Ôm mộng làm KOL, KOC kiếm tiền tỉ
Choáng ngợp trước doanh số được các kênh bán hàng tự công bố, không ít người ôm mộng bỏ việc làm hiện tại, chuyển hướng trở thành KOL, KOC để kiếm tiền tỉ.
Mở một cửa hàng bán quần áo ở huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai, chị Đào Mai đã phải tính toán chi tiết đủ thứ, từ địa điểm thuê, tiền vốn, nguồn hàng và lượng khách nhất định... Để có thể tự tin mở bán, chị đã chuẩn bị mọi thứ trong vài năm.
“Xu thế bây giờ là khách mua hàng online, tôi nghĩ cần đẩy mạnh việc bán hàng trên các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Tiktok…” - chị Mai tâm sự.
KOL, KOC là những từ chỉ nhóm người có sức ảnh hưởng hay một kiểu công việc sử dụng sự "ảnh hưởng trên các nền tảng mạng xã hội" để kiếm tiền. Do đó, ngoài việc tập tành bán hàng online, chị Mai cố gắng xây dựng bản thân trở thành một KOC.
"Trở thành KOL hay KOC là câu chuyện tưởng đơn giản nhưng không hề đơn giản. Kiếm tiền từ Tiktok là quá trình khá dài và tôi cần phải học hỏi nhiều hơn nữa" - chị Mai tâm sự.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Thu, một KOL chuyên livestream bán sản phẩm thời trang trên sàn thương mại điện tử, cho hay hình thức livestream đã bước vào giai đoạn bão hòa hơn 1 năm nay do lực lượng KOL, KOC tăng mạnh.
Người mong muốn trở thành KOL, KOC không ngoại trừ giới tính, độ tuổi, nghề nghiệp... Lúc này, đòi hỏi về tính sáng tạo ngày càng cao thì mới có thể cạnh tranh. Không khó để bắt gặp trường hợp KOL phải "làm trò" để tạo sự khác biệt nhằm thu hút khách hàng chốt đơn.
Thậm chí, có người bỏ số tiền hàng trăm triệu đồng đăng ký các khóa học xây dựng kênh, tăng lượt xem, lượt yêu thích trên Tiktok.
"Nhiều người thấy kiếm tiền từ nền tảng này quá dễ trong khi họ không hề biết thực hư đằng sau những phiên livestream tiền tỉ này là gì? Sau đó, họ đều vỡ mộng, mang gánh nặng nợ nần" - chị Thu cho biết.
Theo chị Thu, thu nhập từ livestream, affiliate (tiếp thị liên kết) không ổn định, phụ thuộc nhiều yếu tố như tính chất của sản phẩm, giá cả, voucher khuyến mãi.
Trường hợp KOL, KOC vô ý gắn nhầm hàng giả, hàng nhái vào video và bị "bóc phốt" thì coi như bỏ. Đã có KOL, KOC phải dừng công việc này hoặc phải kinh doanh thêm ở bên ngoài.
Bà Đỗ Thị Hải Đăng - giảng viên Khoa Quan hệ Công chúng và Quảng cáo (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) - nhận định, bên cạnh các phiên livestream có thu nhập thực tế lên đến tiền tỉ, không ít các cá nhân đã vỡ mộng khi đầu tư vào việc trở thành KOC, KOL.
Bà Đỗ Thị Hải Đăng cho rằng, người trẻ cần nhìn nhận đúng bản chất của nghề KOL, KOC. Nghề này sẽ được chuyên nghiệp hóa trong tương lai gần.
Chính bản thân các KOL, KOC cũng nên trang bị kiến thức truyền thông, marketing để hoàn thiện bản thân. Ngành nghề nào cũng đòi hỏi sự đầu tư công sức, thời gian và kiên trì.
"KOL, KOC là một nghề cần được chuyên nghiệp hóa, quản lý người nổi tiếng, quản trị rủi ro. Các KOL, KOC ngày nay cũng nên trang bị thêm kiến thức về truyền thông, marketing để hoàn thiện bản thân, từ đó nâng cao giá trị nghề và có sự nghiệp bền vững hơn", vị chuyên gia đưa ra lời khuyên.
Nếu như KOL (Key Opinion Leader) là cá nhân, tổ chức có kiến thức chuyên môn về một lĩnh vực nào đó, được mọi người tin tưởng, ủng hộ thì KOC (Key Opinion Consumer) lại là những người tiêu dùng có sức ảnh hưởng trên thị trường.