Ồ ạt rao bán biệt thự nghỉ dưỡng hàng chục tỉ đồng ở Hà Nội

Nhiều căn biệt thự nghỉ dưỡng vùng ven Hà Nội đang được chủ sở hữu đăng tin rao bán với giá hàng chục tỉ đồng.

Ồ ạt rao bán biệt thự nghỉ dưỡng hàng chục tỉ đồng ở Hà Nội

Biệt thự nghỉ dưỡng rộng 5.200 m2 đang rao bán ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Ảnh: Batdongsan.com.vn

Trao đổi với Lao Động, anh Nguyễn Văn Long (sinh sống tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, gia đình anh đang rao bán gấp khu biệt thự nghỉ dưỡng rộng 2.500 m2 với giá 19,5 tỉ đồng, tương đương 7,8 triệu đồng/m2 ở huyện Thạch Thất.

Theo anh Long, khu biệt thự nghỉ dưỡng này có diện tích khuôn viên rộng 2.500 m2, trong đó có 200 m2 đất thổ cư đã xây sẵn biệt thự 2 tầng, trồng xung quanh nhiều loại cây ăn quả. Do cần nguồn vốn để kinh doanh nên hơn 1 tháng nay, anh Long đang đăng tin rao bán gấp trên mạng xã hội.

Giới thiệu cho PV Lao Động một khu biệt thự nghỉ dưỡng ở xã Minh Trí (huyện Sóc Sơn) có diện tích khoảng 3.400m2, chị Lê Thị Trà My chia sẻ, do chủ nhà gặp khó khăn về tài chính, hiện khu biệt thự này được rao bán gấp với giá 18,9 tỉ đồng, tương đương 5,6 triệu đồng/m2.

Theo đó, công trình đã có 2 phòng ngủ, 1 phòng khách, 1 bếp và khoảng sân rộng để cắm trại, có thể kinh doanh dịch vụ du lịch hoặc có thể mở quán cà phê, khách mua chỉ việc vận hành, khai thác dịch vụ, du lịch.

Không chỉ ở huyện Thạch Thất, Sóc Sơn, nhiều căn biệt thự nghỉ dưỡng có giá hàng chục tỉ đồng cũng đang được chủ sở hữu rao bán gấp tại huyện Ba Vì, Thanh Oai, Quốc Oai...

a

Biệt thự nghỉ dưỡng ở Ba Vì (Hà Nội) đang được chủ nhà rao bán với giá 15 tỉ đồng. Ảnh: Chụp màn hình

Báo cáo thị trường bất động sản quý II/2024 của DKRA Group cho thấy, phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng, nguồn cung sơ cấp đã giảm 5% so với cùng kỳ. Sức cầu chung ở mức thấp, lượng tiêu thụ giảm 69% so với cùng kỳ, ở mức thấp nhất trong 1 thập kỷ qua.

Ông Võ Hồng Thắng - Giám đốc Bộ phận R&D của DKRA Group - nhận định, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng vẫn đang thiếu các yếu tố để hồi phục nhanh. Bên cạnh đó, khách hàng muốn mua các sản phẩm này cũng bị hạn chế cho vay từ phía ngân hàng. Đáng chú ý, ở phân khúc này, khách hàng chủ yếu là đầu tư cho thuê, kinh doanh hoặc mua để bán lại.

Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (Vars) - cho rằng, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng vẫn cần thêm thời gian để có thể tái nhập cuộc, bắt kịp đà phục hồi chung.

Cũng theo chuyên gia, ngoài việc tìm hướng đi từ du lịch, một số ý kiến cho rằng thu hút dòng kiều hối cũng là một giải pháp. Bởi lẽ, khác với xu hướng chung trong nước, dòng vốn kiều hối lại có xu hướng đổ vào những phân khúc có giá trị cao như bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng. Theo các chuyên gia, các sản phẩm “kén khách” này được Việt kiều ưa chuộng bởi họ có khả năng chi trả, mua để nghỉ dưỡng, cho thuê hoặc dưỡng già.

Đặc biệt là khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ 1.8.2024 có nhiều điểm thay đổi nhận được nhiều sự chú ý liên quan tới nhóm đối tượng này. Trong đó, hai nhóm đối tượng gồm người Việt định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt định cư ở nước ngoài sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.