Ông Nguyễn Đỗ Lăng và những lần đeo khăn tím tuyên bố "gồng lãi" cổ phiếu "họ Apec"

Tổng Giám đốc Chứng khoán APEC Nguyễn Đỗ Lăng được nhắc đến nhiều nhất đi cùng những phát ngôn gây ấn tượng như "gồng lãi", cổ phiếu "hoa hậu".

Ngày 28/6, Công an Hà Nội cho biết Cơ quan An ninh điều tra vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự thao túng thị trường chứng khoán, xảy ra tại Công ty Cổ phần chứng khoán châu Á Thái Bình Dương (Chứng khoán APEC - APS); Công ty Cổ phần đầu tư châu Á Thái Bình Dương (API) và Công ty Cổ phần đầu tư IDJ Việt Nam (IDJ).

Cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam 5 bị can về tội Thao túng thị trường chứng khoán, quy định tại Điều 211 Bộ luật hình sự 2015.

Gồm: Nguyễn Đỗ Lăng - Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán APEC, Phạm Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT, Huỳnh Thị Mai Dung (vợ ông Lăng), Nguyễn Thị Thanh - Kế toán trưởng, Phạm Thị Đức Việt - Phó phòng dịch vụ khách hàng.

Cả 3 công ty này đều là những doanh nghiệp chủ chốt nằm trong hệ sinh thái Apec Group và ông chủ Nguyễn Đỗ Lăng; đang niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).

Tại Apec Group, ông Nguyễn Đỗ Lăng là cái tên được nhắc đến nhiều nhất và có mối liên quan mật thiết dù hiện không còn trực tiếp đứng tên Chủ tịch, song tầm ảnh hưởng của doanh nhân tại nhóm này vẫn rất đáng kể.

Hồ sơ doanh nghiệp - Ông Nguyễn Đỗ Lăng và những lần đeo khăn tím tuyên bố 'gồng lãi' cổ phiếu 'họ Apec'

Ông Nguyễn Đỗ Lăng - Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán Apec.

Ông Nguyễn Đỗ Lăng sinh năm 1974 và là người sáng lập Apec Group. Ông tốt nghiệp Thạc sĩ kinh tế tại Đại học Trento (Ý). 

Năm 1998, ông Lăng đảm nhiệm vị trí Giám đốc điều hành Công ty Prometeo - Italia. Từ năm 2000 - 2006, ông Lăng giữ vị trí Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Tư vấn quốc tế Cát Tường - CIC. Ngoài ra, ông Lăng còn có nhiều năm giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Cotana (HNX: CSC).

Từ tháng 6/2020 đến nay, ông Lăng là Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc APS, Thành viên HĐQT IDJ và Thành viên HĐQT API.

Tính đến 31/12/2022, ông Lăng là cổ đông lớn nhất nắm 11,8 triệu cổ phiếu APS, tương đương 14,3% vốn điều lệ công ty chứng khoán này.

Tại API, ông Lăng cũng nắm giữ gần 16,5 triệu cổ phiếu, chiếm 19,6% vốn điều lệ, còn bà Huỳnh Thị Mai Dung - vợ ông Lăng nắm gần 8,3 triệu cổ phiếu API, tương đương 9,82% vốn điều lệ.

Đối với IDJ, ông Nguyễn Đỗ Lăng là Thành viên HĐQT và sở hữu 2,26 triệu cổ phiếu, vợ ông sở hữu gần 6 triệu cổ phiếu và con trai ông là Nguyễn Đỗ Đức Lâm sở hữu hơn 1 triệu cổ phiếu, lần lượt tương đương 1,3%, 3,42% và 0,63% vốn điều lệ. Như vậy, tại IDJ gia đình ông sở hữu hơn 9,2 triệu cổ phiếu, chiếm 5,35% vốn điều lệ.

Đeo khăn tím và tuyên bố "gồng lãi"

Trên thị trường chứng khoán, ông Nguyễn Đỗ Lăng gây ấn tượng sau màn hô hào cổ đông Chứng khoán APEC "gồng lãi" tại ĐHĐCĐ diễn ra vào chiều ngày 16/11/2021.

Thời điểm đó, cổ phiếu APS lúc ấy "làm mưa làm gió" trên thị trường với chuỗi tăng phi mã. Từ cổ phiếu với thị giá “trà đá” ban đầu quanh 5.000 đồng/cổ phiếu cũng có diễn biến bứt tốc tăng mạnh lên mức đỉnh lịch sử 59.900 đồng/cổ phiếu vào phiên 18/11/2021, tăng gấp 14 lần chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm.

Sóng của cổ phiếu APS diễn ra trong thời điểm nhiều cổ phiếu trong hệ sinh thái Apec cũng đang nổi sóng trên thị trường. Cùng với đà tăng của APS, cổ phiếu API của Công ty Đầu tư châu Á - Thái Bình Dương tăng gấp 7 lần và cổ phiếu IDJ của Công ty CP Đầu tư IDJ Việt Nam cũng tăng gấp 5 lần so với hồi đầu năm.

Ngay sau khi lập mức đỉnh chưa từng có tiền lệ, cổ phiếu APS ghi nhận lao dốc không phanh khiến nhà đầu tư gần như không kịp trở tay. Sau 19 tháng, thị giá của cổ phiếu này chỉ còn 14.300 đồng/cổ phiếu, tương ứng bốc hơi khoảng 76% giá trị so với mức đỉnh.

Tuy nhiên, thời điểm cổ phiếu vẫn đang xây dựng mức đỉnh lịch sử, APS đã tổ chức ĐHĐCĐ 2021, khi đó ban lãnh đạo cùng cổ đông dự họp đã quàng khăn tím và hô vang khẩu hiệu: "APEC - sáng tạo, APEC - công hiến, APEC - phụng sự, APEC - quyết tâm, APEC - gồng lãi, APEC - quyết tâm gồng lãi" thu hút sự chú ý của đông đảo nhà đầu tư trên thị trường.

 

Hồ sơ doanh nghiệp - Ông Nguyễn Đỗ Lăng và những lần đeo khăn tím tuyên bố 'gồng lãi' cổ phiếu 'họ Apec' (Hình 2).

 

Clip hô hào gồng lãi tại ĐHĐCĐ năm 2021 của APS.

Thậm chí, lãnh đạo doanh nghiệp cũng có những phát biểu rằng: “Hiện chỉ số P/E của cổ phiếu APS là 6,9 lần, trong khi đó P/E trung bình ngành đang ở mức 18 lần. Như vậy, có thể thấy định giá cổ phiếu APS đang rẻ, có thể tăng trưởng gấp 2 đến 2,5 lần trong thời gian tới".

Cổ phiếu nhóm Apec có cơ hội trở thành “hoa hậu”

Tại ĐHĐCĐ năm 2023 diễn ra vào đầu tháng 6 vừa qua, ông Nguyễn Đỗ Lăng khẳng định trong tương lai, không ngạc nhiên khi giá cổ phiếu của APS tăng gấp đôi, gấp ba lần hiện tại.

“Hiện tại, các cổ phiếu trong nhóm Apec đang có cơ hội cao trở thành “hoa hậu” trong năm 2023 này. Việc trở thành “hoa hậu” đã khó thì việc giữ danh hiệu trong những năm tiếp theo cũng vô cùng thách thức”, ông Nguyễn Đỗ Lăng nói.

Về việc đầu tư cổ phiếu, ông Nguyễn Đỗ Lăng cho hay, đến thời điểm tổ chức ĐHĐCĐ 2023, công ty đã lãi tới 260 tỷ đồng khi đầu tư vào hai cổ phiếu IDJ và API, nếu giữ đến cuối năm có thể lãi khoảng 400 – 500 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nếu hai mã này tăng đến ngưỡng đủ để APS thực hiện hoá lợi nhuận, công ty sẵn sàng bán ra để bảo vệ thành quả cũng như quyền lợi của cổ đông.

“Nếu chúng tôi bán hai cổ phiếu API và IDJ cũng chỉ là động thái chốt lời, bảo vệ thành quả. Điều này cũng giúp APS có thêm nguồn lợi nhuận để chia cổ tức cao hơn, năm sau có thể chia cổ tức tỉ lệ 25%”, ông Lăng chia sẻ.

"Chứng khoán mang lại cho chúng ta rất nhiều niềm vui, vô cùng thăng hoa nhưng cũng đem tới quá nhiều đau khổ. Buồn nhất là khi giá cổ phiếu xuống, chúng ta lại bán “đúng đáy” rồi chứng kiến giá tăng trở lại. Đau kinh khủng luôn!”, ông Lăng nói thêm.

Nhóm công ty API, APS, IDJ gần đây đã lên tiếng về thông tin khởi tố vụ án hình sự về thao túng thị trường chứng khoán. Theo đó cả 3 công ty đều khẳng định không phải chủ thể có liên quan và/hoặc có những hoạt động liên quan đến vụ việc trên.

Sự việc hoàn toàn không tác động hoặc làm thay đổi các định hướng dài hạn cũng như hoạt động bình thường của các công ty, cũng như không ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng, cổ đông và các đối tác đang có giao dịch, hợp tác.

"Hiện nay, vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra và chưa có kết luận chính thức. Khi có các thông tin cụ thể, công ty sẽ cập nhật đầy đủ, kịp thời đến quý khách hàng, đối tác và các cổ đông", văn bản được 3 công ty dùng chung.

Lượt xem: 27
Tác giả: Trần Thị Tú Anh
Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.