biển khác tranh giành thức ăn nên việc áp dụng thức ăn công nghiệp chưa hiệu quả. 

Theo Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III, đây là những vấn đề cần khắc phục để sớm có thức ăn công nghiệp dành cho tôm hùm nuôi lồng biển. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường quan tâm, động viên, khích lệ, tạo cơ chế để thu hút các cá nhân, tổ chức tích cực tham gia nghiên cứu, sản xuất thức ăn công nghiệp dành cho tôm hùm.

HOÀNG CHUNG

Tags: tôm hùm
Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.